Rất nhiều nội dung lớn, bởi đây là chỉ đạo của Thủ tướng đối với đất nước. Riêng với Bộ Công Thương, Thủ tướng giao: “Có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn, đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm thương hiệu cạnh tranh trong nước và quốc tế”. Nói về thương hiệu của doanh nghiệp (THDN), người viết bài này nghĩ đến 2 việc.
Thứ nhất, với Hàn Quốc, các nước trên thế giới có lẽ nhớ tên các thương hiệu Samsung, LG, Hyundai, Dewoo... hơn là tên Hàn Quốc; và theo lẽ tự nhiên, khi nói đến Hàn Quốc là người ta nghĩ đến các thương hiệu này. Tương tự, nhắc đến Nhật Bản, thế giới nghĩ ngay đến Toshiba, Sharp, Sony, Canon, Seiko, Honda, Yamaha và ngược lại. Như vậy, THDN đồng nghĩa với thương hiệu quốc gia (THQG).
Thứ hai, với ta đã có thời chúng ta ngộ nhận về thương hiệu của các “Vina”, ví dụ: Vinashin, Vinalines, PVN, Vinachem, Vinataba... các tổng công ty nhà nước 90, 91 hoặc tập đoàn được khai sinh bằng “ý chí”. Nhớ lại có thời, các tỉnh mời được Chủ tịch Vinashin lúc đó là ông Phạm Thanh Bình về “lấy đất” động thổ dự án là hạnh phúc. Vinashin góp vốn liên danh, liên kết với hàng chục đơn vị khắp cả nước đều bằng “giá trị thương hiệu”. Đáng tiếc, “thương hiệu” Vinashin sụp đổ.
Quá trình toàn cầu hóa cho thấy, THDN là một trong những yếu tố cấu thành và là nền tảng của THQG. Một quốc gia tập hợp nhiều doanh nghiệp có thương hiệu tốt, uy tín sẽ nâng cao hình ảnh và vị thế của chính quốc gia đó. Đây là mối quan hệ có tính tương hỗ. THQG tiếp thêm sức mạnh cho THDN và ngược lại, THDN góp phần xây dựng hình ảnh và sức mạnh kinh tế của quốc gia.
Thương hiệu ngày nay được thừa nhận là một loại tài sản vô hình quý giá, là uy tín của doanh nghiệp, đồng thời thể hiện niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm của doanh nghiệp và chính bản thân doanh nghiệp. Đáng tiếc, nhận thức về thương hiệu tại Việt Nam hiện nay chưa đầy đủ. Đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, phần lớn chưa có chiến lược dài hơi và đầu tư nhiều cho xây dựng thương hiệu.
Tất nhiên, chúng ta đã có thành công nhất định. Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 40 THDN có giá trị nhất năm 2018. Theo đó, tổng giá trị của các thương hiệu hàng đầu trong xếp hạng năm nay là hơn 8,1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với danh sách công bố năm 2017. Vị trí số 1 là Vinamilk giá trị thương hiệu 2,28 tỷ USD, thứ 10 là FPT giá trị thương hiệu là 169 triệu USD.
Xu thế hội nhập sâu rộng và cạnh tranh khốc liệt với DN nước ngoài có tiềm năng tài chính, kinh nghiệm về quản trị, đột phá về công nghệ đang đặt ra nhiều thách thức cho DN Việt Nam, trong đó có việc xây dựng thương hiệu. Nhưng không thể không làm. Để thành công trong xây dựng THQG cần có sự đồng hành chặt chẽ giữa Nhà nước và DN./.