Đúng - sai phân minh

(PLO) - Có hai vụ việc xảy ra gần đây trong lĩnh vực quản lý thị trường khiến dư luận quan tâm và phân tâm, không biết tin vào đâu. Đó là trường hợp của chuỗi cửa hàng Con Cưng bị "tố" cắt dán nhãn mác và sau đó là chuyện xảy ra với Cơm tấm Kiều Giang bị nghi ngờ có nhiều khuất tất trong chế biến thực phẩm. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Hai vụ đình đám đó rồi cuối cùng, rút lại chỉ là những sai phạm rất nhỏ. "Được vạ thì má đã sưng" rất đúng với hai trường hợp kể trên.

Điều đáng rút ra là rất nên cẩn trọng trước những thông tin và không nên phán xét theo cách buộc tội cho người ta và trước hết là các cơ quan quản lý lĩnh vực này cùng những người có trách nhiệm phải hết sức công tâm và khách quan. Cái danh nghĩa "vì quyền lợi người tiêu dùng", "vì sức khỏe toàn dân" nó lớn lao và ý nghĩa lắm, không thể tùy tiện. Dù sao thì các vụ việc trên cũng đã được làm sáng tỏ kịp thời, tuy nhiên, hậu quả thì doanh nghiệp đã phải gánh chịu rồi. Đây có lẽ cũng là bài học kinh nghiệm cho báo chí với cái tâm và cái nhìn của người làm báo, chớ a dua, cảm tính mà gây tổn thất cho doanh nghiệp, tổn thương cho người khác.

Những vấn đề nhạy cảm khi được đưa lên phương tiện truyền thông gây sự chú ý rất lớn của dư luận và những thông tin ấy thường được xem "như đúng rồi". Lĩnh vực bổ nhiệm cán bộ là một ví dụ về sự nhạy cảm ấy khi Tổng giám đốc của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ký bổ nhiệm một loạt cán bộ trước khi về hưu đã gây bão dư luận và người ta hoàn toàn có cơ sở để nghi vấn vì các trường hợp tương tự như thế này xảy ra rất nhiều trước đó.

Tuy nhiên, kết luận của cơ quan Thanh tra cho thấy vụ việc không nghiêm trọng như người ta tưởng và hành vi bổ nhiệm trong một ngày ký đến 67 hồ sơ chỉ là gây "ảnh hưởng uy tín" mà thôi. Một cán bộ lãnh đạo đã được "minh oan" và ông ta có thể "hạ cánh an toàn" , những người được bổ nhiệm đã trở lại yên ổn trên cương vị của mình.

Không có nhiều trường hợp bổ nhiệm sai mà mất ghế, đây cũng là một cách giải quyết không công bằng, đúng - sai chưa phân minh. Các vụ "lình xình" trong bổ nhiệm sai cán bộ xảy ra ở các địa phương sau khi thanh, kiểm tra thường giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng đi nhiều và người ta rõ ràng thấy sự nương tay trong đó. Đây không phải là được "giải oan" mà là cho qua chuyện bởi có rất nhiều đụng chạm, e ngại việc "rút dây, động rừng"?.

Dù sao thì xã hội chúng ta cũng có bước tiến mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước, quản trị xã hội nói chung. Đó là việc sớm làm ra sự thật, phân định đúng - sai và đặc biệt là sự công khai, mọi người đều biết.

Đọc thêm