Vi phạm an toàn thực phẩm có thể phạt hàng trăm tỷ đồng

(PLO) - Đó là đề nghị của TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nhằm tăng cường quản lý thực phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Bính Thân 2016.
Vi phạm an toàn thực phẩm có thể phạt hàng trăm tỷ đồng
Theo đó, TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, nhiều địa phương đã quyết liệt xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, nhất là buôn bán thịt không kiểm dịch, nội tạng hôi thối.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phong, nhiều địa phương phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm nhưng với chỉ dừng biện pháp nhắc nhở hoặc xử lý vi phạm hành chính với mức phạt còn thấp nhất là với tổ chức, cá nhân tái diễn vi phạm an toàn thực phẩm nhiều lần.

Trước thực tế này để tăng cường quản lý thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Bính Thân 2016, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm vừa có công văn đề nghị xử phạt vi phạm hành chính mức cao nhất đối với vi phạm an toàn thực phẩm nhiều lần, nghiêm trọng.

Công văn của Cục An toàn thực phẩm gửi các đơn vị đề nghị tăng xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm theo Nghị định 178/ 2013 của Chính phủ
Công văn của Cục An toàn thực phẩm gửi các đơn vị đề nghị tăng xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm theo Nghị định 178/ 2013 của Chính phủ 

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, việc thực hiện xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm theo Nghị định 178 đủ sức răn đe. Bởi mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.

Như vậy, mức phạt tiền đối với cá nhân và tổ chức vi phạm là khác nhau, cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài mức phạt tiền được quy định như nêu trên, các vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có tính chất nghiêm trọng như: Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh để sản xuất, chế biến thực phẩm… thì mức tiền phạt được tính bằng 3,5 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với cá nhân hoặc 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với tổ chức vi phạm.

Xử phạt mức tối đa nếu tái vi phạm an toàn thực phẩm
Xử phạt mức tối đa nếu tái vi phạm an toàn thực phẩm 

Như vậy, đối với những hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, Nghị định 178 không quy định mức tiền phạt tối đa mà theo giá trị hàng hóa vi phạm và có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, quy định này sẽ bảo đảm đủ sức răn đe, buộc các đối tượng cố tình vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm phải chấm dứt vi phạm, thậm chí đóng cửa.
Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển cơ quan pháp luật để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đọc thêm