Buôn lậu thuốc lá điếu có thể bị phạt tới 3 triệu, còn thuốc lá thế hệ mới thì sao?

(PLVN) - Theo Nghị định số 98/2020, từ ngày 15/10, người có hành vi kinh doanh, buôn bán, vận chuyển và tàng trữ dù chỉ 1 gói (bao) thuốc lá nhập lậu cũng có thể bị phạt tới 3 triệu đồng. Thế nhưng , các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng trong việc xử lý vi phạm liên quan tới thuốc làm nóng (thuốc lá nung nóng), thuốc lá điện tử. 

Theo các cơ quan chức năng, số lượng và số vụ thu giữ thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng ngày càng tăng lên. Thời điểm cận Tết, càng có nhiều trường hợp buôn lậu thuốc lá thế hệ mới được phát hiện. Tháng 11 vừa qua, cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện 1.537 sản phẩm là máy hút thuốc lá, phụ kiện, tinh dầu không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Còn tại TP HCM, lực lượng Hải quan truy quét và thu giữ lô hàng thuốc lá thế hệ mới trị giá gần 1 tỷ đồng. 

Cuối tháng 11, Cục Quản lý thị trường phối hợp, tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc lá điện tử tại một địa điểm thuộc phường Bãi Cháy, phát hiện 12.505 điếu thuốc lá điện tử loại Pod system, nhãn hiệu Lio, xuất xứ Trung Quốc. Toàn bộ lô hàng trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử đang bị bày bán tràn lan trên mạng xã hội.
 Thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử đang bị bày bán tràn lan trên mạng xã hội.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, từ ngày 15/10, người có hành vi kinh doanh, buôn bán, vận chuyển và tàng trữ dù chỉ 1 gói (bao) thuốc lá nhập lậu cũng có thể bị phạt tới 3 triệu đồng. Trường hợp tái phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhưng đối với hoạt động mua bán bất hợp pháp thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, các cơ quan chức năng cho biết chỉ có thể xử lý đây là loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Theo lời khai các đối tượng, việc buôn bán các sản phẩm này trung bình lãi tới 4-5 lần. Trước khoản siêu lợi nhuận từ việc mua bán bất hợp pháp thuốc lá thế hệ mới, thì việc xử lý như trên liệu có đủ sức răn đe những người vi phạm?

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao hành vi vi phạm liên quan thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử không thể được áp dụng như đối với thuốc lá điếu? Một số ý kiến cho rằng, do luật hiện hành không hề đề cập đến “thuốc lá thế hệ mới” nên chưa thể áp dụng với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, cũng như các sản phẩm thuốc lá khác.

Tuy nhiên, cần biết rằng, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 2012 mặc dù không đề cập trực tiếp đến “thuốc lá thế hệ mới”, nhưng đã bao gồm các loại “thuốc lá khác”. Do đó, nếu thuốc lá thế hệ mới nào có đủ các đặc tính và được coi là “thuốc lá khác” theo định nghĩa thì có thể sớm rà soát các quy định của Luật và các văn bản có liên quan để đưa vào quản lý. Theo đó, thuốc lá làm nóng chứa nguyên liệu thuốc lá nên cần được xem là “thuốc lá khác” và hoàn toàn có thể đưa vào quản lý theo Luật hiện hành ngay. 

Thuốc lá làm nóng cần được xem là một dạng “thuốc lá khác” theo định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012.
Thuốc lá làm nóng cần được xem là một dạng “thuốc lá khác” theo định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, không nên gọi chung chung các sản phẩm thuốc lá không khói là “thuốc lá thế hệ mới”, vì dễ gây hiểu nhầm và gây khó khăn cho công tác quản lý về sau. Cần phân biệt rõ thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử cả về mặt cơ chế hoạt động và nguồn nguyên liệu có trong sản phẩm. Khi đó, mới có thể rà soát, đối chiếu từng loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới để xem xét tính phù hợp với các quy định quản lý thuốc lá đang được áp dụng hiện nay.

Kinh nghiệm từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho thấy, việc sớm có biện pháp quản lý phù hợp cho từng loại thuốc lá khác nhau dựa trên chuỗi nguy cơ khác nhau là một trong những chìa khóa giúp ngăn chặn tình trạng mua bán bất hợp pháp gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Thuốc lá thế hệ mới cũng đã và đang được thảo luận tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC). Theo đó, FCTC cũng đã công nhận thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá. 

Gần đây, các bộ, ngành liên quan đã có báo cáo về kết quả nghiên cứu và chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới. Trong đó, báo cáo của Bộ Công Thương đã nêu rõ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ra đời cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ; cần sớm rà soát, xây dựng văn bản pháp luật, chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới cho phù hợp.

Hiện Bộ Công Thương đã có Công văn số 728/BCT-CN báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới. Theo đó, về cơ bản các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đều thống nhất việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp để quản lý đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết và có cơ sở.

Đọc thêm