“Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”

(PLVN) - Am hiểu sâu sắc và có lòng tin mãnh liệt vào phương pháp bảo vệ sức khỏe bằng tập luyện thể dục thể thao, Bác Hồ khuyên mỗi người dân: “Ngày nào cũng tập, khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe…”.
Bác Hồ rèn luyện thể dục thể thao.
Bác Hồ rèn luyện thể dục thể thao.

Lời Người nói đã hơn nửa thế kỷ nhưng lại rất gần với định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày nay về sức khỏe:“Sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải là chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế”. 

Di sản quý báu Người để lại

Trưng bày chuyên đề: “Hồ Chí Minh -  Những nét phác họa chân dung” vừa khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020). Trong lần trưng bày này, bộ dụng cụ tập thể dục thể thao (TDTT) của Bác đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người xem.

Bộ dụng cụ gồm 1 quả bóng tennis màu xanh; 1 đôi tạ tay gỗ hai đầu tròn, sơn xanh cổ vịt; 1 đôi tạ tay kim loại có lò xo, màu ghi đen; 1 dụng cụ luyện cơ tay kim loại có 3 dây lò xo dài ở giữa, tay cầm sơn màu xanh lá cây và 1 dụng cụ bóp tay có lò xo kim loại, tay cầm bằng gỗ màu nâu cánh gián.

Theo thông tin từ Bảo tàng Hồ Chí Minh thì giữa năm 1966, sau chuyến thăm Thái Bình, Bác bị liệt nửa người. Đây chính là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sức khỏe của Bác đã bắt đầu suy giảm. Trước tình hình này, Bộ Chính trị đã quyết định đưa Bác sang Trung Quốc nghỉ ngơi và chữa bệnh định kì hàng năm. 

Sau đợt dưỡng bệnh từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 6/1967, bộ dụng cụ tập TDTT  đã được Người mang về nước. Những dụng cụ này được đặt trên một chiếc bàn gỗ nhỏ, bên dưới gầm của nhà sàn để tiện cho việc luyện tập của Bác. Lúc còn yếu, Người sử dụng các dụng cụ tập tay trong nhà.

Khi sức khỏe đã khá hơn, Người bắt đầu tập đi bộ, tăng dần khoảng cách và tập leo núi trở lại. Với mong muốn sớm được vào thăm đồng bào miền Nam, Bác vẫn cố gắng duy trì thói quen luyện tập hàng ngày.

Với nhận thức “Sức khỏe là tài sản quý giá nhất, không có gì có thể so sánh được”, ngay từ khi làm thầy giáo tại Trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận), ông giáo Nguyễn Tất Thành đã không chỉ dạy văn hóa đơn thuần mà còn khéo léo tuyên truyền lòng yêu nước cho con trẻ và thầy cũng dạy học trò tập luyện TDTT.

Sáng sáng, thầy giáo Thành thường dẫn học trò ra bờ sông hay bãi biển để tập thể dục. Thầy giáo Thành tập thể dục bằng cách đi bộ hàng giờ trên các đường phố của thị xã Phan Thiết đề vừa ngắm cảnh vừa rèn luyện thân thể.

Tháng 1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác từ Trung Quốc trở về nước và lưu lại trong vùng rừng núi Cao Bằng. Lúc ở hang Pắc Pó, lúc ở lán Khuổi Nậm hay khi vào vùng rừng núi căn cứ du kích Lam Sơn, Bác luôn duy trì nếp ăn, ở, sinh hoạt, học tập đều đặn. Bác có thói quen tránh ăn quá no, rèn luyện thân thể vào buổi sáng, không ngủ trưa. Còn buổi chiều Người đi làm vườn, vác củi cho đồng bào trong xóm... 

Khi về Hà Nội thời kỳ 1945 - 1946, mặc dù công việc bề bộn, Bác vẫn giữ nếp dậy sớm tập thể dục. Theo hồi ức của các bậc lão thành có dịp tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang  Paris năm 1946 với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, Bác Hồ vẫn dậy sớm tập thể dục mỗi ngày…

Luôn quan tâm đến sự nghiệp thể thao nước nhà

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của TDTT đối với sức khỏe của mọi người và sự phồn thịnh của đất nước, chỉ gần 5 tháng sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, trong thế nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn, với bộn bề công việc cấp bách phải giải quyết, trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ vẫn hết sức quan tâm sự nghiệp TDTT với việc ký Sắc lệnh số 14-SL ngày 30/1/1946, thành lập Nha Thể dục Trung ương - bộ máy đầu tiên của ngành TDTT cách mạng nước ta. Sau đó ít ngày, trường thể dục ra đời và đặt cơ sở tại căn nhà ở đường Cột Cờ (Hà Nội).

Để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, 2 tháng sau, vào ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký Sắc lệnh số 33 thành lập Nha Thanh niên - Thể dục thuộc Bộ Quốc gia giáo dục, là cơ quan tham mưu của Chính phủ về TDTT, điều chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ trước cách mạng tháng Tám. 

Cùng ngày, Người viết trên báo Cứu Quốc: “Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi một người yêu nước... Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”. Trong lời kết thúc bài kêu gọi toàn dân tập thể dục, Bác nêu: “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”.

 Hoạt động TDTT thường ngày của Bác từ khi còn là ông giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại Trường Dục Thanh đến khi là Chủ tịch nước Việt Nam là minh chứng về một tấm gương luôn xem việc rèn luyện sức khỏe là lẽ sống, là điều hiển nhiên cần làm.

Ngày 19/12/1966, khi tiếp các đoàn vận động viên, đoàn thể thao Việt Nam tham dự GANEFO châu Á thắng lợi trở về (có các danh thủ Trần Oanh – bắn súng, Trần Hữu Chỉ – điền kinh, Vũ Thị Sen – bơi lội…), Bác đã căn dặn: “Đánh giặc Mỹ gian khổ, khó khăn như vậy, nhưng quân và dân ta có quyết tâm đánh thắng. Các cháu phải quyết tâm đặt thành tích, cao hơn nữa. Muốn vậy phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong tập luyện và thi đấu, phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng là những vận động viên của dân tộc anh hùng”.

Thực hiện lời Bác dạy, đông đảo đồng bào và chiến sĩ cả nước luôn hăng hái luyện tập TDTT. Từ năm 1991, ngày 27/3 hàng năm đã chính thức trở thành Ngày Thể thao Việt Nam. Sự quan tâm của Bác đã tạo nên một nền thể thao Việt Nam mang tính hiện đại, khoa học, tiên tiến và giàu bản sắc dân tộc, đồng thời thành quả ấy đã tạo nên vị thế của thể thao Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. 

Đọc thêm