Quản lý an toàn thực phẩm: Phân định trách nhiệm bộ, ngành thế nào?

(PLO) - Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đang được Bộ Y tế xây dựng, trong đó có những đề xuất liên quan đến vấn đề phân định quản lý giữa các bộ, ngành - vấn đề đang gây bức xúc dư luận do quản lý chồng chéo, kém hiệu quả.
Bộ Y tế cho rằng, hàng hóa tạm nhập bán ở cửa hàng miễn thuế cũng phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa
Bộ Y tế cho rằng, hàng hóa tạm nhập bán ở cửa hàng miễn thuế cũng phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Ai quản cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh?

Vấn đề phân định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh thực phẩm là vấn đề đang thu hút sự chú ý của nhiều người cũng như tranh luận của các cơ quan liên quan. Theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 bộ trở lên thì sản phẩm thực phẩm chính, có sản lượng lớn của cơ sở đó thuộc thẩm quyền quản lý của bộ nào thì bộ đó chịu trách nhiệm quản lý. 

Về vấn đề này, Bộ Y tế có cho rằng, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 62 Luật An toàn thực phẩm thì Bộ Y tế có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với toàn bộ quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của các bộ khác khi cần thiết. Trên cơ sở nguyên tắc đó, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP đã đưa ra nguyên tắc quản lý đối với lô hàng nhập khẩu có nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 02 bộ trở lên thì Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm tra và cấp thông báo kết quả kiểm tra. 

Bộ Y tế nhận định, trên thực tế, việc xác định sản phẩm nào là chủ yếu thường không thống nhất do có nhiều cơ sở sản xuất theo mùa vụ, theo đơn đặt hàng…, nên tùy thuộc vào thời điểm cụ thể, sản phẩm có số lượng chính có thể khác nhau. Ngoài ra, đối với những sản phẩm do Bộ Y tế quản lý có đặc thù ảnh hưởng đến sức khỏe như: thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm… nếu giao cho bộ khác kiểm soát là không phù hợp. 

Do đó, để đảm bảo thống nhất nguyên tắc quản lý nhà nước xuyên suốt trong toàn dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2012/NĐ-CP, Bộ Y tế đề xuất phương án quản lý: Đối với cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 bộ trở lên, trong đó có sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý. Còn đối với cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương thì Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý.

Sản phẩm tạm nhập khẩu để bán trong cửa hàng miễn thuế có phải kiểm tra an toàn thực phẩm?

Liên quan đến việc quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tạm nhập khẩu để bán trong cửa hàng miễn thuế, Tổng cục Hải quan cho rằng, theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 167/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định kinh doanh hàng miễn thuế, thì hàng hóa tạm nhập khẩu đưa vào bán tại cửa hàng miễn thuế không phải kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm khi làm thủ tục tạm nhập khẩu. Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm tuân thủ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, Tổng cục Hải quan cho rằng, cần đưa đối tượng này vào trường hợp được miễn kiểm kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu.

Trong khi đó, Bộ Y tế lại cho rằng, hàng hóa tạm nhập khẩu bán tại cửa hàng miễn thuế có tính chất đặc thù, yêu cầu công tác quản lý chặt chẽ cũng như yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, các mặt hàng nhập khẩu tại cửa hàng miễn thuế ngoài việc bán cho khách xuất cảnh thì vẫn được bán cho khách nhập cảnh để tiêu thụ ở Việt Nam, do đó để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, Bộ Y tế đề xuất vẫn phải thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với đối tượng này.

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung lần này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiều quy định cũng được đề xuất sửa đổi hoặc bãi bỏ. Cụ thể, sản phẩm nhập khẩu chỉ để phục vụ việc sản xuất, gia công hàng xuất khẩu ra nước ngoài, không bán cho các cơ sở khác và sản phẩm sau khi sản xuất không tiêu thụ tại thị trường trong nước thì không phải công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. 

Trường hợp sản phẩm chỉ có sự thay đổi về quy cách bao gói mà không làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu chất lượng và không vi phạm các mức giới hạn an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân nộp công văn đề nghị bổ sung kèm theo xác nhận về các nội dung đã thay đổi, bổ sung của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm đến cơ quan quản lý nhà nước đã cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Sau 7 (bảy) ngày làm việc, nếu cơ quan tiếp nhận không có ý kiến bằng văn bản thì tổ chức, cá nhân được phép thay đổi về quy cách bao gói.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung thêm các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm bao gồm: Sản phẩm là quà tặng, quà biếu trong định mức miễn thuế nhập khẩu; Sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; Sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu không tiêu thụ tại thị trường trong nước; Bổ sung thêm quy định các sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước không bắt buộc ghi nhãn tiếng Việt...

Đọc thêm