Chỉ vì là phụ nữ?

(PLO) - Mới đây, một vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường Nguyễn Trãi  ở Hà Nội. Theo ghi nhận ban đầu thì chiếc xe gây tai nạn là do một phụ nữ cầm lái và đã làm nhiều người bị thương cũng như hư hỏng nhiều phương tiện. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tai nạn là điều không mong muốn, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng đây không phải là vụ tai nạn hiếm hoi liên quan đến tình trạng “xe điên” trên đường ở Việt Nam, nhất là các thành phố lớn. Nguyên nhân thì có rất nhiều như: tay lái non, ảnh hưởng của bia rượu, chất gây nghiện, đạp nhầm chân ga thành chân phanh... Nhưng điều đáng buồn là sau những vụ tai nạn như vậy, nếu người cầm lái là phụ nữ thì sẽ bị dư luận, thậm chí các phương tiện truyền thông lên án rất nhiều.

Bình đẳng giới và thế nào là bình đẳng giới trong xã hội hiện đại không còn là câu chuyện nhạy cảm nữa. Nhưng hiểu thế nào cho đúng về bình đẳng giới, đặc tính giới để tránh xa kỳ thị giới và từ đó lại dẫn đến bất bình đẳng giới như một cái vòng luẩn quẩn là một vấn đề không phải ai cũng hiểu và cũng muốn hiểu. Nhất là trong một xã hội mà mỗi khi nói chuyện, đọc báo, ra đường... đều có thể bất gặp những lời nhận xét về phụ nữ như những người kém cỏi, “dưới cơ”, như những món hàng, bị vật thể hóa...

Quay lại với câu chuyện về tai nạn giao thông. Cho đến giờ khi cơ quan chức năng chưa có kết luận thì không ai có thể biết vì sao người phụ nữ kia lại gây tai nạn trên đường. Có thể do tấm bằng lái xe không được học và thi theo đúng nghĩa mà “được mua”; có thể do tâm lý yếu, khả năng quan sát kém nên không xử lý kịp các tình huống trên đường, đạp nhầm chân ga thành chân phanh;  có thể vừa lái xe vừa nghe điện thoại, nhắn tin (lỗi này các quý ông lái xe cũng mắc rất nhiều)...

Nhưng chắc chắn một điều rằng việc gây tai nạn không liên quan gì đến việc vì cô ấy là phụ nữ nên cô ấy kém cỏi (hơn đàn ông). Thực tế đã chứng minh chỉ trong lĩnh vực điều khiển máy móc, công nghệ đã có những tấm gương phụ nữ là phi hành gia, là phi công lái máy bay chiến đấu, hàng không dân dụng Việt Nam cũng có những nữ phi công rất xinh đẹp và tài giỏi. 

Gần như song song với vụ tai nạn nói trên là công văn của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhắc nhở về việc một lái xe khách ở Bình Thuận đã chở quá số người quy định, để nhiều em học sinh đứng tại các vị trí lên xuống xe, bám vào cửa xe, thành xe. Ủy ban đánh giá đây là hành vi thể hiện thái độ coi thường pháp luật của người lái xe, cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định.

Thế đấy, khi con người ta còn coi thường pháp luật, thích “lách” luật và thấy sung sướng mỗi khi “qua mặt” được luật pháp thì vi phạm, tai nạn vẫn sẽ tiếp diễn. Chứ cứ gì có liên quan đến phụ nữ hay không.