Bùng nổ xu hướng… “chữa lành”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày gần đây, khi nhà nhà đi du lịch đều gán cho chuyến đi với tên gọi “chữa lành”. Trào lưu “chữa lành” phổ biến tới mức, ngành du lịch thống kê có khoảng 9 triệu lượt khách tham gia “chữa lành” dịp lễ vừa qua, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước…
Đôi khi sống chậm và giản đơn đã là sự “chữa lành”. (Ảnh minh họa chụp màn hình)
Đôi khi sống chậm và giản đơn đã là sự “chữa lành”. (Ảnh minh họa chụp màn hình)

“Chữa lành” khi chưa kịp… tổn thương

Có lẽ là một từ khoá đã trở thành xu hướng vài năm trở lại đây, nhất là sau đại dịch COVID-19 với rất nhiều mất mát, đau thương. Sau khi cả thế giới cùng trải qua tổn thương to lớn thì có lẽ con người ta cũng mạnh dạn hơn khi đưa ra những tổn thương của chính mình, để ôm ấp, nâng niu và rồi hàn gắn nó.

Nhờ Gen Z, những chuyến đi du lịch được tặng cho cái tên “chuyến đi chữa lành”. Vui vui đùa đùa, đến nỗi giờ kỳ nghỉ dài cũng được mọi người gọi vui là “Ngày Chữa lành toàn quốc”.

Thực tế trào lưu “chữa lành” đang tràn ngập Facebook, Instagram hay TikTok . Trong bối cảnh công nghệ và truyền thông xã hội phát triển nhanh chóng, thế hệ Z, sinh ra từ giữa những năm 1990 đến đầu những năm 2010, nhận thấy mình đang phải “vật lộn” trong một thế giới tràn ngập những áp lực và sự phức tạp. Từ căng thẳng học tập gia tăng đến so sánh trên mạng xã hội, Gen Z phải đối mặt với một loạt vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của họ.

Ở góc độ khác, một bộ phận Gen Z có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, có công việc thu nhập ổn, không phải gánh nặng chuyện tiền nong nhưng luôn làm quá mọi chuyện, luôn suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tiêu cực, luôn cảm thấy bản thân bị tổn thương… Đồng thời, không ít Gen Z có hoàn cảnh khó khăn, mưu sinh bằng đủ nghề để được tiếp tục con đường học vấn, những tưởng họ sẽ gai góc, mạnh mẽ hơn nhưng họ lại “tích cực” than vãn, gia nhập các hội nhóm “chữa lành” trên mạng xã hội.

Cũng có không ít trường hợp chạy theo trào lưu, tìm một góc thật chill để sống ảo, rồi đăng ảnh thở than lên mạng xã hội về cuộc sống không như ý. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, đây không phải là bệnh tật, mà là một biểu hiện đáng quan ngại của việc thích sống theo xu hướng, tự huyễn hoặc bản thân bị những tổn thương không hề có từ thực tế.

Bởi thế, chỉ cần gõ cụm từ “chữa lành” sẽ cho khoảng hơn 64 triệu kết quả trong vòng 0,26 giây. Trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, từ khóa “chualanh”, “healing” lọt Top 100 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam. Cùng với đó là sự bùng nổ của hàng trăm hội nhóm về “chữa lành” được lập trong thời gian gần đây, thu hút rất đông người tham gia, hưởng ứng. Nhiều người trẻ sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho các chuyến du lịch, các khóa thiền, các lớp học trải nghiệm mang danh “chữa lành”.

Theo Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, tại Việt Nam tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có khoảng 15 triệu người. Trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, từ 5 đến 6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu, bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.

Bản chất của “chữa lành” là để cho chúng ta hạnh phúc hơn, chia sẻ được những vấn đề tổn thương tâm lý đang gặp phải. Bên cạnh những hoạt động “chữa lành” có sự định hướng của những người có chuyên môn, hiện nay có một số “khóa học chữa lành” trên mạng đang có những dấu hiệu trục lợi, lừa đảo. Những khóa học này được quảng cáo rất rầm rộ nhưng hiệu quả ra sao lại là câu chuyện khác.

