Tiền lệ nguy hiểm

(PLVN) - Lịch sử loài người đã chứng minh, dịch bệnh không phải là mối nguy hiểm nhất cho xã hội. Xã hội hỗn loạn nhất khi không có pháp luật, hoặc luật pháp được thực hiện không thống nhất, mỗi nơi một phách, lạm quyền.
Kiểm tra y tế tài xế trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng.
Kiểm tra y tế tài xế trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng.

Câu chuyện lấy lý do phòng chống dịch, một số địa phương như Hải Phòng kiểm tra các phương tiện ở điểm ra đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng rồi bắt quay đầu, sau đó mới đây ra thêm “giấy phép con” với những người muốn đi sang tỉnh khác… là dấu hiệu manh nha của vấn nạn đó.

Nói về lý, không có điều luật nào cho phép địa phương này làm những việc “đóng băng xã hội” như thế. Nói về thực tế, sao không khuyến cáo ngay từ điểm vào cao tốc, mà để tài xế chạy cả trăm cây số, tốn xăng và 200 ngàn tiền phí vô bổ? Khi phải quay đầu, sự vô bổ kia nhân lên gấp hai lần.

Ở Quảng Nam, Giám đốc Sở Y tế kiêm người phát ngôn BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh thản nhiên cho rằng những người quê Quảng Nam nhưng sống ở Hà Nội, TP HCM về quê lúc này “chứng tỏ không có trách nhiệm với cộng đồng nên phải chịu cách ly tập trung”. Chỉ một phát biểu nhưng nhiều lần làm đau lòng người nghe.

Về tình, biết bao người vì quê nghèo khốn khó nên phải tha hương đi kiếm ăn, nay cách ly xã hội nên chỉ còn đường về quê bấu víu. Khi tươi tốt đủ đầy không sao, nay sao khi khó khăn lại bị coi “không có trách nhiệm”? Quê hương là nhà, là cha mẹ, mà có cha mẹ nào nỡ buông lời với con mình như vậy hay không?

Về lý, chỉ BCĐ phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế… mới có thẩm quyền công bố nơi nào là vùng dịch, đối tượng nào thuộc diện cách ly tập trung. Quảng Nam đã lạm quyền Trung ương.

Không thể nại lý do vì địa phương mình chưa có người mắc Corona nên mới “mạnh tay” để bảo vệ sức khỏe người dân. Trong Nhà nước pháp quyền XHCN, yếu tố thượng tôn pháp luật được đặt lên hàng đầu, dù “chống dịch như chống giặc” thì cũng phải trên căn cứ pháp luật và thực tế luật đã dự liệu rất rõ ràng minh bạch các tình huống, vấn đề ấy.  

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự ủng hộ của toàn thể người dân, dịch bệnh chắc chắn sớm bị đẩy lùi. Nhưng chuyện một số địa phương tự “sáng tác” ra những biện pháp “ngăn sông cấm chợ” trên là điều cần rút kinh nghiệm, phê bình, để tránh gây ra những tiền lệ nguy hiểm sau này. Những “sáng tạo” đó không chỉ trái luật, mà còn ngăn cản hiệu quả những chỉ đạo điều hành của Trung ương, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, gây ra những bức xúc không đáng có.

Đọc thêm