Tôn vinh di sản của 'Y thánh Việt Nam'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhằm khẳng định cống hiến to lớn của đại danh y với ngành y học, văn học, văn hóa, lịch sử của Việt Nam và thế giới, Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam mới đây đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện Triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”.
Bộ mộc bản sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có niên đại năm 1885, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2021.
Bộ mộc bản sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có niên đại năm 1885, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2021.

Nam dược trị nam nhân

Trong ngành y học Việt Nam trải qua mấy ngàn năm, có “ngôi sao sáng” mà mỗi khi nhắc đến tên tuổi của ông, chúng ta không thể nào quên bộ sách thuốc quý giá có một không hai trong kho tàng y học cổ truyền của dân tộc. Đó là bậc Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với bộ sách “Y tông tâm lĩnh”.

Đại danh y Lê Hữu Trác hiệu Hải Thượng Lãn Ông, sinh ra trong một gia đình có 6 tiến sĩ (quê tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) với dòng họ hiếu học, khoa bảng và truyền thống văn hóa đặc sắc của hai vùng quê Hưng Yên và Hà Tĩnh. Từ đó góp phần hun đúc nên tâm hồn, trí tuệ, tài năng và nhân cách của Lê Hữu Trác.

Cuộc đời ông phần nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), đây cũng là giai đoạn mà ông có duyên nghiệp với nghề y, hành nghề bốc thuốc.

Với trí tuệ uyên bác về y học, ông đã nhanh chóng nâng tầm về y đức, y lý, y thuật và dược học đương thời lên tầm cao mới, thành học thuật kinh điển với phương châm “Nam dược trị nam nhân”. Trí tuệ uyên bác của ông đã tạo ra những chuẩn mực đạo đức cho ngành Y, trong đó có “Chín điều Y huấn cách ngôn”, được coi như “lời thề Hippocrates” của Đông y.

Sau nhiều thập kỷ tận tụy với nghề y, Hải Thượng Lãn Ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ; tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc; kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc.

Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như: “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn “Lĩnh Nam bản thảo”, “Thượng kinh ký sự” không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.

Lê Hữu Trác không những là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc. Sau khi mất, ông được Nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”.

Quảng bá những thành tựu của nền y học cổ truyền

Tròn 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024), người được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam, Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Bộ VH,TT&DL phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) từ ngày 25 - 28/12/2024.

Điểm nhấn của Triển lãm giới thiệu đến công chúng một số mộc bản “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh”, trưng bày các cuốn sách có giá trị về y học, văn học, lịch sử và triết học như sách “Thượng kinh ký sự”, “Châu ngọc Cách ngôn”, “Đạo lưu dư vận quyển”, “Y hải cầu nguyên”, “Vận khí bí điển”, “Bào thai thần hiệu diễu ca”, “Lĩnh Nam bản thảo”… Ngoài ra, tại triển lãm có khu trưng bày của các đơn vị y học cổ truyền như Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh và Hội Đông y Hà Tĩnh nhằm phát huy giá trị y lý của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong công tác khám, chữa bệnh.

Trước đó, ngày 20/12, Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản”. Các tham luận của các đại biểu đã đề ra hướng đi mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Lê Hữu Trác; gợi mở những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu như: số hóa di sản Hải Thượng Lãn Ông; xây dựng bảo tàng và không gian văn hóa Lê Hữu Trác gắn với quảng bá, giới thiệu những thành tựu nổi bật của Đại danh y, tạo cơ sở để ứng dụng y học cổ truyền vào y học hiện đại; dịch thuật và chuyển ngữ các công trình của Hải Thượng Lãn Ông sang nhiều ngôn ngữ nhằm giới thiệu, quảng bá những thành tựu của nền y học Việt Nam cho thế giới.

Ngày 21/11/2023, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 42, Hội đồng UNESCO đã chính thức thông qua Nghị quyết với danh sách 53 danh nhân văn hóa, trong đó có Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Việc UNESCO thông qua Nghị quyết trước dịp kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa, y học của Việt Nam và danh nhân.