Tiếp vụ nhà đầu tư “tay không bắt giặc”: Thương hiệu mạnh cũng thiếu nợ

(PLO) - Chủ đầu tư Dự án BOT quốc lộ 1A đoạn Bắc Bình Định toàn là những doanh nghiệp có “máu mặt” trong lĩnh vực xây lắp  hạ tầng giao thông nhưng đến thời điểm này, Liên danh triển khai dự án trên mới “gom” được hơn 80% vốn chủ sở hữu và đang bị “đốc” nợ từng ngày.
Lễ ký Hợp đồng triển khai Dự án BOT quốc lộ 1A Bắc Bình Định giữa lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư vào tháng 10/2013
Dự án nhiều “tì vết”
Như PLVN (ra ngày 15/6) đã thông tin, Dự án BOT quốc lộ (QL) 1A đoạn Bắc Bình Định (km1125 - km1153) do Liên danh Tổng Công ty Thành An (Bộ Quốc phòng) - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bắc Ái – Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Long Trung Sơn… thực hiện, với tổng chiều dài hơn 28km, điểm đầu tại xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định và điểm cuối tại xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. 
Để thực hiện dự án này, trước đó ngày 31/10/2013, trước sự chứng kiến của các Vụ: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Quản lý doanh nghiệp, Ban Đầu tư các đối tác công tư, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), lãnh đạo Bộ này và đại diện liên danh nói trên đã ký  Hợp đồng Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1A qua  Bình Định theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư hơn 1.643 tỷ đồng.
Bộ GTVT giao Ban Quản lý Dự án 2 đóng vai trò là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với dự án. Nhưng sau đó, do các dự án qua Bình Định bị “lụt” tiến độ, hiệu quả quản lý của Ban 2 yếu nên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã quyết định giao toàn bộ các dự  án đoạn qua Bình Định cho Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh quản lý; đồng thời thay thế cả Giám đốc điều hành Dự án BOT Bắc Bình Định và yêu cầu phải rà soát lại năng lực tài chính của các nhà đầu tư. 
Vào thời điểm đầu năm 2015, khi kiểm tra Dự án BOT Bắc Bình Định, Bộ trưởng Thăng đã cảnh báo các nhà đầu tư phải làm ăn bài bản, bởi theo Bộ trưởng thì dự án này “không phải là chỗ để các ông vào làm tiền, chia chác nhau”. Bộ trưởng Thăng khi đó kiên quyết: “Nếu tình trạng yếu kém còn tiếp diễn, Bộ GTVT sẵn sàng đuổi luôn nhà đầu tư BOT Bắc Bình Định ra khỏi dự án”.
Ngày 21/6 sẽ góp thêm 11 tỷ?
Dự án nói trên sau khi áp dụng một loạt biện pháp để giải cứu tiến độ  cũng đã có biến chuyển, song như PLVN đã thông tin, đến thời điểm này, Liên danh thực hiện dự án vẫn chưa góp đủ vốn chủ sở hữu theo quy định của Bộ GTVT. “Sản lượng của dự án hiện mới đạt 48%. Các nhà đầu tư mới góp được 88% vốn chủ sở hữu theo quy định.” - ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết hôm qua (15/6).
Trong khi theo Quyết định số 8003 của Bộ GTVT quy định về năng lực tài chính của các nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, BT thì các nhà đầu tư khi triển khai dự án phải đóng đủ 100% vốn chủ sở hữu trong vòng 90 ngày kể từ khi thành lập doanh nghiệp dự án, và dự án chỉ được ký hợp đồng chính thức khi nhà đầu tư đã góp đủ 100% vốn chủ sở hữu. 
Cụ thể trong trường hợp này, Dự án BOT QL1A Bắc Bình Định được Bộ GTVT ký hợp đồng triển khai từ tháng 10/2013, nhưng đến nay thì vẫn thiếu vốn chủ sở hữu lên tới hơn 24 tỷ đồng. “Các nhà đầu tư của Dự án này (Vinaconex - PVC và Long Trung Sơn) cam kết với chúng tôi đến ngày 21/6 tới đây sẽ bổ sung thêm 11/24 tỷ đồng vốn chủ sở hữu đang thiếu. Chúng tôi đang theo sát những gì họ đã cam kết.”  - ông Hồ Quang Quỳnh, phụ trách Bộ phận Kế toán Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho hay.
Cũng theo đại diện của Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư nói trên đều là những doanh nghiệp có “tên tuổi”, song có thể do họ đang “ôm” nhiều dự án ở nhiều nơi khác nhau nên nguồn lực bị phân tán dẫn tới tình trạng trên?
Các “Tổng” lớn phải vào cứu tiến độ
Đầu năm 2015, Dự án BOT QL1A đoạn Bắc Bình Định từng bị “lụt” tiến độ, Bộ GTVT sau đó đã phải thay cơ quan quản lý nhà nước quản lý có thẩm quyền từ Ban Quản lý Dự án 2 sang Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh để đôn đốc dự án. Ngoài ra, các “Tổng” lớn của ngành Giao thông như Cienco 1, Cienco 4 cũng đã được điều vào để giải cứu tiến độ các gói thầu thuộc Dự án QL1A đoạn qua Bình Định.

Đọc thêm