“Bước đường cùng” đang cận kề trước mắt
Theo phản ánh của hàng trăm tiểu thương, việc UBND TP.Long Xuyên ra quyết định di dời chợ truyền thống có gần trăm năm sang một khu chợ do doanh nghiệp tư nhân làm chủ là điều bất thường. Điều phi lý hơn khi quyết định trên được đưa ra với lý do nâng cấp.
Anh Lê Nhựt Hoàng bức xúc nói: “Ngày 22/05/2015 là ngày chúng tôi vào bắt thăm chia lô, sạp sau khi chợ được tu bổ, nâng cấp. Nhưng mới hoạt động hơn 1 năm lại bắt di dời để nâng cấp. Chợ không quá tải, không xuống cấp thì nâng cấp kiểu gì?”.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ánh (62 tuổi) cho biết, năm 2011, khi Nhà nước yêu cầu di dời để nâng cấp, bà con đã thuận tình hợp tác. Mặc dù khi đó chợ mới được đầu tư nâng cấp hàng chục tỷ đồng và chỉ mới hoạt động được hơn 1 năm mà đến bây giờ lại bảo cải tạo nâng cấp nữa, rất lãng phí tiền thuế của dân.
Lúc đầu nói chỉ nâng cấp trong 2 năm nhưng sau đó lại kéo dài đến gần 5 năm với nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng vậy mà đến bây giờ khi chỉ mới hoạt động hơn 1 năm lại cải tạo nâng cấp nữa. “Làm như vậy chẳng khác nào làm lãng phí ngân sách nhà nước, lãng phí tiền của mồ hôi, nước mắt của dân đóng thuế”.
Bà Ánh còn cho biết, nguồn thu nhập chính của gia đình bà là từ việc mua bán ở chợ Long Xuyên. Hiện bà và 3 đứa con đang mua bán ở 2 lô lớn và 2 lô nhỏ với diện tích hơn 60m2 nuôi sống 14 người trong gia đình. Nhưng nếu như theo kế hoạch của UBND TP thì sau khi cải tạo mỗi hộ chỉ còn lại 3m2 thì gia đình làm sao sinh sống được. Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Du Loan cho biết nếu chỉ còn 3m2 thì cuộc sống của gia đình chị sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn, việc học hành của con cái cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quá bức xúc trước quyết định “không tình, không lý” của UBND TP Long Xuyên, 300 tiểu thương đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi mong tìm được sự công bằng, có tình, có lý. Thông báo yêu cầu các hộ tiểu thương di dời trước ngày 31/12/2016 nhưng lãnh đạo UBND lại không nghĩ đến thời điểm đó là thời điểm cận Tết Nguyên đán, rồi bà con tiểu thương sẽ đón Tết ra sao khi nguồn sống của mình bị cắt đứt.
Bà Nguyễn Thị Phước cho biết: “Dịp cận Tết là thời gian bà con tiểu thương mua bán đắt nhất, mua bán được hay không là ở mùa này. Vậy mà bây giờ lại bắt bà con tiểu thương ngừng buôn bán. Tết nhất mà không buôn bán, không có thu nhập chẳng biết Tết này gia đình các tiểu thương “ăn Tết” như thế nào? Chẳng khác nào giết chết các hộ tiểu thương”. Chính quyền địa phương ban hành văn bản, quyết định mà không đặt vào hoàn cảnh của dân, làm thiệt hại lớn đến kinh tế, đời sống của tiểu thương.
Không những thế, khó khăn lại chồng chất khó khăn khi nợ nần của việc đầu tư vào lô, vựa và các lô sang nhượng trước đó còn chưa trả hết, “lãi mẹ, lãi con” ngày càng nhiều. Chị Huỳnh Thị Thu Trang rưng rưng nước mắt chia sẻ: “Do lúc bắt thăm không may nên gia đình tôi nhận ngay vị trí sâu bên trong chợ. Vị trí đó rất khó kinh doanh nên gia đình tôi quyết định đem nhà đi thế chấp gần cả tỷ đồng để sang lại những vị trí khác tốt hơn. Lúc chúng tôi sang lại có Ban quản lý chợ đứng ra chứng kiến. Giờ chưa kịp trả nợ thì bị ép phải bỏ. Giờ gia đình tôi không biết phải sống sao nữa!”.
