Khu di tích Nguyễn Du thuộc địa phận xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, có bề dày lịch sử trên 400 năm. Đây là quê hương và cũng là nơi an nghỉ của Danh nhân văn hóa thế giới – Đại thi hào Nguyễn Du. Trải qua bao biến cố thăng trầm, khu di tích của Đại thi hào đã được nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Khu di tích có tổng diện tích khoảng 28.562m2, gồm các hạng mục chính như: Nhà tư văn do Quận công Nguyễn Nghiễm dựng tại khu vườn của ông tổ họ Nguyễn năm 1785, được tu sửa vào các năm Tự Đức thứ 3 (1850) và Tự Đức thứ 13 (1860). Ban đầu, đây là địa điểm tụ hợp bình thơ, bình văn của các nhà khoa bảng trong vùng. Nhà thờ Nguyễn Du: dựng năm 1820, tại khu vực vườn nhà Nguyễn Du, thuộc xóm Tiền, thôn Lương Năng. Đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh: do Nguyễn Nghiễm cùng người em là Nguyễn Trọng dựng năm 1762, để báo hiếu công ơn sinh thành của cha mẹ. Và các hạng mục khác như: Khu lăng Văn Sự, Nhà trưng bày, Khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du…
Dù trải qua hơn 300 năm những “cụ cây” vẫn xanh tốt. |
Theo ông Nguyễn Mậu (sinh năm 1947), hậu thế tiến sỹ Nguyễn Khản và hoàng giáp Nguyễn Nhiễm, cháu đời thứ 14 của dòng họ Nguyễn Du, cho biết, sinh thời cụ Nguyễn Quỳnh – ông nội Nguyễn Du, có 9 người con (6 trai, 3 gái), cụ Nguyễn Quỳnh biết trong 6 người con trai sẽ có 3 người đỗ đạt làm quan, nên khoảng từ năm 1715 đến 1720, cụ đã cho trồng 3 cây Muỗm (Xoài), Bồ Lỗ (Cây Nóng) và cây Rói. Với mong muốn 3 cây sẽ tượng trưng cho 3 người con thông minh, đỗ đạt, danh tiếng của 3 người con sẽ được lưu tồn tới mai sau.
Không lâu sau đó, quả như dự đoán của cụ Nguyễn Quỳnh, 3 người con của cụ là Nguyễn Huệ (con trai trưởng), Nguyễn Nghiễm (con trai thứ, thân sinh cụ Nguyễn Du) và Nguyễn Trọng đã đỗ đạt cao và làm quan lớn dưới triều đình. Trong đó, năm 1762 Nguyễn Nghiễm được triều đình nhà Lê phong chức Tể tướng. Khi đã làm quan lớn trong triều đình, mỗi lần về thăm cha, gặp gỡ bạn bè cùng hầu bàn chuyện thế sự, văn chương, 3 người con của cụ Nguyễn Quỳnh thường cho dừng chân dưới 3 cổ thụ rợp bóng này để nghỉ ngơi sau chặng đường dài.
Đến thăm Khu di tích Nguyễn Du, du khách đều ghé thắp hương tại các cây cổ thụ này. |
Sau này khu di tích được quy hoạch, trở thành Khu di tích quốc gia đặc biệt, 3 cây cổ thụ trên trở thành những di tích sống, được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, đến năm 1982 một trận bão mạnh đã quật đổ cây Rói. Còn lại cây Nóng và cây Muỗm dù đã trên 300 năm tuổi nhưng vẫn rợp bóng xanh tươi, hàng năm vẫn ra hoa kết trái.
Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa mà Đại thi hào Nguyễn Du cùng dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã để lại cho quê hương, dân tộc và văn hóa thế giới, hàng năm tại Khu di tích thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, như: Kỷ niệm năm sinh, năm mất của Đại thi hào; tổ chức các cuộc bình thơ, bình Kiều, diễn Kiều; tọa đàm văn chương; trao đổi về điển tích Truyện Kiều; sinh hoạt Câu lạc bộ Thơ và Ngày thơ Việt Nam…
Hiện nay, mỗi ngày Khu di tích của Đại thi hào Nguyễn Du đón hàng trăm lượt khách đến tham quan. Mỗi lần ghé thăm khu di tích du khách đều ghé các cây cổ thụ thắp hương, cầu nguyện, chụp ảnh lưu niệm và nghe những sự tích về các “cụ cây”.