Ba lần lập giấy chia đất
Cụ Đỗ Thị Con và chồng khi kết hôn được dòng họ nhà chồng cho thửa đất dựng nhà ở khoảng hơn 400m2. Vì không có con nên sau khi chồng qua đời, cụ bà đã lập giấy đề nghị chia thửa đất đang ở cho cháu nuôi là ông Đỗ Xuân Vinh (SN 1953, ngụ thôn Vân Côn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) và ông Nguyễn Văn Lộc (SN 1954, ngụ cùng địa chỉ) là cháu gọi chồng cụ Con bằng chú ruột.
Năm 1974 cụ Con lập giấy đề nghị chia đất với nội dung như trên, được chủ tịch xã và UBND huyện xác nhận. Hai năm sau, cụ Con lập lại giấy đề nghị xác nhận lại việc cho ông Vinh và ông Lộc mỗi người một nửa thửa đất. Đến năm 1977, cụ lập lại giấy đề nghị chia đất bổ sung lần ba. Năm 1983, cụ Con qua đời.
Sau khi được cô cho đất, người cháu nuôi xây nhà ở, ranh giới với phần đất còn lại từ đó đến nay không thay đổi. Về phần người cháu ruột, sau khi cụ Con mất, cũng phá dỡ nơi ở cũ để xây nhà mới. Hai bên sử dụng đất ổn định từ đó. Đến năm 2010, người cháu nuôi làm đơn và được chính quyền cấp sổ đỏ. Trong khi người cháu nuôi tiếp tục xây dựng thì bị người cháu ruột cản trở và làm đơn khiếu nại về việc cấp sổ đỏ. UBND huyện sau đó xét thấy việc cấp sổ đỏ chưa đúng quy trình nên đã thu hồi sổ đỏ đã cấp.
Mâu thuẫn giữa hai gia đình ngày càng gay gắt khiến người cháu nuôi phải làm đơn gửi chính quyền xã đề nghị xác nhận mốc giới sử dụng đất giữa hai gia đình theo đơn đề nghị mà cụ Con lập khi còn sống vào các năm 1974, 1976 và bổ sung năm 1977. Chính quyền địa phương đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không thành.
Vì vậy người cháu nuôi làm đơn khởi kiện ra TAND huyện đề nghị xác nhận lại ranh giới giữa hai gia đình và xem xét buộc gia đình người cháu ruột chấm dứt cản trở việc sử dụng đất hợp pháp của gia đình mình.
Trong khi đó bị đơn là người cháu ruột cũng xác nhận nguồn gốc thửa đất do cụ Con để lại. Cụ Con khi còn sống đã phân chia thửa đất đang tranh chấp thành hai phần cho hai người cháu, mỗi người một nửa, tuy nhiên không vẽ sơ đồ. Khi phân chia đất có ranh giới là bức tường rào, nhưng người cháu nuôi tháo dỡ tường rào lúc nào, bị đơn không hay biết do đang đi bộ đội, đóng quân ở miền Nam.
Vợ bị đơn thì cho rằng cụ Con giao việc quản lý tài sản cho một người họ hàng. Người này đứng ra lo tang lễ cho chồng cụ, sau đó chăm sóc cụ bà. Năm 1963, con gái nuôi cụ Con (là mẹ đẻ ông Vinh) nhiều lần đến xin nửa thửa đất của cụ nhưng không được đồng ý. Sau đó mẹ ông Vinh lặng lẽ đi làm các giấy tờ chứng thực tại UBND xã.
Đến năm 1976, anh trai ông Vinh lại đến nhà người chăm sóc cụ Con xin đất nhưng vẫn không được đồng ý. Sau đó bố ông Vinh tự ý đến cắm mốc sử dụng. Từ đó hai gia đình xảy ra mâu thuẫn. Sau này, cụ Con có gọi con cháu đến thông báo cho ông Vinh và ông Lộc một người một nửa phần đất. Cụ thể cho mỗi người 8 thước rưỡi đất.
“Sau khi mốc giới phân định, ông Vinh xây tường rào làm ranh giới. Năm 1986 chính quyền đến lập bản đồ thì bức tường ranh giới còn nguyên. Diện tích bản đồ nhà tôi có diện tích 208m2; thửa nhà ông Vinh 206m2”, vợ bị đơn cho biết.
