Liệt sỹ Vũ Văn Đê |
Hãy ngắm xem, đây là ảnh truyền thần, được vẽ theo trí tưởng tượng hoặc dựa vào một chiếc ảnh đã quá mờ, ảnh phục chế. Tấm ảnh làm ta thấy anh xa lạ, thành người của thế giới khác rồi. Ngoài đời anh đẹp hơn nhiều. Còn Giấy báo tử? Tất nhiên không có dòng chữ “Giấy báo tử”. Nội dung thông báo ở đây chủ yếu là động viên, an ủi gia đình, mang con dấu của Sư đoàn 308 cùng chữ ký của một anh hùng quân đội sau này.
Giấy báo tử bị xé đôi. Hẳn là nỗi đau cùng cực và không thể tin nổi đó là sự thật của người tiếp nhận. Mẹ anh đã xé, hay ai xé ? Năm nào cũng vậy, cứ vào tháng 7 là tháng lòng tôi không yên. Những món quà, giấy mời họp, mời giao lưu, mời khám sức khỏe nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ... thường làm tôi mất ngủ. Gần 50 năm qua tôi mang nhiều món nợ, trong đó có món nợ lòng với những người đồng đội đã vô tình hy sinh thay tôi.
Chiều hôm ấy, ngày 23/4/1972, thấy tôi vóc dáng học trò, gánh hai thùng nước uống từ lòng suối cạn lên trận địa đồi cao, cổ đỏ dừ, mỗi lúc một rụt lại, anh Đê bảo: “Để tao gánh hộ, tao lên chơi nhân thể”. Tôi cám ơn, anh mắng: “Mày vẽ chuyện”. Tôi theo anh, đi người không mà vẫn chậm hơn anh gánh hai thùng nước. Anh là pháo thủ lão luyện trận mạc, nhập ngũ từ năm 68, mới được điều động tăng cường cho tổ anh nuôi. Tôi là lính mới tò te, chỉ biết kỹ thuật bộ binh, chưa biết gì về cao xạ.
Từ Sư đoàn 325 tôi được chia về D12 Cao xạ 37 ly. Một mình, lơ ngơ nên chưa được chia vào khẩu đội nào, bị chỉ huy sai vặt đủ thứ mọi việc. Tuần lễ ấy tôi được điều động giúp anh nuôi hái rau rừng và tìm nước uống cho đại đội. Đuổi theo anh, tôi vừa chạy vừa cười thầm. Tôi nhớ những chuyện rất đáng nghi của anh về người yêu, về “ mùi đời” mà anh cậy nhiều tuổi hơn, hay bịa ra lòe tôi suốt mấy ngày liền. Chỉ mấy phút lơ là, tôi đã thấy bóng anh đã mất hút về phía trận địa.
Đang đi chậm lại, tranh thủ lang thang tìm rau rừng dọc đường, tôi giật mình vì tiếng OV10 bổ nhào. Khói pháo chỉ điểm bùng ra trước, bom sát thương nổ ụp xuống sáng trắng, vỡ trời. Sức ép bom hất tôi vào khe cạn. Hồi sức, tôi định lao lên trận địa thì có tay ai túm chân kéo lại cùng tiếng quát: “Ngu, lên vô nghĩa. Định tự tử à ?”. Bản năng sinh tồn cho tôi hiểu đó chính là tiếng quát của lý trí. Tôi nằm lại, gục mặt tránh đạn, trong đầu xuất hiện mấy hình ảnh: Anh Đê đã nhảy vào mâm pháo. Bom đã xé anh Đê ngay sau tiếng nổ đầu tiên mất rồi! Sau hai trận chiến đấu không cân sức, trận địa C6 của chúng tôi bị hủy diệt hoàn toàn. Trời tối, máy bay địch còn nhào xuống sát mặt đất.
Giấy báo tử |
Đêm ấy, tôi ngồi bên anh như một thằng học trò vô dụng. Anh quằn quại đau đớn mà tôi không thể giúp gì anh. Trên cơ thể anh Đê, băng quấn vết thương ngực thì còn nhưng vết thương mông và bàn chân của anh bung ra hết. Xương bàn chân anh lòi hết ra ngoài. Anh cứ dùng những mẩu xương cụt ấy mà đạp, mà cào vào gỗ thành xe, gây tiếng kêu quèn quẹt, khô khốc. Tôi không đủ sức cản chân đạp của anh, tôi cũng không có gì trong tay ngoài khẩu AK, chỉ biết lắp bắp nói dối: “Không sao đâu, sắp đến trạm rồi, anh sống mà”.
Thoát khỏi cuộc truy đuổi của chiếc C130 trên đầu, chúng tôi thay nhau cõng anh cùng hơn chục đồng đội vào hầm cứu thương. Bàn giao cho trạm quân y, chia tay anh, tôi vẫn nghe sau lưng tiếng anh gọi mẹ. Không biết đó có phải là tiếng gọi cuối cùng. “Mẹ ơi”! Tiếng anh kêu cứu hay tiếng anh chào vĩnh biệt? Tôi không hiểu, nhưng hai tiếng ấy cứ vang mãi gần 50 năm nay, không tắt hẳn trong lòng tôi, vang như tiếng chim cuốc cuốc đập vào vách đá, âm vang…
Chiều nay, cố lần cuối cùng, tôi đã bắt liên lạc được với anh Hoàng - Phó Chủ tịch xã Hà Ngọc. Một giờ sau, Phó Chủ tịch Tuấn, vốn là sỹ quan quân đội, đã lập tức tìm kiếm, kết nối thông tin, gửi cho tôi qua đường facebook những tấm ảnh chụp một số giấy tờ, đặc biệt là tấm ảnh thờ và Giấy báo tử của Sư đoàn 308. Tôi chưa biết ngày nào (và sẽ cùng ai) về Hà Ngọc thắp hương dâng bàn thờ anh, ngắm những bãi ngô sông Lèn năm 1972 anh vẫn xuýt xoa mô tả. Ngày 24/7 này tôi sẽ vào Quảng Trị viếng mộ anh và các liệt sỹ đại đội. Nếu đồng đội nào viếng Nghĩa trang Đường 9, nếu đủ thời gian, hãy thắp thêm cho anh nén hương tại số mộ 141, hàng thứ 7, khu A - Thanh Hóa, có dòng chữ đỏ như đang còn rỉ máu: VŨ VĂN ĐÊ.