Mất ăn mất ngủ vì nhà bất ngờ nằm sát đường điện cao thế

(PLO) - Gọi điện đến  Báo Pháp luật Việt Nam, anh Lê Đình Trung (ở thôn Đông Hạ, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lo lắng trình bày, nhiều tháng nay, cả gia đình anh mất ăn mất ngủ vì sợ đường dây cao thế 220KV chạy ngang quá gần nhà khi đóng điện sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Mất ăn mất ngủ vì nhà bất ngờ nằm sát đường điện cao thế

“Tử thần” lơ lửng

Sau khi tiếp nhận thông tin, PV đã có buổi gặp gỡ hộ gia đình anh Trung. Theo chỉ dẫn của chủ nhà, chúng tôi lên tầng 2 – nơi đặt phòng khách của gia đình, nhìn qua cửa sổ có thể nhìn thấy đường dây cao thế gần với tường nhà anh Trung đến thế nào.

Theo quan sát của phóng viên, khoảng cách từ ban công tầng 3 (tầng cao nhất của nhà anh Trung) tới đường dây 220KV gần nhất chỉ khoảng 5m và cao hơn phần mái khoảng 5m.

Theo chia sẻ của anh Trung, từ khi đường dây điện cao thế 220KV thứ 2 nằm quá gần nhà (đường dây thứ nhất đã đi vào hoạt động và cách nhà anh Trung một khoảng cách an toàn), cả gia đình anh luôn sống trong cảnh sợ hãi, thấp thỏm lo âu. 

Bằng chứng là khi cơn bão số 1 đầu năm quét qua xã Đông Yên, toàn bộ phần mái tôn trên tầng thượng đã bị gió cuốn văng lên đường dây cao thế vừa mới xây dựng. Anh Trung lo sợ nếu chẳng may đường dây này đã có điện thì việc xảy ra cháy nổ, mất mạng là không tránh khỏi.

“Từ khi có đường điện 220kV chạy qua, gia đình tôi luôn sống trong hoang mang, thợ làm thuê gia công sản phẩm trong nhà nhìn thấy đường dây điện chạy gần nhà cũng… khiếp vía, bỏ làm mất mấy người. Nhiều người trong thôn còn nói nửa đùa nửa thật với tôi: “Nhà ông ở thế có thêm vàng tôi cũng không dám ở”, anh Trung chia sẻ.

Không thợ sửa nhà nào dám làm

Theo chia sẻ của anh Trung, mặc dù gia đình anh mua đất và làm nhà tại thôn Đông Yên từ năm 2003 nhưng căn nhà của anh hiện đang ở vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh, nhiều lần vợ chồng anh đã thuê thợ về để quét sơn nhưng khi tới nhà thì không người thợ nào dám nhận làm vì quá gần… đường dây điện cao thế.

“Nhiều lần vợ chồng tôi muốn sửa sang lại nhà cửa, quét lớp sơn bên ngoài cho hoàn thiện nhưng đi thuê thợ tới mà họ không dám làm. Anh thử nhìn khoảng cách như thế thì thợ nào dám làm, rủi nhỡ đang làm họ đóng điện xảy ra tai nạn thì chết người là khó tránh”, anh Trung lo sợ.

Không chỉ rủi ro về vấn đề an toàn điện, điều người dân lo lắng nhất là khi, đường dây 220kV này đi vào hoạt động và với khoảng cách không đảm bảo an toàn như trên thì liệu những người sống và làm việc trong hộ gia đình anh Trung có an toàn? Có nguy cơ gặp các rủi ro như phóng điện hay không?

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Trung Kiên – phó thôn Đông Hạ cho biết vấn đề này đại diện thôn cũng đã kiến nghị với UBND xã mong sớm có phương án giải quyết giúp những hộ gia đình bị đường dây cao áp 220kV nằm quá gần nhà như anh Trung sớm ổn định chỗ ở để yên tâm làm ăn.

Anh Trung lo sợ vì đường dây điện cao thế nằm quá gần nhà
Anh Trung lo sợ vì đường dây điện cao thế nằm quá gần nhà

Kiến nghị chưa thấy hồi âm

Trước những bức xúc và tính mạng gia đình đang bị đe dọa, anh Trung đã nhiều lần làm đơn kiến nghị, đơn kêu cứu, yêu cầu đền bù và yêu cầu chuyển gia đình anh tới vị trí an toàn. 

Tuy nhiên, theo thông tin anh Trung cung cấp, trong buổi gặp gỡ giữa đại diện chủ đầu tư công trình, UBND xã Đông Yên và các hộ gia đình bị đường dây cao áp đi qua vào đầu tháng 10/2016, anh và các hộ gia đình khác có đưa ra nguyện vọng và được đại diện chủ đầu tư công trình chấp thuận nhưng từ đó tới nay vẫn chưa hề thấy hồi âm.

“Trong buổi làm việc ấy, vị đại diện chủ đầu tư công trình khăng khăng nói rằng: Đường dây điện cao thế có ăn sâu quá hành lang an toàn dù chỉ 30cm vào nhà dân thì cũng tôi cũng ngay lập tức đền bù, giải tỏa. Cam kết không để người dân thiệt thòi nhưng tới nay vẫn chưa thấy hồi âm trong khi gia đình tôi đang phải sống trong cảnh hoang mang, lo sợ”, anh Trung cho biết.

Để làm rõ sự việc, PV đã có buổi làm việc với đại diện UBND xã Đông Yên. Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Yên cho biết sau khi những trường hợp gửi đơn khiếu nại và đơn kêu cứu, UBND xã cũng đã mời ban quản lý dự án và các hộ đến để lên phương án đền bù.

Khi PV đề cập tới việc ban quản lý dự án chậm trễ trong khâu giải quyết phương án đền bù cho gia đình anh Trung và một số hộ dân khác thì ông Chiến cho biết các phương án đang chờ các cấp phê duyệt. 

“Trong quá trình lên phương án xây dựng cột điện 220KV, ban quản lý không nhìn thấy đường dây vượt quá hành lang an toàn điện. Cho tới khi kéo dây điện lên cột điện cao thế thì các hộ dân phát hiện ra và khiếu nại lên UBND xã và lúc đó ban quản lý mới phát hiện ra đường dây quá sát với công trình nhà ở của anh Trung. Sau đó các đơn vị thi công có xuống hiện trường khảo sát và cũng đã lên phương án đền bù nhưng phải đợi trình các bên phê duyệt. Còn phương án đền bù cụ thể nhue thế nào thì do ban quản lý quyết định chứ chính quyền không thuộc thẩm quyền giải quyết vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Chiến cho hay.

Người dân mong mỏi UBND xã Đông Yên và ban quản lý, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đường dây cao áp 220KV sớm có phương án đền bù hợp lý và có giải pháp để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân đang hàng ngày sinh sống, làm ăn dưới đường dây điện 220KV và tránh những tai nạn điện đáng tiếc, thương tâm trước khi đường dây này chính thức đi vào hoạt động.

Đọc thêm