Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam: Bài toán du lịch bền vững và an toàn

(PLVN) - Mới đây, tại Hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (TGPT CLV) lần thứ 11, Thủ tướng 3 nước đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy du lịch bền vững trong khu vực thông qua mô hình “ba quốc gia, một điểm đến”.
Khu vực TGPT CLV có nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác.
Khu vực TGPT CLV có nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác.

Tiềm năng lớn 

Kế hoạch phát triển du lịch khu vực TGPT CLV nhấn mạnh việc kết nối tiềm năng du lịch của cả ba nước, đồng thời “tăng cường đoàn kết, hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực”.

Kế hoạch này liên quan đến phát triển du lịch bền vững tại 13 tỉnh, gồm có: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kraté (Campuchia); Attapu, Salavan, Sekong, Champasak (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước (Việt Nam). 

Khu vực TGPT có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đặc sắc, phần lớn còn hoang sơ, nguyên vẹn chưa được khai thác nhiều chưa bị thương mại hóa. Nhưng khu vực này có nhiều lợi thế để xây dựng thương hiệu về du lịch sinh thái, du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp và du lịch văn hóa lịch sử, di sản. 

Theo thống kê, năm 2018, tổng lượng khách du lịch quốc tế tới các tỉnh thuộc khu vực TGPT CLV chỉ đạt 1,5 triệu lượt, quá nhỏ so với các khu vực khác của cả 3 nước. Cùng năm 2018, riêng số lượng khách quốc tế tới thành phố Hà Nội đã đạt hơn 5,7 triệu lượt theo Sở Du lịch Hà Nội. Bên cạnh đó nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực du lịch ở khu vực TGPT CLV cũng kém hơn các vùng khác của cả ba nước về cả số lượng và chất lượng. 

Dù còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và nhân lực, theo kế hoạch phát triển du lịch khu vực TGPT CLV thì đến năm 2025, lượng khách du lịch quốc tế đến các tỉnh thuộc khu vực này có thể đạt 3,3 triệu lượt, với mức tăng trưởng trung bình 14%/năm.

Đến năm 2030 khu vực cần đạt được các hạng mục: hình thành được điểm đến khu vực TGPT có các điểm đến hấp dẫn; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi đồng bộ; hệ thống cơ sở hạ tầng và kết nối thuận lợi; nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển; số lượng khách quốc tế đến đạt gấp 2 lần so với năm 2025. 

Để đạt được những mục tiêu này, ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam đã “chung tay” đưa ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là ứng phó với đại dịch vẫn đang tiếp diễn và ứng phó biến đổi khí hậu. 

Theo đó, cả ba nước cùng nhau tham gia nhiều thể chế và cam kết quốc tế của khu vực, tạo thuận lợi cho việc triển khai kế hoạch phát triển du lịch bền vững, phát huy lợi thế sẵn có; kết nối, hình thành khối liên kết, tạo dựng thương hiệu du lịch trong khu vực… 

Quan trọng bậc nhất là phải thu hút được sự tham gia có ý thức, có trách nhiệm của cộng đồng địa phương để bảo vệ tài nguyên môi trường, lịch sử văn hoá, truyền thống bản sắc dân tộc, kết hợp giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội... 

Vẫn “đau đầu” bài toán an toàn

Một trong những giải pháp của kế hoạch phát triển du lịch trong khu vực TGPT CLV là việc nâng cấp một số cửa khẩu biên giới thành cửa khẩu quốc tế như Đắk Peur (Đắk Nông) - Nam Lyr (Campuchia) để tạo điều kiện cho khách du lịch di chuyển dễ dàng hơn. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch tiếp diễn trên toàn cầu, lượng khách quốc tế đến khu vực này trở nên khan hiếm. Du khách nằm trong khu vực đang là đối tượng được ưu tiên hàng đầu. Việc mở cửa ồ ạt cho du khách lưu thông trong khu vực này vẫn chưa được khuyến khích. 

Phát triển du lịch trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn là bài toán “đau đầu”.
 Phát triển du lịch trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn là bài toán “đau đầu”. 

Mới đây nhất, Ủy ban Liên bộ phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Campuchia đã công bố áp dụng quy định mới về các biện pháp phòng dịch và cách ly áp dụng với tất cả các du khách nhập cảnh Campuchia, có hiệu lực từ ngày 12/12/2020. Tất cả các du khách nhập cảnh nước này buộc phải cách ly 14 ngày và phải xét nghiệm ngay khi đến.

Các du khách phải có giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế nước cư trú cấp và công nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong vòng 72 giờ trước khi đến Campuchia. Quy định mới tạm dừng áp dụng cơ chế bảo trợ cho các đối tượng là nhà đầu tư-doanh nghiệp, nhân viên công ty, chuyên gia và nhân viên kỹ thuật nhập cảnh Campuchia dưới 14 ngày. 

Đáng nói, “sự kiện cộng đồng ngày 28/11” đã khiến số ca nhiễm Covid tăng đến mấy chục người. Nhưng theo thông tin mới nhất trên tờ Khmer Times, sự kiện này đã được kiểm soát, bằng chứng là trong tuần qua chỉ 1 ca nhiễm Covid được công bố tại nước này. Cho đến ngày 21/12, tổng số ca nhiễm Covid ở nước này là 363 ca, không có ca tử vong. 

Còn tại Lào, dù là công dân Lào hay người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Lào từ các quốc gia không có dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng đều phải có giấy chứng nhận cho thấy kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ kể từ khi rời khỏi quốc gia khởi hành.

Theo đó, Ủy ban đặc trách sẽ xem xét theo tình hình lây lan dịch bệnh thực tế tại quốc gia người đó khởi hành để cho phép cá nhân này tiếp tục cách ly tại nhà, nơi làm việc hoặc khách sạn trong vòng 14 ngày. Cho đến ngày 21/12, tổng số ca nhiễm Covid ở nước này là 41 ca, không có ca tử vong.

Như vậy, dù không xuất hiện nhiều ca mắc bệnh Covid-19 nhưng Lào, Campuchia và cả Việt Nam vẫn tiếp tục siết chặt các biện pháp quản lý xuất nhập cảnh nhằm tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Nhiệm vụ quan trọng và cũng là thách thức lớn của khu vực này chính là việc đẩy nhanh hơn nữa việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về thủ tục hải quan đã được thống nhất áp dụng trong khối ASEAN; đồng thời thống nhất quy trình, đơn giản hóa, hợp lý hóa thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan và cấp thị thực tại cửa khẩu; đồng thời thống nhất quy trình, đơn giản hóa, hợp lý hóa thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan và cấp thị thực tại cửa khẩu. 

Nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng phát triển của khu vực TGPT CLV là rất lớn nên trước mắt, mô hình “Ba quốc gia, một điểm đến” vẫn tiếp tục được thực hiện nhưng theo hướng cực kỳ cẩn trọng và an toàn. Trong đó, các nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo, xây dựng thương hiệu, bảo vệ môi trường vẫn luôn được đặt lên hàng đầu và có thể thu hút sự tham gia của cộng đồng các nước thông qua các nền tảng kỹ thuật số. 

Đọc thêm