Thị trường BĐS TP.HCM: Đừng gạt người nghèo ra ngoài rìa chính sách!

(PLO) - Theo Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM (HoREA), phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho thuê giá rẻ mới là hướng phát triển nền tảng để đảm bảo an sinh xã hội và thị trường BĐS thành phố (TP) phát triển lành mạnh, bền vững trong 10 năm tới.
TP HCM hiện mới  giải quyết nhu cầu chỗ ở được khoảng 13 % cho người lao động có thu nhập thấp
TP HCM hiện mới giải quyết nhu cầu chỗ ở được khoảng 13 % cho người lao động có thu nhập thấp

Sẽ thiếu khoảng 1 triệu căn hộ cho người nghèo

Theo HoREA, quy mô dân số TP HCM hiện được cho đã vượt ngưỡng 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số. TP lớn nhất nước cũng đang đón nhận hơn 400 ngàn sinh viên học tập tại đây và hàng năm cũng có thêm hơn 50 ngàn cặp kết hôn mới. 

Qua khảo sát của Sở Xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển thì có khoảng 500 ngàn hộ chưa có nhà, có khoảng 81 ngàn hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại TP thì đang có khoảng 139 ngàn người chưa có nhà ở, tương đương với khoảng 80.000 căn hộ.

Trong tổng số hơn 402 ngàn công nhân, lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP thì có đến 284.000 người (chiếm 70,6%) chưa có nhà ở. Chỉ riêng khu vực nhà máy của Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân đã có đến 100 ngàn công nhân lao động, hầu hết các đối tượng nêu trên đều đang phải thuê phòng trọ, nhà trọ. 

Thế nhưng hiện nay đang rất thiếu nhà ở xã hội cho thuê, và loại căn hộ nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ (giá thuê từ 1 - 3 triệu đồng/tháng). Các ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, các trường đại học khác, các khu lưu trú công nhân do Ban quản lý Khu công nghệ cao và các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trên địa bàn TP hiện nay mới chỉ giải quyết nhu cầu chỗ ở được khoảng 13%, còn lại khoảng 87% nhu cầu là do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư các khu nhà trọ, phòng trọ tạm bợ, phần lớn không đủ tiện ích, không đảm bảo an toàn, an ninh. 

“Dự báo nhu cầu nhà ở, trong đó phần lớn là nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ trên địa bàn TP trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn” - HoREA đưa ra dự báo. 

Đẩy mạnh cơ chế đổi đất lấy hạ tầng  

Ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng một cửa liên thông, đơn giản, minh bạch, thông thoáng, nhanh chóng, HoREA kiến nghị nhiều giải pháp đáng chú ý mang tính chuyên môn để khơi thông thị trường này phát triển đúng hướng và lành mạnh. 

Theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS, chủ đầu tư dự án phải có 15%, 20% vốn chủ sở hữu, còn lại đến 80%, 85% vốn đầu tư dự án của doanh nghiệp BĐS phụ thuộc chủ yếu vào 2 nguồn: vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng, mà trước hết là nguồn vốn tín dụng ngân hàng để thực hiện dự án. 

Trong một báo cáo gửi ban ngành TP HCM mới đây, HoREA cho rằng, để khuyến khích thị trường tăng trưởng thì áp dụng chính sách tín dụng nới lỏng, lãi suất thấp, điều kiện thẩm định cho vay dễ dàng.  Khi thị trường có dấu hiệu bong bóng thì áp dụng chính sách hạn chế tín dụng, kể cả áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng, lãi suất cao, điều kiện thẩm định cho vay khắt khe, khống chế tăng trưởng tín dụng. 

“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xây dựng “Quy chế hoạt động nội bộ ngân hàng” theo hướng khuyến khích chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn, nhà cung cấp vật tư, thiết bị, khách hàng đều mở tài khoản giao dịch tại cùng ngân hàng để tạo điều kiện cho ngân hàng giám sát dòng tiền được sử dụng đúng mục đích, giúp cho chủ đầu tư và các bên liên quan sử dụng vốn tín dụng hiệu quả, tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA kiến nghị.

Cũng theo ông Châu, do đất đai là nguồn tài nguyên hữu hạn, cần được sử dụng hiệu quả và tiết kiệm, dành quỹ đất dự trữ, quỹ đất chưa sử dụng làm nguồn lực dự trữ cho các thế hệ tương lai. HĐND TP đang giữ thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của TP, nhưng do mỗi năm thường chỉ có 2 kỳ họp, nên cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND với UBND TP, các sở, ngành, các quận, huyện để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, và kiểm soát, giám sát việc sử dụng đất đai của TP. Hiệp hội đề nghị giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (bổ sung) giữa hai kỳ họp HĐND để đảm bảo đáp ứng kịp nhu cầu đầu tư phát triển.

Để phát triển bền vững thị trường BĐS TP HCM trong 10 năm tới, đại diện Hiệp hội BĐS TP HCM còn khuyến nghị thực hiện cơ chế xã hội hóa đầu tư theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng, thông qua các hình thức xây dựng - chuyển giao (BT),  hoặc hợp tác công - tư (PPP). 

Theo HoREA, để phát triển ngày càng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng trong điều kiện nguồn vốn ngân sách của TP có hạn, rất cần thiết thực hiện cơ chế xã hội hóa đầu tư theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng, thông qua các hình thức BT,  hoặc PPP. “Tuy nhiên, TP cần tính toán chặt chẽ và có cơ chế giám sát để đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, không để phát sinh tiêu cực và sử dụng hiệu quả quỹ đất” - Chủ tịch Châu nhấn mạnh. 

Đọc thêm