Triển khai Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật trợ giúp pháp lý tại Hải Dương

(PLO) - Sáng 26/6, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương  phối hợp cùng Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tập huấn, triển khai Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật trợ giúp pháp lý với sự tham gia của nhiều lãnh đạo, cán bộ chuyện môn các cơ quan trong khối nội chính, các Ban, ngành đoàn thể liên quan của tỉnh Hải Dương.
Triển khai Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật trợ giúp pháp lý tại Hải Dương

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật trợ giúp pháp lý vốn là hai luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc củng cố, hoàn thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, nền công cụ cũng như trách nhiệm của Nhà nước và công dân. Là một bộ phận của tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chính sách dân tộc và ưu đãi xã hội của Đảng và Nhà nước.

Tham dự hội nghị tập huấn lần này, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Cục Bồi thường nhà nước và Cục trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) triển khai nội dung chính và các điểm cần quan tâm của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước và Luật trợ giúp pháp lý. Theo đó, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.

Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục bồi thường của nhà nước đã giới thiệu bố cục cơ bản của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với 10 nội chính cùng nhiều điểm mới của Luật giúp các cơ quan tố tụng và hành chính nhà nước nắm được và triển khai trong quá trình thực thi nhiệm vụ như: nguyên tắc giải quyết bồi thường, phạm vi, các xác định thiệt hại để bồi thường, cơ quan có trách nhiệm và trình tự giải quyết bồi thường, quy định về phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại…

Đối với Luật trợ giúp pháp lý, bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cũng đã làm nổi bật các nội dung về sự cần thiết ban hành Luật, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, quá trình xây dựng và những điểm mới của Luật như: mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý lên đến trên 30% dân số; nâng cao chất lượng hoạt động bằng việc chuẩn hóa đội ngũ và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; tập trung giúp giải quyết các vụ việc cụ thể của đối tượng và nâng cao cơ chế quản lý chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý…

Đây cũng được coi là một trong những đạo luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 sẽ giúp cho hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng chuyên nghiệp và có bước phát triển mới.

Đọc thêm