Bộ Tư pháp cho biết, từ tháng 11/2013 đến ngày 30/6/2017, tại Bộ Tư pháp đã ban hành 52 Quyết định xử phạt VPHC với số tiền là 577.500.000 đồng.
Tại các địa phương, Sở Tư pháp, UBND các cấp đã ban hành 10.068 Quyết định xử phạt VPHC bằng hình thức xử phạt tiền với tổng số tiền là 4.210.661.000 đồng. Ban hành 6.430 Quyết định xử phạt VPHC với hình thức xử phạt là cảnh cáo. Đồng thời, các địa phương cũng đã áp dụng 200 biện pháp khắc phục hậu quả. Riêng các cơ quan THADS địa phương đã ban hành 223 Quyết định xử phạt VPHC với tổng số tiền 92.413.000 đồng.
Bên cạnh những nội dung quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác xử lý VPHC một cách chính xác, đúng nguyên tắc xử lý theo quy định của Nghị định 110/2013/NĐ-CP còn có một số nội dung cách hiểu, cách áp dụng chưa thống nhất hoặc chưa được đồng thuận gây khó khăn cho việc xử lý VPHC. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực được thanh tra như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, THADS chưa có chế tài xử phạt.
Ngoài ra, mức phạt đối với một số hành vi vi phạm tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, Nghị định số 67/2015/NĐ-CP chưa tương xứng, chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và chưa đủ tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, dẫn đến tình trạng tuy không phổ biến nhưng nhiều cá nhân, tổ chức hiện đang tồn tại tâm lý chung chấp nhận nộp phạt VPHC vẫn có lợi hơn so với phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực đó.
Hoặc có một số hành vi vi phạm có tính chất, mức độ giống nhau nhưng lại quy định mức tiền phạt khác nhau là chưa phù hợp. Do đó, cần sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm, trong đó có lĩnh vực THADS.
Theo dự thảo, hành vi VPHC trong lĩnh vực THADS được quy định tại Điều 66 Chương V, về cơ bản vẫn giữ lại những quy định tại Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP. Dự thảo Nghị định đã bổ sung mới 12 hành vi vi phạm để phù hợp với các văn bản pháp luật về THADS, sửa đổi, bổ sung đối với 07 hành vi.
Theo đó, nhẹ nhất là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng.
Cao nhất, cũng theo dự thảo, sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phong tỏa tài khoản, tài sản của người phải thi hành án theo quyết định của người có thẩm quyền thi hành án.
Ngoài ra, so với Nghị định 110/CP, có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi như không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc tạm giữ tài sản, giấy tờ; Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản; Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc giao, trả tài sản, giấy tờ; Không cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin về tài khoản, tài sản, thu nhập của người phải thi hành án; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc cung cấp thông tin về tài khoản, tài sản, thu nhập của người phải thi hành án và việc phong tỏa, khấu trừ để thi hành án; làm lộ thông tin hoặc lạm dụng thông tin về tài khoản của người phải thi hành án đã cung cấp cho cơ quan thi hành án vào mục đích khác…
Thậm chí các hành vi như có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ trong THADS hay gây rối trật tự nơi tổ chức thi hành án hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động của cơ quan THADS cũng bị xử phạt ở mức tương tự. Đáng chú ý, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin để người phải thi hành án chuyển, rút tiền khỏi tài khoản làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định đã bổ sung mới biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu đã bị thay đổi …”.