Ngày 13/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đã có văn bản giao Sở VHTT&DL chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư XDCT Dân dụng và Công nghiệp tỉnh (chủ đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng cơ sở hạ tầng Khu lưu niệm (KLN) Nguyễn Du), UBND huyện Nghi Xuân và các ngành, địa phương liên quan kiểm tra cụ thể, giải quyết đúng quy định hiện hành, trả lời xã Bùi La Nhân, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 28/3/2020.
Trao đổi với PLVN, đại diện chủ đầu tư Dự án cho biết: Đơn vị mới thành lập từ năm 2017, tiếp quản Dự án từ một ban đã giải thể của Sở VHTT&DL. Dự án đang triển khai đúng tiến độ để kịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du (1820 – 2020). Về việc xã Bùi La Nhân “xin lại” đình Chợ Trổ, chủ đầu tư sẽ phối hợp thực hiện đúng quy định.
“Làm văn hóa cần tôn trọng cộng đồng”
Trước khi các cơ quan chức năng có trả lời chính thức, những tranh cãi về cổ đình vẫn không có dấu hiệu “giảm nhiệt”.
Một trong những vấn đề “nóng” nhất là hiện ngôi đình này đã bị tháo dỡ, chuẩn bị di dời để phục dựng thành đình Xã (đình Tiên, một ngôi đình nay chỉ còn phế tích của làng Tiên Điền, được xác định vị trí cũng nằm trong KLN Nguyễn Du).
Trong Quyết định (QĐ) 1264 ngày 6/5/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đầu tư xây dựng công trình KLN Nguyễn Du, đã ghi rõ: “Đình Xã (đình Tiên) đã là phế tích và không có ảnh tư liệu, phương án cải tạo là di chuyển và phục hồi đình Chợ Trổ thành đình Xã”. Dù quyết định này triển khai dựa theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du (được Thủ tướng phê duyệt tại QĐ 2169 ngày 3/12/2015), nhưng vẫn làm bùng nổ tranh cãi.
Ông Hồ Bách Khoa, Trưởng ban Quản lý KLN Nguyễn Du thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình. Ông khẳng định trong suốt hơn 30 năm nghiên cứu di sản văn hóa, ông chưa từng thấy trường hợp nào lại “thay tên đổi chủ” một ngôi đình như vậy.
Vì theo quan điểm tín ngưỡng văn hóa dân gian, “đình làng nào thờ thành hoàng làng đó”, “đất có Thổ công, sông có Hà bá”. Ngôi đình gắn chặt chẽ với thiết chế văn hóa làng “cây đa, bến nước, sân đình”, do yếu tố lịch sử trong từng thời kỳ mới chuyển đổi vị trí, vai trò của ngôi đình Chợ Trổ. Nay cần điều chỉnh, chuyển đổi trường hợp này cho hợp lý.
Nhìn lại 55 năm đình Chợ Trổ rời quê hương “sống” trong KLN Nguyễn Du, ông Khoa nhận định: Ngôi đình đã “hoàn thành nhiệm vụ văn hóa”.
Giai đoạn năm 1965 – 2003, đình đóng vai trò là nhà lưu niệm, trưng bày các hiện vật liên quan đến Nguyễn Du và họ Nguyễn – Tiên Điền. Năm 2003, nhà trưng bày Bảo tàng Nguyễn Du được xây dựng, các hiện vật tài liệu được chuyển về trưng bày tại đây. Đình Chợ Trổ từ đó để không suốt 16 năm, chỉ được giới thiệu cho du khách như một di tích kiến trúc đình Hà Tĩnh thế kỷ XVIII và từng là nơi trưng bày tư liệu.
Đến năm 2020, Dự án tu bổ, tôn tạo KLN triển khai giai đoạn 1. Tháng 2/2020, dự án bắt đầu tháo dỡ các công trình, trong đó có đình Chợ Trổ.
