Nguồn gốc nhà đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa
Theo đơn thư trình bày, căn nhà toạ lạc trên khu đất số 192 NKKN, phường 6, Quận 3, TP HCM đã được ông Thảo mua và đứng tên, có các giấy tờ từ thời đó chứng minh. Năm 1965, ông cho ông Trương Hy và bà Âu Phụng Chí - là tư sản mại bản thuê nhà đất trên để xây chung cư.
Còn ông Thảo tham gia cách mạng, thoát ly lên chiến khu. Ngày 12/7/1968, Toà án quân sự của chính quyền Sài Gòn đã có bản án xét xử vắng mặt, tuyên ông Thảo phạm các tôi “Phản nghịch”, “Âm mưu hành động nguỵ danh hoà bình và trung lập theo chủ trương Cộng sản” và tịch thâu toàn thể tài sản của ông, trong đó có bất động sản số 391 khu Sài Gòn - Độc Lập, tức nhà số 192 NKKN hiện nay.
Sau năm 1975, ông Trương Hy và bà Âu Phụng Chí ra nước ngoài, căn nhà trên được nhà nước quản lý. Năm 1977, UBND TP HCM ra quyết định số 1701/QĐ-UB về việc tịch thu tài sản của ông Hy (trong đó có nhà 192 NKKN).
Năm 1992, UBND TP có quyết định chuyển giao quyền quản lý, sử dụng căn nhà trên cho UBND Quận 5, đến năm 1998, căn nhà tiếp tục được giao cho Cty Xây dựng - Thương mại Sài Gòn 5 lập dự án đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng. Hiện nay, nhà đất 192 NKKN được giao cho Cty cổ phần địa ốc Kỷ Nguyên làm chủ đầu tư, thực hiện dự án “Khu chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ”.
Sự việc bế tắc?
Khi Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn giải phóng, luật sư - nhà cách mạng Trịnh Đình Thảo từ vùng giải phóng trở về, mong mỏi trở lại sinh sống tại căn nhà mà ông đã mua từ năm 1939 nhưng không được giải quyết.
Khi còn sống, ông cũng đã theo đuổi sự việc, liên tục khiếu nại tới các cơ quan từ TP HCM đến trung ương. Sau khi ông Thảo mất (năm 1986), đến lượt con trai ông là Trịnh Đình Trí và hiện là cháu nội ông Thảo - Trịnh Đình Đức, vẫn kiên trì gửi đơn xin trả lại nhà.
Khu nhà đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa của luật sư Trịnh Đình Thảo, hiện được Công ty CP địa ốc Kỷ Nguyên xây dựng toà cao ốc 18 tầng. |
Ngày 11/10/1993, Văn phòng Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó có văn bản cho biết vụ gia đình ông Thảo đòi lại căn nhà 192 NKKN đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc bấy giờ) “rất quan tâm” và “sẽ đôn đốc việc giải quyết của UBND TP HCM”, “xem xét giải quyết có tình, có lý”...
Ngày 31/3/2011, Văn phòng Chính phủ có công văn số 1976/VPCP-KNTN, gửi Chủ tịch UBND TP HCM, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (lúc bấy giờ), yêu cầu: “Chủ tịch UBND TP HCM xem xét, đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp, có lý có tình đối với gia đình cố luật sư Trịnh Đình Thảo”.
Tiếp đó, ngày 10/6/2013, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn đề nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, xem xét, giải quyết. Tuy nhiên đến nay, gia tộc LS Trịnh Đình Thảo vẫn không đòi được nhà đất 192 NKKN. Và đến nay thì nhà đất 192 NKKN đã thuộc quyền quản lý của Cty cổ địa ốc, tạo lạc tại khu đất là toà cao ốc 18 tầng.
Theo gia đình cố luật sư Trần Đình Thảo, dù có không ít chỉ đạo từ các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Chính phủ, về việc giải quyết căn nhà 192 NKKN cho “có tình, có lý”; song, suốt những năm qua, UBND TP HCM vẫn cương quyết bác đơn đòi nhà của gia đình ông Trịnh Đình Thảo.
Gia đình ông Thảo cũng chỉ ra rằng pháp luật cũng đã có những quy định rõ ràng về các trường hợp được trả lại nhà. Cụ thể, Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ, Chỉ thị số 239-CT ngày 9/9/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thông tư số 04-BXD/XDCB/DT ngày 12/10/1990 của Bộ Xây dựng, về chính sách quản lý và cải tạo XHCN đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh phía Nam, đã quy định rõ “một số trường hợp đặc biệt xét trả lại nhà cho tư nhân”...
Thông tư 04 của Bộ Xây dựng quy định “... 2.Những trường hợp đặc biệt được xét trả lại nhà: 2.1. Chủ nhà là cán bộ cách mạng, trước đây hoạt động trong bộ máy cai trị của nguỵ quân, nguỵ quyền và đảng phái phản động, có nhà bị chính quyền địa phương quản lý theo chính sách... 2.2. Chủ nhà đi tham gia cách mạng, do yêu cầu công tác phải vắng mặt ở địa phương, nhà cửa bị chính quyền địa phương quản lý theo diện “nhà vắng chủ”. Đến nay, đã được Chủ tịch UBND tỉnh xác nhận nguyên nhân của nhà vắng mặt đúng với lý do nêu ở trên”...
Áp dụng sai chủ thể sở hữu nhà đất
Ngày 19/12/1977, UBND TP HCM đã ban hành quyết định số 1701/QĐ-UB tịch thu tài sản của nhà tư sản mại bản là vợ chồng ông bà Trương Hy - Âu Phụng Chí, trong đó có căn nhà số 192 NKKN. Theo gia đình ông Thảo, Quyết định 1701 này đã áp dụng sai hoàn toàn đối tượng chủ thể sở hữu căn nhà 192 NKKN, bởi trên thực tế, chủ sở hữu thực tế căn nhà 192 NKKN chính là luật sư Trịnh Đình Thảo.
Việc áp đặt căn nhà của luật sư Thảo thành nhà của tư sản mại bản Trương Hy là sai đối tượng chủ thể sở hữu căn nhà. Từ đây, dẫn tới hàng loạt vi phạm sau này, khiến vụ đòi nhà kéo dài nhiều thập niên...