Tổng kinh phí đầu tư và sang lô khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong số tiền đó còn có những khoản “vay nóng” với lãi suất cao, hiện tại mới thu lại được 30% vốn đầu tư và còn nợ ngân hàng. Nỗi thống khổ của người dân không ai hiểu. Di dời chợ này có lợi ích cho ai thì không biết nhưng trước mắt đã thấy sự thống khổ đến tận cùng của hàng trăm tiểu thương.
Nối khổ của dân, chính quyền có thấu?
PV Báo PLVN nhiều lần liên hệ đến UBND và Thành ủy TP Long Xuyên để trao đổi, mong tìm được chủ trương đúng đắn giúp đỡ và “gỡ rối” cho dân nhưng chưa đặt được lịch làm việc vì lãnh đạo địa phương bận họp.
Bà Nguyễn Thị Ánh, tiểu thương ở đây, trích lời của ông Phó Chủ tịch UBND TP Long Xuyên: “Tôi không cần biết bà con sang nhượng bao nhiêu. Giờ cấp lại cho bà con mỗi tiểu thương 3m2 bán được thì bán, không được thì thôi”.
Ông Trương Văn Dũng tiếp lời trong sự bức xúc: “Nghĩ lại lúc mời bà con bắt thăm nhận vị trí kinh doanh ngày 22/05/2015 cũng là vị lãnh đạo này, tay bắt mặt mừng khuyên bà con hãy gắn bó với chợ và cố gắng kinh doanh. Đây là nơi mua bán vĩnh viễn, không di dời nữa. Thế mà giờ đây khi chợ đầu mối phường Mỹ Thới được hình thành do Cty Thiên Ngọc làm chủ thì lại trở mặt 180 độ. Một lời cũng Thiên Ngọc, hai lời cũng Thiên Ngọc. Quá bức xúc chúng tôi đồng loạt hỏi Thiên Ngọc là ai, có vai trò gì thì vị lãnh đạo này ú ớ không nói”.
Tất cả những thông tin trên được người dân cung cấp bằng hình ảnh, clip, ghi âm... Chúng tôi hy vọng sẽ có câu trả lời thỏa đáng từ lãnh đạo UBND TP Long Xuyên nhưng đổi lại là sự né tránh và đùn đẩy, không chịu gặp gỡ để tìm tiếng nói chung giữa chính quyền và nhân dân.
Trong Thông báo 84 của UBND TP Long Xuyên đề cập đến rất nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các tiểu thương đăng ký kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản, phường Mỹ Thới của Cty Thiên Ngọc. Điển hình là khen thưởng và hỗ trợ kinh phí di dời từ 5,5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Đồng thời, các khoản chi phí tiểu thương đã đầu tư theo hình thức xã hội hóa trước đây (bao gồm mái che, ki-ốt, điện, nước,…) sẽ được giám định bồi thường theo quy định.
Nhưng đối với các hộ di dời để nâng cấp nhưng không đồng ý xuống chợ của Cty Thiên Ngọc thì lại không được hỗ trợ trong quá trình di dời mặc dù trước đây họ đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư vào ki-ốt, mái che, điện nước… Từ đó, thấy rõ sự vô cảm của chính quyền địa phương. Nhiều bà con bày tỏ bức xúc, “Làm như vậy chẳng khác nào “thiên vị” Cty Thiên Ngọc mà không nghĩ đến quyền lợi của hàng trăm bà con tiểu thương”.
Ngày 10/11 sắp tới, lãnh đạo tỉnh An Giang và TP Long Xuyên sẽ tiếp tục có buổi tiếp xúc, làm việc với bà con tiểu thương chợ Long Xuyên để làm rõ và đưa ra quyết định sau cùng về việc di dời xuống chợ tư nhân của Cty Thiên Ngọc và kế hoạch cải tạo, nâng cấp chợ Long Xuyên.