Toshiba đứng trước nguy cơ phá sản

(PLO) -Khả năng lỗ ròng ở mức cao kỷ lục 950 tỷ yen (khoảng 8,3 tỷ USD) trong tài khóa 2016 (kết thúc tháng 3-2017) càng khiến cho khả năng phá sản của Tập đoàn điện tử Toshiba sớm trở thành hiện thực. 
Toshiba đứng trước nguy cơ phá sản.
Toshiba đứng trước nguy cơ phá sản.

Trong thông báo hôm 15-5, Toshiba cho biết, mức thua lỗ kể trên cao gần gấp đôi so với mức 460 tỷ yen (khoảng 4,1 tỷ USD) trong tài khóa 2015. 

Toshiba từng báo lỗ khoảng 734 triệu USD (nửa đầu tài khóa bắt đầu từ ngày 1-4-2015), và đó là lần đầu tiên kể từ năm 2009 lợi nhuận của tập đoàn này bị âm trong nửa đầu của một tài khóa. Tháng 8-2015, Toshiba xác nhận đã thổi phồng lợi nhuận tài khóa 2008-2009 khoảng 1,2 tỷ USD.

Khi đó, Toshiba phải tuyên bố cắt giảm gần 7.000 việc làm, sau scandal gian lận kế toán 1,2 tỷ USD. Ông Masashi Muromachi, người trở thành Chủ tịch Toshiba sau khi ông Hisao Tanaka từ chức hồi tháng 7-2015, đã xin lỗi tại cuộc họp báo ở Tokyo.

Theo giới truyền thông, ông Shigenori Shiga đã từ chức Chủ tịch Toshiba, chỉ vài giờ sau khi tập đoàn này phải hoãn công bố chi tiết về những khoản thiệt hại được dự báo lên tới hàng tỷ USD. Mặc dù phải từ chức "để nhận trách nhiệm về khoản lỗ" kể trên, nhưng ông Shigenori Shiga vẫn ở lại tập đoàn Toshiba tới tháng 6, để giải quyết các vấn đề liên quan.

Toshiba từng được đánh giá là đại diện cho nền kinh tế Nhật Bản, nhưng tập đoàn này đang đứng trước nguy cơ phá sản. Bởi hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's của Mỹ cảnh báo, sẽ hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Toshiba. Trước đó, hãng Moody's và S&P Global Ratings đã hạ mức tín nhiệm của Toshiba. 

Theo giới chuyên môn, việc Toshiba mua lại công ty hạt nhân CB&I Stone and Webster của Mỹ là một trong những nguyên nhân khiến tập đoàn này rơi vào khủng hoảng. Theo tờ Yomiuri, Toshiba đã thua lỗ 712,5 tỷ yen (gần 6,3 tỷ USD) và đó là hậu quả của việc kinh doanh điện hạt nhân tại Mỹ.

Chủ tịch Toshiba Hisao Tanaka trong buổi họp báo công bố quyết định từ chức
Chủ tịch Toshiba Hisao Tanaka trong buổi họp báo công bố quyết định từ chức 

Theo giới truyền thông, cuối năm 2015, chi nhánh điện hạt nhân của Toshiba ở Mỹ (Westinghouse) đã mua công ty CB&I Stone and Webster, để hoàn thiện các dự án tại Georgia và Nam Carolina. Về sau, Toshiba phải thừa nhận đã định giá quá cao CB&I Stone and Webster, khi đặt cược vào mảng điện hạt nhân.

Toshiba vừa thừa nhận khoản đầu tư lớn vào điện hạt nhân là một sai lầm và đang phải trả giá. Giới kinh tế cho biết, cổ phiếu của Toshiba đã mất giá khoảng 60% kể từ tháng 12-2016, khi tập đoàn này lần đầu tiên công bố báo cáo tài chính trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Theo thông tin nội bộ cho thấy, thua lỗ tại nhà máy điện hạt nhân Mỹ Westinghouse được Toshiba mua lại đầu năm 2006, cũng như thua lỗ từ thương vụ mua lại công ty điện hạt nhân Chicago Bridge & Iron (CBI) năm 2015, đã khiến tập đoàn này rơi vào vòng xoáy thua lỗ không lối thoát. 

Toshiba cũng từng gây xôn xao dư luận khi công bố ý định bán cổ phần của mình (mảng kinh doanh chip) cho một công ty Trung Quốc. Được biết, nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới đang quan tâm tới việc mua lại mảng kinh doanh chip có trị giá khoảng 1.000 tỷ yen (8,81 tỷ USD) của Toshiba. Ngoài các tên tuổi như Apple, Microsoft, nhiều hãng công nghệ cũng muốn sở hữu mảng kinh doanh chip của Toshiba.

Do đó, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc việc thuyết phục Toshiba không bán cổ phần cho một công ty Trung Quốc hoặc Đài Loan do những lo ngại về an ninh quốc gia. Theo giới chuyên môn, để kiềm chế ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng từ Toshiba, Chính phủ Nhật Bản có thể phải ra tay. Ban lãnh đạo Toshiba cũng đang xem xét hàng loạt biện pháp tái cơ cấu. Theo đó, nâng tỷ lệ đầu tư từ nguồn vốn bên ngoài lên hơn 50% từ mức 20% hiện nay…/.

Được thành lập từ năm 1875 (sản xuất từ hàng điện tử tiêu dùng đến công nghệ năng lượng hạt nhân, và chiếc TV màu đầu tiên trên thế giới cũng là sản phẩm của Toshiba) và là một trong những đại gia điện tử có tên tuổi ở Nhật Bản, nhưng tập đoàn Toshiba đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Gần 2 năm trước (21-7-2015), Chủ tịch Toshiba, ông Hisao Tanaka và Phó chủ tịch Norio Sasaki đã phải từ chức sau vụ bê bối kế toán 1,2 tỷ USD. Ông Hisao Tanaka và ông Norio Sasaki nằm trong số 8 nhân vật cấp cao của Toshiba bị mất chức hoặc từ chức, sau khi tập đoàn này làm sai lệch kế toán trong nhiều năm./.

Đọc thêm