Phòng tuyến Xuân Lộc nơi quân VNCH lập ra hòng “tử thủ” Sài Gòn 43 năm trước, nơi diễn ra những chiến công hiển hách của Quân Giải phóng, nơi hai bên giao tranh đẫm máu và hàng ngàn bộ đội đã ngã xuống, nay có lẽ chỉ còn duy nhất một dấu tích.
Đi từ Bắc vào Nam trên Quốc lộ 1, đoạn qua cầu vượt thị xã Long Khánh (Đồng Nai), nhìn sang phía bên trái, sẽ thấy một cây sung khổng lồ. Cây sung tán rộng hàng trăm m2, cành lá sum suê bốn mùa, mọc trên khu đất hàng ngàn m2 cỏ xanh tươi tốt thuộc khuôn viên Công ty Dâu Tằm tơ Tân Lộc.
Ông Phan Ngọc Mậu (SN 1952, Giám đốc, kiêm Bí thư chi bộ Công ty) cho hay, cây sung do gió trời đưa đến, tự nhiên mọc, nhưng không tự nhiên khổng lồ. Đó là vì mỗi nắm đất nơi này đều thấm máu các anh hùng liệt sỹ, đều là xương cốt những người ngã xuống cho quê hương đất nước. Cây sung lớn một cách thần kỳ như cột mốc đánh dấu nghĩa địa hàng ngàn Liệt sỹ bị xáo trộn hài cốt, nơi hàng trăm người lính đã bị người ta cố tình bỏ quên.
Linh tính của một cựu binh
Ông Mậu cho hay Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc (thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) được thành lập từ đầu những năm 1990, khi Trung ương ra quyết định sát nhập hai xí nghiệp: Xí nghiệp dâu tằm tơ Hàm Tân (Bình Thuận) và Xí nghiệp dâu tằm tơ Xuân Lộc (Đồng Nai). Ông Mậu nhận bàn giao công ty từ tháng 4/1991.
Trước đó, khu đất là nhà xưởng của Xí nghiệp dâu tằm tơ Xuân Lộc. Ông chỉ biết loáng thoáng nơi đây từng xảy ra giao tranh ác liệt, chứ không nghĩ đây chính là một phần phòng tuyến Xuân Lộc, là nghĩa địa tạm chôn cất hàng ngàn liệt sỹ trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.
Câu chuyện động trời bắt đầu được phát giác vào ngày 31/5/1992, khi công ty khởi công xây dựng nhà máy ươm tơ. Thời điểm đó ngành ươm tằm tơ đang lúc “hoàng kim”, phát triển vùng nguyên liệu, cần nhà xưởng rộng hơn. Chiều thứ Bảy 30/5/1992, hồi đó nhà ở Hàm Tân (Bình Thuận), thường lệ ông Mậu sẽ về nhà. Nhưng linh tính mách bảo ông phải ở lại.
Trưa 30/5 công ty cúng để ngày mai khởi công. Khoảng 3h chiều ông Mậu gặp đội thi công trao đổi bàn kế hoạch ngày mai. Ông Mậu hỏi cặn kẽ: “Khởi công ngày mai mấy em có cần thay đổi gì?”. Kỹ sư và đội trưởng trả lời: “Theo bản thiết kế để làm khung kho thì chừa 4m làm đường đi và phía sau 16m”.
Ông yêu cầu chừa thêm 1m để đường đi rộng 5m. Ông Mậu hồi ức: “Có một linh tính mách bảo tôi phải “phá” bản thiết kế vào phút cuối như vậy. Hơn nữa làm đường rộng để xe chuyên chở kén đi vào được thuận lợi, hoặc có xảy ra hỏa hoạn thì xe cứu hỏa vào dễ hơn”.
Thấy đội thi công thiết kế có vẻ “lăn tăn”, ông thuyết phục mọi người đồng ý với quyết định của mình. Ông tiếp tục hỏi: “Tôi nghe nói đây có thể từng là vùng chiến tranh ác liệt nên có thể có “anh em của mình” hay “người bên kia” tử trận. Mai đào móng định đào sâu bao nhiêu?”. Đội thi công nói đào ngang 40cm, dài 40cm, sâu 40cm, đủ lực để chịu cột như bản thiết kế.
|
Nghĩa trang Long Khánh nay bạt ngàn bia mộ không đề một dòng chữ |
Ông Mậu không chịu, yêu cầu đào sâu 60cm, phát hiện ra vật gì như bình đựng nước, lọ penicilin hoặc bọc ni lông thì phải dừng ngay, không được lấp hay xóa đi. “Vì trước tôi đi cách mạng, biết lúc mình chôn có cạn nhất cũng 60cm. Còn nếu đưa liệt sỹ về chôn cẩn thận thì cũng phải 1,2m. Mà dặn thì dặn vậy thôi, chứ không ai nghĩ mình lại phát hiện ra chuyện động trời như vậy”, ông hồi ức.