Chị Hạnh An, một người mẹ gặp nhiều bất ổn trong cuộc sống hôn nhân. Chị quay trở lại với chồng cũ sau nhiều năm ly hôn và chị có thêm một em bé thứ ba trong thời điểm đó. Lúc này hai con lớn của chị đã từng gặp nhiều tổn thương do ám ảnh về người cha không có trách nhiệm trong quá khứ, bọn trẻ đang tuổi vị thành niên phản đối việc hàn gắn của cha mẹ… Chị Hạnh An những mong quay trở lại để vun đắp tình cảm cho các con, nhưng mọi việc lại tệ hơn, cùng với sự trầm cảm sau sinh nên chị đã phải tìm tới bác sỹ tâm lý. Thế nhưng, bác sỹ tâm lý lại làm vấn đề trầm trọng hơn, khi đem chuyện của chị nói lại với chồng chị, đem nỗi niềm uẩn ức của con gái về người cha nói lại với chính người cha đó… Như vậy, chưa cần biết bác sỹ điều trị tới đâu, nhưng điều tối kỵ chính là bác sỹ đã tiết lộ thông tin của khách hàng. Cùng với đó, bác sỹ chỉ đưa ra những liệu pháp theo đúng “sách vở” mà không có thực tế. Bởi “chữa lành” chỉ thật sự hiệu quả, khi mỗi người biết được vấn đề của mình ở đâu để đối diện, để tìm ra lối đi tốt nhất cho bản thân, chứ không phải theo công thức chung. Đành rằng, nếu người bị trầm cảm nặng, hay khi gặp vấn đề, họ cần được chia sẻ, được lắng nghe và đưa ra những lời khuyên hữu ích. Nhưng sự “chữa lành” tốt nhất chính là ở bản thân mỗi người, khi họ xốc lại được bản thân và cân bằng cuộc sống, cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.

Sự đối diện - hành trình không mệt mỏi

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, trào lưu “chữa lành” đã bắt đầu được biết tới nhiều hơn từ sau đại dịch COVID-19. Theo ông Nam, ở thời điểm hiện tại, nhiều người sau khi bị tổn thương tâm lý, khi học thêm một vài khóa học đã nhận thấy đây là một môi trường kinh doanh được. Do đó, họ bắt đầu quảng bá mạnh mẽ các khóa học, gây dựng cộng đồng “chữa lành” nhằm phát triển kế hoạch kinh doanh dựa vào từ khóa đang “hot” này. Trên thực tế, các khoá học “chữa lành” tại các nước khác cần phải có cơ chế kiểm duyệt gắt gao và được cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền. Ở Việt Nam hiện tại, rất nhiều người cung cấp các dịch vụ “chữa lành” không có bằng cấp cũng như cung cấp dịch vụ chưa được kiểm duyệt bởi các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân Việt Nam về sức khỏe tâm thần còn thấp, trong khi đó chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng chưa được phát triển mạnh mẽ. Ông Nam cho biết, nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng không muốn gặp bác sỹ tâm thần do lo ngại bị đánh giá, bị gọi là “điên” và tìm kiếm giải pháp ở nơi khác. Đây cũng là một phần lý do khiến các khóa học “chữa lành” mọc lên ngày càng nhiều.

Ông Nam cho biết thêm, từ năm 2023, Việt Nam đã có chức danh Nhà tâm lý và Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật khám, chữa bệnh, trong đó vị trí nghề nghiệp Tâm lý lâm sàng cần phải có chứng chỉ của Bộ Y tế. Do đó, khi tìm kiếm các dịch vụ “chữa lành”, cần phải lựa chọn một cách cẩn thận, nên tới khám bệnh tại những bệnh viện uy tín để không mắc phải “bẫy” của những người không có đủ chuyên môn mà chỉ dựa vào từ khóa “chữa lành” để kiếm tiền…

