Muôn kiểu “lách luật” của dịch vụ tin nhắn rác

(PLO) - Dịch vụ “dội bom” tin nhắn rác không hề có dấu hiệu dừng lại mà còn biến tướng với nhiều thủ thuật tinh vi hơn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Muôn kiểu “lách luật” 
Tin nhắn rác đã không còn quá xa lạ với người dùng điện thoại di động bởi mỗi ngày họ có thể nhận từ 5 – 10 tin nhắn quảng cáo. Nội dung những tin nhắn kiểu này hầu hết đều là quảng cáo chào mời mua nhà, xe hoặc sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp và cá nhân. Không trừ người dùng nào, ngay cả thuê bao học sinh, sinh viên cũng bị tấn công bất kể ngày hay đêm bởi những tin rác mua sim số đẹp, mua nhà, mua siêu xe...  Những sim số VIP còn bị “dội bom” tin nhắn gấp nhiều lần so với người bình thường.  Nếu tính toán đơn giản, 1 tin nhắn của nhà mạng tương đương 500 đồng, vậy muốn gửi đến 100.000 thuê bao, người gửi phải mất 50 triệu đồng mỗi ngày. Câu hỏi được đặt ra là: tại sao đối tượng bán hàng lại có nhiều tiền để chi trả cho tin nhắn quảng cáo đến vậy? 
Để đi tìm câu trả lời, chúng tôi gõ từ khóa “dịch vụ gửi tin nhắn quảng cáo” trên google. Hàng trăm ngàn kết quả hiện ra với những cái tên như SMS marketing, tin nhắn marketing, tin nhắn quảng cáo, quảng cáo SMS… Trên thực tế, đây chính là các dịch vụ nhận tin nhắn rác (spam) giá rẻ thông qua phần mềm cho phép khách hàng tiếp cận tới hàng chục ngàn thuê bao mỗi ngày.
Để lại thông tin liên hệ, vài ngày sau chúng tôi nhận được hàng loạt tư vấn của người cung cấp dịch vụ. Theo đó, họ sẽ cung cấp phần mềm gửi tin nhắn hàng loạt với tính năng cá nhân hóa, chi phí thấp (chỉ từ 30đồng cho một tin) trong thời gian cực ngắn. Người cung cấp đưa ra nhiều gói dịch vụ hấp dẫn, trong đó gói cao nhất giá 1,5 triệu đồng với thời gian sử dụng “vĩnh viễn”. Ngoài ra, người dùng có thể cài đặt thời gian, tốc độ và giới hạn gửi cho từng thiết bị. Muốn sử dụng phần mềm gửi tin nhắn SMS hàng loạt này, khách hàng cần một hoặc nhiều thiết bị Dcom 3G, sim điện thoại còn sử dụng được, 1 máy tính cài đặt phần mềm gửi tin nhắn hàng loạt. 
Sau khi chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của bên làm dịch vụ, chiến dịch sẽ được khởi động. Bên cung cấp dịch vụ cũng cam kết: “Chúng tôi chỉ bán phần mềm cho khách hàng gửi sms marketing và chăm sóc khách hàng, không nhận làm dịch vụ gửi tin nhắn. Khi sử dụng phần mềm các số bạn gửi tin nhắn đến phải được đồng ý nhận tin nhắn từ họ để tránh làm phiền và gây phản cảm. Khách hàng muốn đăng ký sử dụng phần mềm phải chứng minh được data số điện thoại để gửi là những người mong muốn nhận thông tin từ phía công ty. Chúng tôi không bán phần mềm cho những công ty, cá nhân spam tin nhắn rác tới những số điện thoại không muốn nhận tin nhắn”. 
Nhưng khi mời chào khách hàng mua dịch vụ, họ không đề cập đến các thuê bao muốn nhận tin nhắn mà chỉ liên tục quảng cáo tính năng “ưu việt” của phần mềm. Mặc dù phần mềm này hỗ trợ người dùng soạn thảo tin nhắn, lọc danh sách thuê bao gửi đến nhưng không có đầy đủ tính năng thay đổi nội dung tin nhắn thông minh. Vì thế, nhiều người dùng phải dùng biện pháp thủ công (thêm dấu cách, dấu phẩy,...) trong quá trình gửi, tránh bị nhà mạng khoá sim.
Nhận thấy dịch vụ này có thể đem về lợi nhuận cao, nhiều người đã không ngại đầu tư những bộ máy kết nối 20 chiếc sim rác cùng các cổng USB 3G tương ứng để có thể gửi hàng loạt tin nhắn với nội dung khác nhau trong vòng 15 – 20 phút. Hình ảnh bộ máy chuyên dụng xuất hiện trên mạng càng cho thấy hành vi “dội bom” tin nhắn rác được thực hiện tinh vi hơn. Những chiếc máy này được dân trong nghề rao bán với giá 9 – 12 triệu đồng, tuỳ thuộc số lượng USB 3G và khay đựng sim.
Bất cập trong khâu quản lý 
Phải nói rằng tình trạng trên đã diễn ra một thời gian dài và gây nhức nhối cho cuộc sống của người dân nhưng cơ quan chức năng vẫn khó ngăn chặn được việc “dội bom” tin nhắn hàng ngày. Nguyên nhân lớn khiến cho spam SMS hoành hành là do các thủ thuật gửi tin nhắn hàng loạt rất tinh vi. Nhưng ngày càng nhiều chiêu thức “lách luật” được dân trong nghề nghĩ ra khiến nhà mạng phải “chào thua”. Phổ biến nhất hiện nay là  thiết bị sim box, có thể sử dụng hơn 10 sim để nhắn nhiều tin cùng một lúc. Sim đó chỉ sử dụng một thiết bị, cắm vào laptop, ăn theo wifi, 3G để phán tán đi. Nếu không có sự phối hợp của các nhà mạng, cơ quan chức năng rất khó xử lý. 
Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng dịch vụ “spam” tin nhắn rác khá lớn. Những người kinh doanh cho rằng việc gửi tin nhắn hàng loạt cũng là một cách marketing “rẻ và hiệu quả” khiến người cung cấp dịch vụ, phần mềm càng có cơ hội trục lợi.  Trong khi đó,  chi phí của tin nhắn hợp pháp tương đối cao (khoảng 600 đồng/1 tin nhắn) thì chi phí của SMS rác rẻ hơn nhiều lần. Việc khuyến mãi liên tục của các doanh nghiệp di động khiến cho giá cước SMS giảm rất thấp, khiến các đối tượng muốn gửi tin quảng cáo thay vì sử dụng kênh hợp pháp đã tìm đến hình thức spam SMS.
Vừa qua, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt 6 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt 535 triệu đồng do những sai phạm trong việc gửi và phát tán tin nhắn rác. Cũng theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 60, Nghị định 174/2013/NĐ-CP, hành vi “Gửi hoặc phát tán tin nhắn rác” sẽ bị phạt tiền 40-50 triệu đồng. Thế nhưng mức phạt trên chẳng thấm vào đâu khi tin nhắn rác vẫn tiếp tục “tác oai, tác quái” làm khổ người dùng điện thoại di động./.

Đọc thêm