Linh tính trên đã hóa sự thật một ngày sau đó. Đúng 8h sáng ngày Chủ nhật 31/5/1992, đội thi công chia làm hai tổ đào hai cột móng khung kho. Mỗi cột cách nhau 4m. Đào đến 9h sáng ngày 30/5/1992, đội thi công phát hiện hai túi nilon nằm dọc theo hố đào, đầu hướng ra Quốc lộ 1. Nếu ông Mậu không quyết định thay đổi bản thiết kế trước đó một ngày, vị trí hố đào sẽ không đụng những túi nilon này.
Ông Mậu kể lại: “Tôi lập tức điện cho chủ tịch huyện Long Khánh là chị Ba Trâm, lúc đó Long Khánh vừa mới tách ra từ huyện Xuân Lộc. Do ngày Chủ nhật nên phải điện vào nhà chị, báo cáo anh em ở đây phát hiện vậy đó”. Chị ấy nói “chắc sót hài cốt liệt sĩ, khoảng 5 – 7 người thôi”.
“Lúc đó tôi cũng chưa hình dung nổi khu vực lại có hàng trăm mộ liệt sỹ bị “sót” ngay hàng thẳng lối. Nếu là mộ phần thì phải có nấm đất lô nhô, chứ sao lại là bãi đất phẳng lì hàng chục năm như vậy. Nhưng vẫn là linh tính thúc đẩy khiến tôi có hành động quyết liệt. Tôi nói: “Chưa rõ ra sao nhưng đề nghị chị báo cho mấy anh bên Phòng Thương binh Xã hội và Huyện đội lại đây ngay phối hợp với bọn tôi”.
Ông Mậu kể tiếp: “Khi chờ cơ quan chức năng trên đường tới, tôi tiếp tục nảy sinh ra một quyết định khác. Hồi đó phía sau khu vực định xây nhà xưởng là một vườn cà phê đã trồng được gần 10 năm, cà phê rất tốt. Công ty có hai máy ủi ĐT75 của Nga, tôi gọi ngay hai tài xế đến cho ủi phá cà phê, phá hai đường mỗi đường 25m. Phá thẳng từ khu vực phát hiện bịch nilon ra phía sau 25m. Nếu đây là nơi chôn cất liệt sỹ hẳn hoi thì sẽ có hàng loạt ngôi mộ khác”.
Phát hiện động trời
Hai máy ủi được lệnh san bằng vườn cà phê, ủi sâu xuống 40cm, cạo lớp đất mặt. Khi xuống 40cm, ông giật mình thấy đất ngả màu như đất sét. Ông ra lệnh máy ủi dừng lại, để phần việc tiếp theo cho người đào tay.
Trong lúc đó cơ quan chức năng vẫn chưa có mặt. Chỉ hai đường máy ủi, ông Mậu đã phát hiện 25 phần mộ, một bên 12 ngôi, một bên 13 ngôi. Ông lại điện Chủ tịch huyện, cho hay giờ này chưa thấy cơ quan nào đến, trong khi công ty đã phát hiện ra 25 mộ. “Lúc đó bà Ba Trâm mới tá hỏa: “Vậy là do cái đám được thuê bốc cốt Liệt sỹ trước kia”.
Hỏi cặn kẽ, bả mới nói đây từng là nghĩa trang Liệt sỹ tạm. Năm 1978 – 1979 xây dựng nghĩa trang Liệt sỹ chính, tỉnh chỉ đạo Phòng Thương binh Xã hội huyện Xuân Lộc tổ chức đưa anh em về nghĩa trang chính, những nấm mộ này bị “bỏ sót””, ông Mậu kể.
|
Cây sung xanh tốt trên khu đất nơi mỗi nắm đất đều thấm máu xương anh hùng liệt sỹ |
Dư luận cả Đồng Nai chấn động. Người ta đã cố tình “bỏ sót” không chỉ là 25 ngôi mộ, mà tổng cộng 192 người lính. Khu vực Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc tọa lạc, 17 năm trước từng là chiến trường, nay lại một lần nữa ngổn ngang như bãi chiến trường. Hàng trăm người thuộc các lực lượng được điều tới tìm kiếm suốt bảy tháng trời.
