Bất ngờ đến hoang mang bởi ngày 14/5 trên tất cả các phương tiện truyền thông đều loan tin ông chủ của chuỗi cửa hàng điện thoại di động đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam phục vụ công tác điều tra nên mọi người tin rằng lưới pháp luật đã vây kín ông ta và chỗ ngồi hiện tại của Huy là sau song sắt nhà tù. Thế mà, 5 ngày sau dư luận mới biết là kẻ cầm đầu đường dây tội phạm có tổ chức đã không ở cái nơi mà lẽ ra phải ở đó từ trước rồi.
Một lo ngại rất lớn nữa là các dự án xây dựng "Chính phủ điện tử" của Thủ đô mà ông chủ Nhật Cường đã trúng thầu, đang thực hiện, rất quan trọng và đầu tư bằng tiền ngân sách rồi sẽ ra sao, lấy cái gì để lấp vào “lỗ hổng” này và xuất hiện các “lỗ hổng” khác trong lĩnh vực quản lý, điều hành xã hội và kinh tế ở một trung tâm chính trị hàng đầu trong cả nước.
Việc trốn chạy của Bùi Quang Huy nhằm lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật khiến người ta nhớ lại những cú tẩu thoát trước đây của những tội phạm kinh tế Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh,... Họ đã lần lượt bị bắt lại hoặc ra đầu thú, có những kẻ như Lê Quang Hiếu Hùng trốn truy nã sang tận Cu Ba cũng đã bị dẫn độ về nước vào tháng 3 vừa qua. Như vậy, thân phận của những kẻ trốn chạy khó bề thoát khỏi lưới bủa vây của lực lượng an ninh dù chúng có “lặn” không sủi tăm.
Điều đáng quan tâm là những kẻ trốn chạy pháp luật không phải chỉ nhằm thoát tội cho bản thân họ mà còn tránh liên lụy cho đồng phạm. Chính vì thế mà dư luận thường đặt câu hỏi: Ai đã tiếp tay, báo động và bao che cho các nghi phạm tẩu thoát? Trả lời được câu hỏi này đồng nghĩa vạch mặt những đồng phạm và chủ mưu.
Những người này thường làm mọi cách để một đầu mối bị lộ trốn đi là nhằm bịt các chứng cứ, lời khai mà có thể làm lộ diện cả một đường dây tội phạm, ảnh hưởng đến an nguy sinh mạng chính trị của họ. Chạy trốn là một cách tốt nhất để công lý phải dừng bước giữa chừng, làm chậm lại đòn trừng phạt của pháp luật, tạm thời giữ cho sự vi phạm pháp luật nằm trong bóng tối và chờ cơn sóng gió qua đi.
Tuy nhiên, như một câu thành ngữ đã xa xưa nhưng không bao giờ cũ: “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát”!