Đình Chợ Trổ sau khi hạ giải. |
Chứng kiến ngôi đình 260 năm tuổi đang phơi mình chờ phán quyết của cơ quan quản lý, ông Khoa không khỏi băn khoăn. Trong nhiều cuộc làm việc những năm trước, chính ông đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cần đưa đình về quê cũ để địa phương phục dựng văn hóa làng. Nay xã Bùi La Nhân lên tiếng, ông hy vọng lần này sẽ tìm ra cách giải quyết thấu đáo.
Cùng quan điểm phải “trả” đình Chợ Trổ về quê hương, ThS. Bùi Đức Hạnh, nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh cho biết: Khi ông còn công tác đã nghe cán bộ làm dự án quy hoạch báo cáo đình Chợ Trổ không nằm trong vùng lõi cần bảo tồn trong KLN quốc gia đặc biệt, chỉ là hạng mục “vay mượn”.
Về nguyên tắc, như vậy là đúng, dự án dời đình ra khỏi quy hoạch KLN quốc gia đặc biệt vì không liên quan đến thân thế, sự nghiệp Nguyễn Du. Vì thế, khi xã Đức Nhân (cũ) gửi văn bản “xin lại” đình từ năm 2014, ông hoàn toàn ủng hộ. Nhưng chưa giải quyết xong thì ông Hạnh nghỉ hưu.
Ông Hạnh trao đổi: “Những giá trị văn hóa liên quan đến đình, chùa, miếu mạo cần hết sức cẩn trọng khi xử lý, không thể nóng vội. Hồi đó tôi mà làm Sở Văn hóa thì không đồng tình việc đưa đình Chợ Trổ về làm đình Tiên Điền.
Nay xã Bùi La Nhân lại có nguyện vọng xin lại cũng là chính đáng, tỉnh nên xem xét một phần kinh phí. Một công trình văn hóa tâm linh nơi này lại đưa sang làm đình nơi khác là không được. Làm văn hóa cần tôn trọng cộng đồng. Đình Chợ Trổ nếu đưa về quê chắc chắn sẽ được xếp hạng như một di tích kiến trúc độc lập vì chạm trổ rồng bay phượng múa rất đẹp, chứa đựng nhiều giá trị”.
Cần tìm phương án “văn hóa” nhất
Bên cạnh đó, vẫn có những ý kiến cho rằng không nên di dời “cụ” đình đi đâu nữa, nên bảo tồn tại KLN đại thi hào.
Ông Nguyễn Xuân Bách, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết: Trước khi chính quyền gửi văn bản xin lại đình những năm gần đây, một số con em Đức Nhân ở Hà Nội, Hải Phòng... đã đến thắp nhang ở KLN và bày tỏ nguyện vọng đón đình về.
“Khi ấy tôi đã phân tích: đưa đình về thì đặt ở đâu, gìn giữ như nào, trong khi đình đang được bảo tồn và có giá trị đặc biệt tại KLN, đón nhiều khách tham quan. Họ thấy hợp lý. Sau đó có lần tôi ra Hà Nội công tác cũng đã hỏi lại, nhưng họ nói “để lại thôi” và không đề cập đến nữa, mãi sau này chính quyền mới gửi đơn”, ông Bách kể.
Không đứng về “phe” nào, nhà giáo Nguyễn Trung Tuyến, hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh, quê ở Uy Viễn (“hàng xóm” của xã Tiên Điền) cho rằng: “Khi đưa đình Chợ Trổ về KLN thì không còn nguyên nghĩa là đình thờ thành hoàng nữa mà trở thành Nhà lưu niệm. Tại sao lại “đòi về” sau hơn 55 năm ngôi đình trải qua mưa bom, bão đạn gắn bó với nơi đây?