Theo phía bị đơn, bức tường ngăn cách nay đã bị ông Vinh tự ý phá để lấn sang 7,7m2. Diện tích gia đình bị đơn vì vậy “hụt” so với thời điểm cụ Con chia đất. Nay nguyên đơn khởi kiện yêu cầu công nhận sơ đồ như trong đơn đề nghị của cụ Con năm 1976, 1977; gia đình bị đơn không đồng ý và đề nghị xác minh tính xác thực của tờ bản đồ này.
Kiện tụng dai dẳng
Sau nhiều lần hòa giải không thành, ngày 27/2/2015 TAND huyện đã mở phiên tòa sơ thẩm. Tòa xét thấy sau khi được cụ Con cho đất, nguyên đơn đã sử dụng, xây nhà và các công trình từ năm 1976 đến nay. Nguyên đơn đã kê khai thửa đất và thực hiện đóng thuế đầy đủ.
Qua xác minh sổ sách quản lý của địa phương là bản đồ địa chính xã năm 1986, thửa đất của bị đơn đứng tên có diện tích 208m2, thửa đất nguyên đơn rộng 206m2. Đến năm 2001 theo bản đồ địa chính xã thì đất nhà bị đơn rộng 201m2; đất nguyên đơn là 214m2. Chính quyền địa phương giải thích sở dĩ có sự chênh lệch trong bản đồ là do cách đo và phương pháp tính diện tích khác nhau. Phần diện tích chênh lệch không đáng kể.
Tòa sơ thẩm nhận thấy nguyên đơn sử dụng trên diện tích được cụ Con cho, không lấn chiếm sang thửa đất nhà bị đơn đang quản lý. Vì thế tòa yêu cầu nhà bị đơn chấm dứt hành vi cản trở việc sử dụng đất hợp pháp của nhà nguyên đơn.
Không đồng tình với phán quyết trên, phía bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án lên tòa án TP Hà Nội. Tại phiên tòa phúc thẩm mở ngày 15/2/2017, nguyên đơn và bị đơn ngồi cùng hàng ghế nhưng hai gia đình không nói với nhau nửa lời. Ông Vinh giữ nguyên lời khai ở tòa sơ thẩm, khẳng định năm 1991 đã dựng lại nhà mới trên móng cũ, khi đó phía ông Lộc không hề có tranh chấp gì. Gần 10 năm sau, trong khi sửa bếp thì phía bị đơn mới nói nhà ông lấn đất.
Về phần bị đơn cho biết từ khi chính quyền có thông báo khảo sát làm sổ đỏ, gia đình đề nghị đo lại đất nhưng không được chấp nhận. Đến năm 2010, gia đình ông Vinh được cấp sổ đỏ thừa diện tích so với diện tích cụ Con cho trước đây nên gia đình ông Lộc mới khiếu nại.
Theo phía bị đơn, nhà ông Vinh đã tự phá bỏ bức tường ranh giới lấn sang đất nhà mình khoảng 20-30cm. Gia đình ông Lộc đã ngăn cản không cho hàng xóm xây nên xảy ra mâu thuẫn. Có lần con trai ông Vinh ném đá vào mặt ông Lộc gây thương tích phải đi bệnh viện điều trị dài ngày. Sau đó, người này bị truy tố và phải bồi thường cho ông Lộc.
Phía bị đơn cũng cho rằng cụ Con không biết chữ nên nhờ người khác viết giấy, sự việc cho đất không có người làm chứng, nên nghi ngờ sơ đồ kèm theo đơn đề nghị là giả. “Ngoài ra, nói việc hai gia đình sử dụng đất ổn định không có tranh chấp theo bị đơn là không đúng sự thật. Ngược lại hai gia đình từ lâu đã tranh chấp, ngay cả bức tường ranh giới là do ông Vinh dùng vũ lực xây lên”, bị đơn nói.
Vị chủ tọa thở dài phân tích: “Tòa rất buồn khi phải chứng kiến việc hai bên đôi co như thế này. Cụ Con trước khi mất cũng không mong các cháu lôi nhau ra tòa. Các bác lớn tuổi mà khuyên bảo được con cháu thì không phải ra tòa như vậy”. Sau khi nghị án, tòa tuyên y án sơ thẩm.