Thậm chí tất cả các nhà xưởng đều được đào xuống rỗng móng, tới tháng 1/1993 mới kết thúc tìm kiếm. Mộ liệt sỹ bị “bỏ quên” tập trung chủ yếu ở hai khu vực, phía trước 12 ngôi rải rác, phía sau 180 ngôi, tổng cộng 192 hài cốt. 192 người lính 17 năm bị cố tình bỏ quên dưới lòng đất Xuân Lộc, nằm trong võng nilôn, hài cốt vẫn nguyên vẹn.
Khu vực tập trung 180 ngôi mộ thì chôn theo hàng theo lối, cách 4m có một hàng, mỗi ngôi cách nhau 2m50; còn 12 ngôi thì nằm rải rác. 192 Liệt sỹ không thể xác định danh tính, duy nhất ngôi mộ của một Sỹ quan Quân y còn có lọ thủy tinh chứa tờ giấy ghi họ tên, năm sinh, cấp bậc, đơn vị.
Ông Mậu trầm ngâm: “Tới lúc này xâu chuỗi lại thông tin, mới chắp nối được toàn cảnh sự việc. Khu vực đây từng là nghĩa trang Liệt sỹ tạm. Các liệt sĩ chôn ở đây tham gia trận Xuân Lộc giao chiến với Sư đoàn 18 VNCH. Quân ta tấn công từ đầu tháng Tư đến 21/4/1975 mới giải phóng khu vực. Giờ con đường trước công ty có tên 21/4 là như vậy. Mặt trận Xuân Lộc chính là khu vực này. Nhiều liệt sỹ hy sinh, người ta chôn cất tạm ngay tại con hào quân VNCH đào nhằm ngăn xe tăng quân ta”.
“Khi chôn cất ban đầu, bộ phận chính sách làm đàng hoàng, có bia mộ, có sơ đồ, bảng ghi danh tính. Năm 1978 xây dựng xong Nghĩa trang Liệt sỹ Long Khánh cách đây hơn 1km, cấp trên chỉ đạo Ty Thương binh Xã hội và Phòng Thương binh Xã hội đưa hài cốt về nghĩa trang chính tiếp tục lập mộ. Chính quyền huyện thuê một nhóm người làm việc này, đội trưởng là Bảy Hùm, cựu thượng sĩ trung đội trưởng quân VNCH (lính bảo an), còn Ba Mây đội phó là trung sĩ cảnh sát VNCH”.
Vẫn lời ông Mậu: “Một số nguồn tin cho hay cấp trên có giao về đây số tiền công 15 đồng bốc mỗi bộ hài cốt. Nhưng số tiền này bị người thừa hành xà xẻo đi nhiều. Sau đó những người được thuê bốc cốt cố tình san phẳng cả một khu mộ đi để cho xong việc. Chúng bốc cốt phía ngoài rất kỹ lưỡng, sau này quật tung tìm kiếm sót lại có 12 ngôi thôi.
Nhưng phía sau chúng làm ăn gian dối vô cùng, cố tình phá nấm, xóa dấu 180 ngôi mộ, hủy sơ đồ. Lúc đó mới hy sinh mấy năm, hài cốt các Liệt sỹ còn mới, còn “tươi” lắm. Nhưng chúng chỉ ủi nấm, rút bảng tên lên mang sang mộ ở Nghĩa trang Liệt sỹ chính cắm (nghĩa là ở nghĩa trang mới, có những ngôi mộ không có hài cốt - PV) và xóa nấm bên đây, vẫn lấy tiền công bốc mộ như bình thường. Vậy mà chủ tịch huyện hồi đó vẫn ký xác nhận đã hoàn thành di dời mộ”.
Tội ác của những kẻ trục lợi trên máu xương Liệt sỹ chưa dừng lại ở đó. Từ phát hiện động trời này, những nhân chứng đã bắt đầu xuất hiện, tố cáo những tội ác còn nghiêm trọng hơn.