Tử tế và giàu có

(PLO) - Tử tế và giàu có song hành nhau thì quả là một điều tuyệt vời, tuy nhiên, hai phạm trù này dường như khó dung hòa nhau nên giàu có mà tử tế thì hiếm lắm, ngược lại, những tấm gương về người nghèo tử tế lại dễ kiếm  hơn nhiều.
Cơ quan chức năng phát hiện công đoạn đóng gói sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TS. Việt Nam tại Hà Đông (Hà Nội)
Cơ quan chức năng phát hiện công đoạn đóng gói sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TS. Việt Nam tại Hà Đông (Hà Nội)

Tử tế ở đây là vấn đề đạo đức, là phong thái ứng xử, là phương cách làm giàu và giữ gìn danh tiếng người giàu. Với những gì xảy ra trong đạo đức kinh doanh gần đây cho thấy, nhiều tên tuổi giàu có nhưng chẳng tử tế gì. Họ làm giàu bằng các thủ đoạn lừa dối, giàu rồi vẫn tiếp tục lừa dối, mức độ lừa dối ngày càng cao, tinh vi, lôi kéo và mua chuộc được nhiều người quảng bá sản phẩm gian dối thì lại càng giàu. Giàu có thì mua được danh hiệu nọ kia, đánh bóng tên tuổi, càng dễ gian dối và lại thêm giàu, thêm sang nữa. Cả tài sản lẫn danh vọng của họ đều xây dựng trên cơ sở lừa dối mà có.

Mới đây nhất là vụ bắt giữ lô hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng giá trị 11 tỷ đồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi là giả. Bà chủ của lô hàng này, một kiều nữ xinh đẹp, ứng viên cuộc thi Hoa hậu quý bà châu Á, doanh nhân khởi nghiệp thành đạt, đặc biệt, cô có một dàn Đại sứ thương hiệu hùng hậu, tên tuổi quảng bá cho sản phẩm của công ty cô. Sự đảm bảo về chất lượng qua những người nổi tiếng đã khiến doanh thu của cô mỗi ngày thu về nửa tỷ đồng,.. Thế mà, đó lại là hàng giả, lô hàng giả mỹ phẩm lớn nhất từ trước đến nay – khẳng định của một quan chức Cục Chống hàng giả.

Liên tiếp và liên tục các vụ chế biến, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả bị phát hiện và phanh phui. Hàng giả, với quy mô lớn, đã “phủ sóng” tất cát cả các lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, bánh kẹo, nước giải khát,... và cả những mặt hàng truyền thống Việt Nam, chỉ riêng Việt Nam có cũng bị đánh tráo cái giả dối, ngoại lai vào.

Làm giàu bằng giả dối, gây ra tác hại nhiều mặt cả vật chất và tinh thần cho xã hội, có còn gì là tử tế còn sót lại ở các danh nhân này? Điều đáng lo ngại nhất là hành vi giả dối dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng, dễ dàng mua được sự ủng hộ của những người có ảnh hưởng, dễ dàng tiêu thụ sản phẩm gian dối,... và khi bị phát hiện thì cũng dễ dàng lọt tội, phạt tiền là xong. Chính vì vậy, sự gian dối không có điểm dừng, nạn hàng giả không bao giờ chấm dứt, kể cả những hàng giả gây ngộ độc chết người.

Đây rõ ràng thuộc về trách nhiệm của những người quản lý xã hội, quản lý thị trường, vô tình hay hữu ý, họ đã buông lỏng, làm ngơ và tiếp tay cho những hành vi phi đạo đức, trái pháp luật này! Tiếc rằng, quá ít những trường hợp tiếp tay cho tội phạm này bị xử lý nghiêm khắc!

Đọc thêm