Hàng loạt thực phẩm bảo vệ sức khỏe “thổi phồng” công dụng, quảng cáo như thuốc chữa bệnh

(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới đây có đưa ra cảnh báo người tiêu dùng về việc hàng loạt thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo công dụng không đúng sự thật, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định về quảng cáo.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, trong thời gian qua, trên một số trang web quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe GHV BONE, GHV KSOL, GENK STF, Định tâm an giấc với công dụng không đúng sự thật, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định về quảng cáo.

Đáng chú ý, 3 sản phẩm GHV KSOL, GHV BONE, GENK STF đều được sản xuất bởi Công ty cổ phẩn Dược phẩm Medzavy (Địa chỉ: Đường E3, khu E, Khu công nghiệp Phố Nối A, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) sản xuất và Công ty cổ phần dược phẩm GoldHealth Việt Nam (Số 38 Liền kề 3, khu đô thị Đại Thanh, đường 70, Xã Tả Thanh Oai, Huyện Thanh Trì, Hà Nội) chịu trách nhiệm công bố sản phẩm.

Còn sản phẩm Định tâm an giấc do Công ty Cổ phần thiết bị y tế Nam Việt (địa chỉ: Liền kề U05-49, khu D, khu đô thị mới Dương Nội, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, các cơ quan chức năng đang phối hợp để xử lý những vi phạm nêu trên.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP thì hành vi quảng cáo gian dối có thể bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng. Tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, người quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì tùy vào mức độ mà có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Theo Cục An toàn thực phẩm, để mua được các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đảm bảo an toàn người tiêu dùng cần: Lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm ); Mua các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, mua tại các cửa hàng có uy tín; Kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm;

Người tiêu dùng tránh mua sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng xách tay), quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội hoặc được tư vấn qua điện thoại, sử dụng hình ảnh bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo về tác dụng chữa được bệnh, điều trị bệnh hay được quảng cáo dưới các hình thức thư cảm ơn của người bệnh, diễn viên, người nổi tiếng về sản phẩm chữa được bệnh, khỏi bệnh hoặc các hình thức tương tự, đó là các quảng cáo vi phạm quy định pháp luật, thổi phồng công dụng, lừa dối người tiêu dùng.

Đọc thêm