Tình hình kinh tế - xã hội: Mảng tối nông nghiệp

(PLO) - Ghi nhận những kết quả kinh tế - xã hội đạt được song tại buổi thảo luận tổ chiều qua (25/5), nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp…
Đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cảnh báo sự đóng góp của nông nghiệp vào tăng trưởng GDP đang giảm sút trong khi đóng góp của khu vực FDI lại đang tăng lên, điều này đúng như nhận định của Ủy ban Kinh tế, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế độc lập tự chủ của chúng ta. Đặc biệt, trong quý 1/2015, nông nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn khi tăng trưởng 2,14%, thấp nhất trong 5 năm qua. 
“Hiện nông nghiệp là lợi thế nhưng bây giờ là thách thức. Hầu như chi phí đầu vào cho nông nghiệp đều tăng và phụ thuộc nước ngoài, không biết chừng một ngày nào đó chúng ta phải nhập nông sản...”- ông Ngân lo ngại. 
Cũng theo ĐB này, nông nghiệp tăng tưởng thấp lại không ổn định. “Đất nước có đến 67% dân số nông thôn, 46% lao động nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp 18% GDP. Chúng ta cần xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tri thức hóa nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu!”- ĐB Ngân đề nghị Quốc hội nên sớm có nghị quyết về tam nông.
Theo ĐB Trần Du Lịch, chỉ số giá CPI chưa năm nào thấp như năm qua và đây là dư địa thuận lợi để điều chỉnh các chính sách khác như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Tuy nhiên theo ĐB này, chúng ta vẫn chưa tận dụng được cơ hội đó. Có hai vấn đề, theo ông “không có gì mới”,  đó là tái nhập siêu và nông nghiệp. 
Nếu như tái nhập siêu là “căn bệnh” trầm kha có nguyên nhân sâu xa từ cơ cấu kinh tế chứ không phải điều hành và chúng ta chưa bao giờ “chữa bệnh” từ gốc và cũng chưa có “bài thuốc” hiệu nghiệm nào thì nông nghiệp nổi lên là vấn đề sản xuất thừa so với thị trường, kể cả trong nước và xuất khẩu... 
Chúng ta đang bán cái chúng ta có chứ không phải cái người ta cần mua. Sản xuất thì theo phong trào, người nông dân chao đảo...”- ông Lịch phát biểu. Theo ông, những vấn đề này không có gì xa lạ. “Vấn đề là tái cơ cấu nền kinh tế quá chậm, cứ xoay thế này không có gì giải quyết được...”- ông Lịch khẳng định. Chẳng chờ đến Nghị quyết tam nông, ông sốt ruột: “Cần phải có chính sách như thế nào đấy...”.
Cầm bài báo của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đăng cách đây 15 năm, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) chua chát cho rằng nông nghiệp ngày đó vẫn nan giải như ... hiện nay. “Hôm qua Bộ Công Thương gửi tài liệu trả lời chất vấn cho ĐBQH. Bộ trưởng chỉ tìm đường bán hàng thôi, còn sản xuất thế nào, chất lượng ra sao hầu như không thấy nói đến. Chúng ta kêu gọi tấm lòng trong nước, giờ ra đến nước ngoài...”- ĐB Dung nhận xét. 
Dẫn ra thực tế quy hoạch của Bộ NN&PTNT về diện tích cây mắc ca đến năm 2020 là 10.000ha nhưng thực thế riêng Lâm Đồng đã trồng trên 200.000ha, bà Dung đề nghị Chính phủ phải siết lại vấn đề quy hoạch.
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) dành toàn bộ nội dung đóng góp của mình cho vấn đề nông nghiêp, đặc biệt đưa ra những kiến nghị rất cụ thể cho Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Với Bộ NN&PTNT, ĐB Hòa  đề nghị phải thật cụ thể quy hoạch, trồng cây gì, con gì, bao nhiêu, ở đâu..., khâu sản xuất phải tập trung vào hiệu quả kinh tế, kiểm soát chất lượng, đầu tư công nghệ sau thu hoạch, xây dựng mô hình để tập hợp nông dân. 
Ông kể lại câu chuyện đi tiếp xúc ở Đồng Tháp, để thu hút các cháu tốt nghiệp đại học về làm HTX nông nghiệp, chính quyền đã trích một phần ngân sách chi hỗ trợ, tuy nhiên khi kiểm toán vào thì bị xuất toán vì chưa thuộc danh mục được chi. 
“Phải có chính sách thu hút cán bộ có kiến thức nông nghiệp, thị trường vào HTX nông nghiệp để tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...”- ĐB Hòa đề nghị. 
Với Bộ Công Thương, cho rằng Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ nông sản chủ yếu,  do vậy cần xác định để có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây hệ thống logistic, hệ thống kho để phục vụ cho việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tiến tới giảm giao dịch biên mậu nhỏ lẻ và tăng dần chính ngạch... 
Trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc sử dụng ngân sách
Góp ý vào quyết toán ngân sách 2013, ĐB Võ Thị Dung cho rằng Chính phủ chỉ thay đổi con số, còn tồn tại... vẫn như cũ. ĐB Trương Thị Ánh băn khoăn khi một số đơn vị, Bộ, ngành sử dụng không hết ngân sách, như Bộ GD&ĐT mới sử dụng 96,4% , Bộ KH&CN 83%... trong khi nhiều nội dung cần hỗ trợ ngân sách thì không có, như giáo dục mầm non, phổ thông. “Có phải các Bộ, ngành này tiết kiệm cho ngân sách nhà nước không, hay trách nhiệm của Bộ, ngành trong việc sử dụng ngân sách, gây lãng phí lớn...”- bà Ánh đặt câu hỏi.
ĐB Trần Du Lịch dẫn số liệu thu, chi ngân sách và thẳng thắn: “Thu cũng tăng 32%, chi cũng 32%, Quốc hội quyết dự toán ngân sách để làm gì khi con số thực thi chênh đến 32%?”. Trong báo cáo của Chính phủ ghi: “Một số địa phương chưa nghiêm túc trong đầu tư...”, ĐB Trần Du Lịch đề nghị chỉ rõ ra. “Nói chung chung không có địa chỉ sửa sao được. Đề nghị địa phương nào vi phạm khi bố trí ngân sách cắt luôn. Chứ nói chung chung thế này rồi biểu quyết thông qua, hòa cả làng...”- ĐB Trần Du Lịch đề nghị. Ông cũng đặc biệt lưu ý vấn đề xã hội hóa sân bay, bến cảng... “Chính phủ phải đặc biệt lưu ý, khi anh mua bằng tiền thật của anh thì được, nhưng lại đi vay vốn ngân hàng đề mua thì không được. Vốn tín dụng là hữu hạn, vay ngân hàng để mua thì vốn đâu cho sản xuất kinh doanh, bao giờ mới giảm được lãi suất...”.

Đọc thêm