Cũng không thể đưa đình Chợ Trổ phục dựng thành đình Tiên. Không thể bạ thế nào làm thế đó. Cần chọn nơi hợp phong thủy trong KLN để phục dựng lại và giới thiệu là “Nhà lưu niệm cũ, nguyên là đình Chợ Trổ ở làng Đức Nhân”.
Nhà báo Đỗ Nhiệm, một người con Đức Nhân, băn khoăn: “Đức Nhân giờ đưa đình về cũng không đơn giản, đưa về như nào, bảo tồn ra sao, giao cho ai quản lý, không phải đưa về dựng đó là xong?”. Tuy nhiên, ông cũng phản đối việc đưa đình Chợ Trổ “đổi tên” thành đình Tiên.
Trao đổi với PLVN, nhiều nhà nghiên cứu, cán bộ văn hóa và người dân chung nhận định: Trong câu chuyện đình Chợ Trổ, cần tìm phương án “văn hóa” nhất.
Nhìn một cách khách quan, các cứ liệu lịch sử đều ghi nhận công lao rất lớn của nhân dân xã Tiên Điền và các xã vùng lân cận trong việc đóng góp hình thành nên Khu lưu niệm Nguyễn Du. Ngân sách rất ít, chủ yếu là công sức đóng góp của nhân dân. Trong điều kiện khó khăn thời xưa, ý tưởng dời đình Chợ Trổ về khu lưu niệm làm nhà bảo tàng (ngoài ra còn có Nhà tư văn cũng được dời từ xã Xuân Viên - PV) là hợp lý, phù hợp với điều kiện lịch sử.
Trên thực tế, nhiều công trình kiến trúc có tuổi đời 200-300 năm như đình Chợ Trổ gần như đã bị hư hỏng hoàn toàn nếu không được tu bổ đúng quy trình. Cũng là cái duyên khi đình Chợ Trổ được trưng dụng đi “làm nhiệm vụ văn hóa” trong KLN Nguyễn Du nên mới tồn tại đến bây giờ.
Tuy nhiên, khi một cộng đồng dân cư đã lên tiếng bày tỏ nguyện vọng một cách chính đáng, các cấp ngành liên quan cần xem xét giải quyết thấu đáo, tránh để dư luận tranh cãi không hay.
“Đình Chợ Trổ đã gắn bó hàng chục năm ở Khu lưu niệm, nếu tiếp tục được bảo tồn ở đây cũng có giá trị riêng. Nhưng nếu ngôi đình đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và người dân Đức Nhân có nguyện vọng thì cũng nên hoàn lại cho họ.
Tuy nhiên, cần cẩn trọng xem xét đến mọi vấn đề, từ tài chính đến quá trình di dời, bảo tồn sau khi đưa về làng. Quan trọng nhất cần tránh bất hòa, mất đoàn kết. Còn về mặt thủ tục, mặc dù có khó khăn do quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng nếu tỉnh có ý kiến, địa phương quyết tâm thì cũng không phải không làm được”.
(TS Trần Quyết Thắng, quê xã Tiên Điền, nguyên Cục trưởng Cục Quản trị A - Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh)
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Đức Nhân. Khi đình Chợ Trổ được di dời đi, tôi mới học lớp Một. Nếu ngôi đình tiếp tục ở trong Khu lưu niệm như vẫn tồn tại hơn 50 năm qua thì có lẽ không ai nói gì. Nhưng nay định đưa đình đi phục dựng thành đình của Tiên Điền thì rất “chướng”.
Theo đạo lý về văn hóa, không ai đối xử với di tích như vậy. Làm văn hóa là phải đúng văn hóa. Đây không phải là việc dân Đức Nhân “xin lại” hay “đòi lại” mà tỉnh cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ chứ không phải “bỏ mặc” cho địa phương. Nhưng tôi cũng rất lo nếu đưa đình về thì bảo tồn như nào?”.
(TS Lê Hồng Huyên, quê thôn Phúc Lộc, xã Đức Nhân (cũ), nguyên Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương)