Kỳ vọng của người dân xã Bùi La Nhân
Như PLVN đã phản ánh, đình Chợ Trổ 260 tuổi vốn của xã Đức Nhân cũ (nay sáp nhập thành xã Bùi La Nhân), hơn 50 năm trước đã được di dời đến làm nhà trưng bày trong Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
Đầu tháng 3/2020, xã Bùi La Nhân gửi tờ trình đến UBND tỉnh Hà Tĩnh “xin lại” đình vì cho rằng: Khu lưu niệm Nguyễn Du hiện đã có nhà trưng bày mới và được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, đình Chợ Trổ đã hoàn thành “nhiệm vụ văn hóa” tại đây. Người dân muốn “xin lại” đình để làm nơi thờ tự và duy trì các bản sắc văn hóa tâm linh địa phương. Phó Chủ tịch tỉnh đã giao các sở, ngành liên quan giải quyết, trả lời xã trước ngày 28/3/2020.
Thành phần cuộc họp chiều 20/3 do Sở VHTT&DL chủ trì gồm: Đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội – HĐND – UBND tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư XDCT dân dụng và công nghiệp tỉnh, đại diện UBND và phòng Văn hóa 2 huyện Đức Thọ và Nghi Xuân, đại diện UBND huyện Nghi Xuân, đại diện xã Bùi La Nhân và một số con em xã Bùi La Nhân quan tâm đến đình Chợ Trổ (do xã Bùi La Nhân tin mời).
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân vẫn khẳng định quyết tâm “xin lại” đình, nếu được các cấp có thẩm quyền đồng thuận và xử lý đúng Luật Di sản. Ông chia sẻ, vẫn biết muốn “rước” đình về cũng không thể một lúc là xong, nhưng đó là tâm nguyện của người dân xã đã nhiều năm dang dở.
Hiện có điểm thuận lợi đặc biệt là ngôi đình có thể về đúng vị trí vốn là nền đình cũ, hiện đang đặt trụ sở UBND xã Đức Nhân (cũ). Từ đầu năm 2020, trụ sở này đóng cửa do sáp nhập, chính quyền chuyển nơi làm việc mới. Ngôi đình vì vậy có thể về đúng chốn cũ.
Nếu đình Chợ Trổ trở về sẽ tạo thành tổ hợp di tích địa phương, gồm nhà văn thánh, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ở ngay trong khuôn viên trụ sở. Cách vài trăm mét là hai ngôi đền của làng. Trong đó, nhà văn thánh cũng mới được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh cuối năm 2019.
Ông Linh cho biết xã đã có kế hoạch từng bước, nhưng trước hết phải chờ quyết định của tỉnh.
Ngôi đình đi làm “nhiệm vụ văn hóa”
Sau khi PLVN đăng loạt bài phản ánh sự việc, một vấn đề khác liên quan cũng được dư luận địa phương đặt ra: Câu chuyện “cho mượn” đình hơn 50 năm trước đã diễn ra thế nào? Vì sao có ý kiến cho rằng trước đây tỉnh đã “mua” đình của xã Đức Nhân (cũ)?
Tờ trình của xã Bùi La Nhân ghi rõ ngôi đình được “cho mượn”: Năm 1965, theo yêu cầu của đoàn cán bộ cấp tỉnh, lãnh đạo xã Đức Nhân (cũ, nay là xã Bùi La Nhân) đã “nhường lại” ngôi đình Chợ Trổ chuyển về xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân để làm nơi trưng bày hiện vật, hình ảnh trong Khu di tích Nguyễn Du, “với hình thức cho mượn”. Chính vì thế, nhiều thế hệ người dân địa phương vẫn không khỏi trăn trở mỗi khi nghĩ đến ngôi đình phải xa quê “đi làm nhiệm vụ văn hóa”.
Theo cán bộ xã, để có thể viết nội dung như thế, xã đã thành lập một Ban sưu tầm tư liệu, dày công tìm hiểu cặn kẽ về lịch sử.
Vậy vì sao lại có một số ý kiến cho rằng ngôi đình đã được “mua” để di dời đến Khu lưu niệm Nguyễn Du?
Tư liệu của nhà báo Đỗ Nhiệm (quê Đức Nhân) và nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Bách cùng ghi chép về việc này như sau: Năm 1963 (không phải 1965 như tờ trình của xã Bùi La Nhân - PV), để chuẩn bị kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du (1/1766 – 1/1966), Bộ Văn hóa Thông tin phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh cử đoàn cán bộ đi tìm mua một ngôi nhà có yêu cầu: kiến trúc cùng thời với Nguyễn Du, kiến trúc đẹp, mặt bằng rộng rãi đủ để trưng bày các tài liệu giới thiệu thân thế và sự nghiệp Nguyễn Du.
Gần hai tháng trời đi tìm không thành công, Trưởng đoàn là Giáo sư Lê Thước (1891 – 1975, quê huyện Đức Thọ) lúc đó đang công tác tại Vụ Bảo tồn Bảo tàng, đành viết thư sang tham khảo ý kiến Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908 – 1996, quê xã Đức Nhân) lúc đó đang ở Pháp, là học giả rất say mê văn hóa dân gian và có nhiều nghiên cứu về Nguyễn Du. Giáo sư Hãn đã gợi ý cho đoàn đến “xin mua” lại ngôi đình Trổ của quê mình (nay gọi đình Chợ Trổ).
Đoàn đến địa phương xin “nhượng mua” lại ngôi đình nhiều lần nhưng không được các vị cao niên đồng ý. Đến khi Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có thư về làng, vì nể trọng Giáo sư là người rất có uy tín và nghĩ đến việc chung của cả tỉnh, các vị cao niên mới đồng ý.