Còn theo diễn giả Chương Đặng: “Lại nói về trào lưu “chữa lành”, đây là điều hiển nhiên của những thứ phát triển nhanh chóng. Tôi không bàn về những hoạt động lừa đảo, trá hình, hay lạm dụng khái niệm ấy để trục lợi. Nhưng ai ở trong lĩnh vực “healing”, “chữa lành” ở Việt Nam trong 20 năm qua chắc chắn sẽ không phủ nhận điều này rằng: kiếp nạn của một người gặp phải vấn đề tâm lí là họ không dám đưa cánh tay lên ra dấu: “tôi có vấn đề!”. Xã hội không còn nhầm lẫn một người cần tư vấn tâm lí là một người tâm thần. Và bất kì ai trong chúng ta, bao gồm cả người tư vấn tâm lí, đều sẽ có lúc cần trợ giúp về tâm lí. Việc tìm kiếm một “người nghe” chuyên nghiệp nó cũng đơn giản như việc bạn đặt một liệu trình massage thư giãn cho cơ thể, thì tâm hồn bạn cũng cần những xoa dịu tương tự”.

Cùng với đó, tác giả sách “Bố cho con cái gì?” - Hoàng Huy chia sẻ về trào lưu “chữa lành” rằng anh vẫn đi chơi nhưng đi chơi là đi chơi, không gọi là “chữa lành”. Và nếu như bạn đang không ổn, đi chơi cũng không thể “chữa lành”, nếu như bạn mang theo tâm trạng nặng nề, u ám. Nếu cảnh sắc tươi đẹp, những trò vui làm bạn quên đi chốc lát thì cũng chỉ giống như bạn uống rượu để giải sầu, lúc tỉnh lại còn sầu hơn. Đó chỉ là né tránh, bạn chạy trốn nó, chứ vấn đề nó vẫn ở yên đó chờ bạn.

Có nhiều cách hiểu về “chữa lành” theo trải nghiệm của mỗi người. Nhưng với anh Huy, “chữa lành’ là cuộc hành trình không ngừng nghỉ đi vào bên trong chính bản thân mình, sắp xếp lại những ngổn ngang. Và quan trọng nhất tìm lại được sự cân bằng cần thiết để tiếp tục sống một cuộc đời an yên, hạnh phúc. Không sẵn sàng đi vào trong và đối diện, thì dù đi xa tới mấy, chữa mãi cũng sẽ không lành. Khi chúng ta nhận diện được nỗi đau, không còn trốn tránh và gọi tên nó, là quá trình “chữa lành” đã chính thức được bắt đầu.

“Với bản thân mình, suy cho cùng, trong cuộc đời này, chỉ có duy nhất mất mát người thân, sinh ly tử biệt đáng được gọi là đau khổ; còn mọi chuyện khác, được - mất, giàu - nghèo, ốm đau - mạnh khoẻ đều là những sắp đặt cần thiết của cuộc sống, đến rồi đi. Điều duy nhất chúng ta cần làm là điềm tĩnh… chấp nhận nó, ngay khi ta chấp nhận nó, tức là ta đã bước đầu thay đổi nó.

Đành rằng, cuộc sống càng tiện nghi, hiện đại, bận rộn con người càng dễ tổn thương hơn. Không sao hết, không phải lúc nào cũng mạnh mẽ đã là tốt, tổn thương - yếu đuối cũng có giá trị riêng nếu chúng ta nhìn nhận nó trong sự sáng suốt và lạc quan. Nếu lỡ cuộc đời có mạnh tay xíu mà lỡ bị rách, thì hãy viết hẳn một trang mới, đàng hoàng hơn, tươi sáng hơn” - Hoàng Huy bày tỏ.

Và như thế, chỉ cần chúng ta luôn an yên, tĩnh lặng trong tâm hồn với những cảm xúc có thể chạm tới từ cuộc sống, ấy là khi chúng ta đã đi qua rất nhiều nỗi đau để biết tự “chữa lành”. Bởi điều gì rồi cũng sẽ qua, khi bạn bình tĩnh đối diện với mọi điều không như ý trong cuộc đời…

Đọc thêm