Như PLVN đưa tin, do có mối quan hệ quen biết, vào khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2017, bị can Đào Thị Quy (SN 1977, trú tại bản Hua Mường, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) đã đưa nhiều thông tin gian dối, quen biết, làm ăn với nhiều cán bộ công an trong tỉnh, cán bộ địa phương để lừa đảo chiếm đoạt của hàng chục người bị hại số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Vụ án đã được TAND tỉnh Sơn La thụ lý và mới đây ngày 13/12/2018, TAND tỉnh Sơn La đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử công khai vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào lúc 8h00 ngày 02/01/2019 tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La – thôn 7, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Sau khi nhận được thông tin này, nhiều bị hại cho rằng việc TAND tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử công khai, lưu động vụ án trên tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La là không khách quan, không phù hợp.
Theo Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự về việc xét xử công khai thì mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Từ đó, các bị hại cho rằng việc xét xử công khai là việc mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, việc xét xử công khai nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, có tính chất răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Lý giải cụ thể về vấn đề này, các bị hại cho biết, việc xét xử vụ án trong Trại tạm giam công an tỉnh Sơn La thì không thể công khai vì các phạm nhân đều bị giam giữ. Nếu các phạm nhân được tham dự sẽ dẫn đến trường hợp có bạo loạn xảy ra, có thể dễ tạo điều kiện cho các phạm nhân có thể vượt ngục, trốn trại, bỏ trốn.
Cũng theo các bị hại, trong trại tạm giam công an tỉnh Sơn La có nhiều loại tội phạm, hầu như là tội phạm về ma túy, ít tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu. Hơn nữa đây là vụ án lớn về xâm phạm quyền sở hữu, số tiền bị cáo chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng với hàng chục bị hại, gây bức xúc trong dư luận. Do đó, việc xét xử lưu động, công khai tại trạm tạm giam là không thể hết vai trò của việc xét xử công khai, lưu động về việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đồng thời, việc xét xử công khai phải đảm bảo nguyên tắc mọi người đều được tham gia phiên tòa theo quy định. Tuy nhiên, việc ra vào trại tạm giam là rất khó, phải đảm bảo đúng quy định pháp luật. Do đó, mở phiên tòa tại trại tạm giam sẽ làm hạn chế sự tham dự của người dân.
“Hơn nữa, đây là vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng, do đó rất thu hút sự quan tâm của dư luận nên việc mở phiên tòa tại trại tạm giam sẽ hạn chế sự tham dự của mọi người. Chúng tôi nhận thấy việc xét xử như vậy là xét xử chui, không đảm bảo tính khách quan, công khai"”- các bị hại thông tin.
Sau khi nhận được đơn thư của các bị hại, PV đã liên hệ với ông Đinh Huy Hiệp –Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa này. Ông Hiệp cho biết đã trả lời đơn kiến nghị của các bị hại và cho biết khi phóng viên đến liên hệ phải liên hệ trực tiếp với TAND tỉnh Sơn La để làm các thủ tục liên quan.
Về vấn đề tác nghiệp của phóng viên trong trại tạm giam, Giám thị trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La cho biết phải có ý kiến của ban lãnh đạo Công an tỉnh Sơn La thì mới được quyền tác nghiệp vì Trại tạm giam là địa điểm an ninh Quốc gia.
Điều 25. Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai
Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng.
Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến vụ án này.