Tòa án hỗ trợ trọng tài: Doanh nghiệp vẫn cần tự lực

 Một trong những tâm điểm quan trọng nhất của Luật Trọng tài thương mại (TTTM) là mối quan hệ giữa TT với Tòa án (TA) trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ tranh chấp. Tuy nhiên, trong quá trình Tòa án giải quyết các vụ việc liên quan tới TTTM, điều quan trọng hàng đầu vẫn là sự hiểu biết của doanh nghiệp (DN) để tránh cho mình những thiệt hại có thể xảy ra.

Một trong những tâm điểm quan trọng nhất của Luật Trọng tài thương mại (TTTM) là mối quan hệ giữa TT với Tòa án (TA) trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ tranh chấp. Tuy nhiên, trong quá trình Tòa án giải quyết các vụ việc liên quan tới TTTM, điều quan trọng hàng đầu vẫn là sự hiểu biết của doanh nghiệp (DN) để tránh cho mình những thiệt hại có thể xảy ra.

TT – đã có hỗ trợ của Tòa án

Trên thực tế, TT là phương thức giải quyết tranh chấp độc lập với TA. Nhưng với bản chất là phương thức tài phán tư, TT có những hạn chế nhất định về thẩm quyền và trong trường hợp ấy phải cần đến sự hỗ trợ của TA. Luật TTTM 2010 đã xác lập vai trò hỗ trợ và giám sát của TA đối với TT. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo sự độc lập của TT, Luật đã nhấn mạnh TA chỉ hỗ trợ TT trong các trường hợp cụ thể, không có quyền can thiệp vào quá trình tố tụng TT.

“Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Trung tâm TT quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) và đối chiếu với pháp luật TT quốc tế có thể thấy rằng vai trò của TA đối với TT quy định tại Luật này là khá toàn diện và đầy đủ. Đây là tín hiệu tốt giúp các bên yên tâm và tin tưởng khi lựa chọn TT để giải quyết tranh chấp”, một thành viên đã từng tham gia Ban soạn thảo Dự án Luật TTTM cho biết.

Nhưng dựa vào mình là chính

Thực hiện Luật TTTM, một số thẩm phán lưu ý DN cần xem xét lựa chọn trung tâm TT phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình để giải quyết tranh chấp, nhất là đối với các quan hệ kinh tế có liên quan tới yếu tố nước ngoài. Các DN nước ngoài khi ký kết hợp đồng kinh tế với DN Việt Nam thường chọn cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp là các cơ quan tài phán ở nước ngoài.

Bên cạnh những hạn chế như lệ phí TT cao, phí luật sư, chi phí đi lại tốn kém… thì trong trường hợp phải yêu cầu TA áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) sẽ không thể làm được vì TA không thể áp dụng đối với cơ quan tài phán ở nước ngoài.

Với thâm niên công tác lâu năm trong ngành TA, Thẩm phán Phạm Tuấn Anh – Chánh Tòa Kinh tế TAND TP. Hà Nội còn đề xuất: Nếu có yêu cầu TA áp dụng BPKCTT, các DN phải cân nhắc thời gian sao cho TA có đủ điều kiện ra quyết định áp dụng trước khi ngân hàng thực hiện thanh toán LC (tín dụng thư) cho phía ngân hàng thụ hưởng, đồng thời là xét thời gian để phía cơ quan thi hành án dân sự thực hiện quyết định của TA.

Không những thế, ông Tuấn đặc biệt lưu ý DN phải tự mình quan tâm tìm địa vị pháp lý của người ký kết hợp đồng kinh tế trước khi chính thức “bút sa gà chết”. “Rất nhiều hợp đồng kinh tế do những người là Phó giám đốc hoặc Phó tổng giám đốc ký và đương sự đã lấy đó làm căn cứ yêu cầu TA hủy phán quyết TT trong trường hợp phán quyết của TT không có lợi cho họ”, ông Tuấn dẫn chứng.

Sơn Nhi

Đọc thêm