Tuy nhiên, các bài viết của cả hai ông Đỗ Nhiệm và Nguyễn Xuân Bách đều không nói rõ có việc “mua – bán” hay không. Trao đổi với PLVN, cả hai tác giả đều cho biết ghi chép lại qua các lời kể của một số nhân vật, và “nghe đâu có một khoản tiền”. Vì thế việc cho rằng đình đã được “mua” là chưa có chứng cứ thuyết phục.
Cụ già 103 tuổi: “Không có chuyện mua bán đình”
Để làm rõ thêm vấn đề, PLVN đã tìm gặp được nhân chứng là cụ Nguyễn Đường, 103 tuổi, người cao tuổi nhất xã Đức Nhân (cũ) và từng có thời là Chủ tịch xã. Khi đình được di dời đi, cụ Đường đang là Bí thư Nông hội xã. Cụ kể lúc đó có đoàn cán bộ tỉnh đến xin nhượng lại đình. Xã họp vài ba lần mới đồng ý.
Đã ở tuổi đại thọ và câu chuyện đình Chợ Trổ đã rất xa nhưng cụ Đường vẫn nhớ khá chi tiết. Tuy không thể trò chuyện lâu nhưng trong những mẩu chuyện ngắt quãng, cụ vẫn khẳng định không có chuyện mua bán đình.
Theo cụ Đường, trước khi hạ giải đình, làng tổ chức hội đình đúng ngày 5/5 âm lịch, cũng là ngày hoàn thành ngôi đình mấy trăm năm trước. Đoàn cán bộ đã đưa một khoản tiền (khoảng hơn một ngàn tiền đồng ngày ấy, con số có thể không chính xác do đã rất lâu - NV), nhưng không phải “mua” mà là tiền lộc để cả làng liên hoan trong ngày hội.
|
Cụ Nguyễn Đường (103 tuổi): “Không có chuyện mua bán đình”. |
Sau đó, đoàn cán bộ xin chuyển đình đến Khu di tích Nguyễn Du. Cụ Đường còn nhớ ngôi đình được tháo dỡ và rất nhiều xe đến chở đi.
Xác nhận lại lời kể của cụ Đường, ông Lê Thái Bình – nguyên Chủ tịch UBMTTQ xã Đức Nhân (cũ) cho hay: Cách đây vài năm, khi cụ Đường còn hoàn toàn minh mẫn, Ban sưu tầm tư liệu của xã đã được cụ kể như vậy. Các tài liệu của xã từ xưa cũng không có giấy tờ gì thể hiện việc mua bán ngôi đình. Vì thế xã mới tin chắc ngày xưa các cụ “cho mượn” đình để bây giờ con cháu xin lại.
Nhưng nói “mượn” thì “mượn” đến bao giờ, trả như nào? Một người con của xã Đức Nhân (cũ) là kiến trúc sư Hoàng Anh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh, cho biết hồi nhỏ đã được nghe ông nội kể nhiều chuyện về đình Chợ Trổ.
Ông Anh phỏng đoán: “Vì nghĩa lớn, vì nguyên tắc luật pháp nên cán bộ và nhân dân xã Đức Nhân thời ấy đã chấp hành thực hiện việc chuyển đình đi trong day dứt luyến tiếc. Có không ít các cụ cao tuổi lúc bấy giờ đã tỏ thái độ và có khi cả nặng lời với cán bộ địa phương vì họ cảm nhận như bị mất mát cái gì tận trong xương thịt. Cuối cùng chỉ nói là cho tỉnh “mượn” là dễ yên nhất”.
Hơn 50 năm đã qua. Giờ đây các sở, ngành lại cùng ngồi với chính quyền và nhân dân Bùi La Nhân bàn chuyện “trả” đình. Nhiều vấn đề sẽ được đề cập đến: thủ tục, kinh phí, quy hoạch, bảo tồn... Và trước đây vài năm cũng có một cuộc họp tương tự nhưng chưa ngã ngũ. Dư luận kỳ vọng cổ đình sẽ được “hồi hương” an vị sau nhiều năm lận đận đi - về.
Theo giới thiệu của Ban Quản lý di tích Nguyễn Du (nay là Khu lưu niệm Nguyễn Du): “Đình Chợ Trổ có nguồn gốc ở làng Chợ Trổ, xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nhân kỉ niệm 200 năm năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển về dựng ở khu vườn của họ Nguyễn – Tiên Điền làm nhà lưu niệm, trưng bày các hiện vật liên quan đến Nguyễn Du và họ Nguyễn – Tiên Điền.
Đình Chợ Trổ có diện tích mặt bằng 105m2 (7,15m x 14,7m), làm bằng gỗ mít, có 4 vì kèo, tạo thành 5 gian 2 hồi, mái lợp ngói âm dương. Kết cấu vì nóc theo kiểu “giá chiêng”, vì nách theo kiểu “kẻ mái”. Vì kèo được chạm trổ khá tinh vi theo phong cách chạm lộng các đề tài truyền thống vừa mang đậm tính Nho giáo vừa hàm nghĩa dân gian, như: long, ly, quy, phượng; cá chép hóa rồng, hoa sen; cảnh sinh hoạt lễ hội dân gian... Nền lát gạch nung vuông giả cổ (0,25m x 0,25m). Kiến trúc đình mang phong cách thế kỷ XVIII.
Năm 2003, nhà trưng bày Bảo tàng Nguyễn Du hoàn thành, các hiện vật, tài liệu được chuyển về trưng bày tại nhà trưng bày mới. Đình Chợ Trổ được bảo lưu gìn giữ, giới thiệu cho du khách gần xa về kiến trúc đình Hà Tĩnh thế kỷ XVIII và là nơi đã trưng bày giới thiệu các tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn – Tiên Điền”.