Tìm cách xử lý lối “cộng sinh” của tham nhũng và tội phạm

(PLO) - Tham nhũng trong hoạt động tư pháp là “đồng minh” của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Vì vậy, xử lý tham nhũng có thể đem lại những tác động tích cực cho cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Chiều 26/11, VKSNDTC phối hợp Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Đại sứ quán Anh, Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tổ chức “Hội nghị bàn tròn về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, cơ chế thực thi pháp luật, tăng cường liêm chính” nhằm trao đổi kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhất là trong hoạt động tư pháp để phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia hiệu quả.

Hàng tỷ USD phạm pháp “nuôi” tham nhũng

Nghiên cứu năm 2012 của UNODC cho biết, giá trị tài chính có được  từ các hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khoảng 90 tỷ USD/năm từ buôn bán ma túy (30%), hàng giả, thuốc giả (30%), tội phạm môi trường (buôn lậu gỗ, động vật quý hiếm) (25%), người (15%). Đáng nói là nguồn thu của các hoạt động tội phạm được dành một phần để “nuôi dưỡng” tham nhũng, làm xói mòn hệ thống cơ quan nhà nước.

Phân tích về tình trạng tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực, đại diện UNODC tại Bangkok (Thái Lan) cho biết, tham nhũng và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có mối quan hệ mật thiết. Một trong các yếu tố then chốt cho thành công của tội phạm có tổ chức chính là tham nhũng trong bộ máy công quyền.  

Tham nhũng cho phép các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tăng lợi nhuận nhờ giảm rủi ro (tổn thất) do bị đánh chặn và thúc đẩy các hoạt động ở quy mô lớn hơn. Đặc biệt tham nhũng trong ngành tư pháp là “đồng minh” của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Thông qua hối lộ, tham nhũng… trong hoạt động tư pháp, các đường dây tội phạm tránh bị đưa ra xét xử ở mức độ cao.

Vì vậy, UNODC cho rằng, xử lý tham nhũng có thể đem lại những tác động tích cực cho cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài các giải pháp PCTN mang tính chất tình huống ở khu vực công thì sự vào cuộc của toàn xã hội và trao quyền cho người dân thông qua vai trò của báo chí, cơ chế khiếu nại, tố cáo đóng góp quan trọng cho công cuộc PCTN.

Phòng ngừa cán bộ bị mua chuộc

Với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an, con người (cụ thể là điều tra viên và cán bộ điều tra) là yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả PCTN. Do đó, ngành Công an chú trọng phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng cả trong tư tưởng và trong quá trình cán bộ thực thi nhiệm vụ (khởi tố điều tra) bằng những giải pháp “để cán bộ không bị dao động trước những cám dỗ, mua chuộc của tội phạm” – đại diện Cục cho biết.

Đồng tình, bà Tống Thị Hoa Quỳnh (Tổng cục Hải quan) chia sẻ, ngành hải quan luôn tiếp xúc với tiền, hàng… nên cùng với cải cách hành chính, nâng cao công tác thanh, kiểm tra, giám sát trong phát hiện, xử lý nghiêm tham nhũng thì “phải thực hiện giải pháp kiểm soát thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức” để ngăn chặn cơ hội tham nhũng trong hoạt động của hải quan.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm tham nhũng có thể diễn biến phức tạp, tinh vi hơn và tập trung nhiều ở các lĩnh vực trọng yếu của bộ máy nhà nước và nền kinh tế, bà Hoàng Thị Thắm (Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng, chức vụ, VKSNDTC) thấy cần hoàn thiện các quy định, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trước hết là trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan PCTN, đảm bảo minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong thực thi chức năng, nhiệm vụ. Nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác tư pháp để đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án về tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính, kế toán…

Xử công khai để chặn tham nhũng tái diễn
Công thức” để PCTN mà  Thanh tra Chính phủ đúc kết được là “PCTN = hoàn thiện thể chế + phát huy dân chủ, công khai, minh bạch + trách nhiệm giải trình” xuất phát từ "công thức" “tham nhũng = độc quyền + bưng bít thông tin – trách nhiệm giải trình".
Ông Đặng Hùng Sơn – Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, ở đâu người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương thực sự quan tâm, dành thời gian phù hợp đối với công tác PCTN, giải quyết khiếu nại thì ở đó ít xảy ra sai  phạm, tham nhũng, khiếu kiện đông người, kéo dài. Đồng thời, khi hành vi tham nhũng bị phát hiện được xử lý nghiêm, triệt để, công khai thì việc tái diễn tại đó rất ít khi xảy ra.

Dẫn kinh nghiệm PCTN trong lực lượng thực thi pháp luật ở Anh, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever cho biết, hàng năm, Anh phải đầu tư hàng triệu bảng để triển khai các giải pháp PCTN ngay trong lực lượng thực thi pháp luật, nhất là lực lượng cảnh sát.

Nhưng năm 2013 vẫn có đến 50 cảnh sát Anh bị cáo buộc, trong số đó có đến 11 người bị buộc tội tham nhũng. Qua đó, “cần nỗ lực liên tục, giải quyết công khai, minh bạch các vụ án tham nhũng mới đạt được chuyển biến thực sự trong PCTN” – Đại sứ Giles Lever nhấn mạnh.

Đọc thêm