Nhập viện cấp cứu sau 1 ngày bị tạm giữ
Bà Nguyễn Thị Ái (SN 1971, quê Nghĩa Đàn, Nghệ An) vẫn đang chờ đợi câu trả lời xác đáng từ phía công an TP HCM về cái chết của con trai bà. Theo đó, anh Phạm Ngọc Nhung (SN 1991, là nhân viên kỹ thuật trường Cao đẳng Kinh tế TP. HCM) bị công an phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, tạm giữ tại trụ sở để điều tra trong vụ đánh nhau mà anh Nhung được cho là có liên quan. Tuy nhiên, sau 1 ngày bị tạm giữ, anh Nhung nhập viện và tử vong.
Theo lời của người thân anh Nhung, vào ngày 15/1, nhận được điện thoại của người bạn anh Nhung báo tin “nghe nói Nhung bị tai nạn nhập viện nhưng không biết ở đâu”. Gia đình lập tức cho người đi tìm kiếm và liên tục gọi vào số máy của anh Nhung nhưng không liên lạc được. Lo lắng chuyện không lành, chia nhau đi tìm và cố gắng gọi điện nhưng qua 2 ngày vẫn không rõ tung tích.
“Đến khoảng 20h tối ngày 17/1, khi đang tìm kiếm ở quận 1, tôi gọi vào số máy của Nhung thì nghe tiếng đổ chuông và một người tự xưng là công an bắt máy. Người này nói Nhung đã chết do bị té ngã từ trên mái nhà xuống. Người này yêu cầu gia đình liên lạc với Điều tra viên ở quận 1 để làm việc và nhận thi thể. Tôi liên lạc với Điều tra viên qua số điện thoại theo tin nhắn của người công an kia để hẹn gặp”, anh họ nạn nhân kể.
Sáng 18/1, gia đình anh Nhung đến công an quận 1 làm việc và được yêu cầu nhận thi thể về mai táng. Theo lời người thân, công an chỉ giải thích sơ sài là anh Nhung có liên quan đến vụ đánh nhau, bị người dân truy bắt dẫn đến té ngã làm chấn thương sọ não.
Gia đình không đồng ý nhận thi thể và yêu cầu làm rõ sự việc. Họ được cung cấp thông tin cụ thể hơn như sau: Vào khoảng 9h30 ngày 15/1, anh Nhung và nhóm bạn có xảy ra đánh nhau với một người dân. Sau đó, bị đuổi bắt, anh Nhung bỏ chạy trèo lên mái nhà nhưng bị té xuống đất và bị bắt giữ tại số nhà 117 đường Nguyễn Thái Học, phường Cầu Ông Lãnh.
|
Một vết thương ở mặt của anh Nhung (Hình do gia đình cung cấp) |
Công an tạm giữ anh Nhung chung với Lâm (bạn anh Nhung đã bị bắt trước đó trong cùng sự việc) cùng một phòng và toàn bộ các phòng của công an phường đều có camera theo dõi. Ngày 15/1, công an phường tiến hành tạm giữ và có lấy lời khai anh Nhung. Lúc này, công an thấy anh Nhung có dấu hiệu mệt mỏi. Vì anh Nhung có hành vi đánh người nên phường phải chờ người bị đánh (được xác định tên là Ẩn) lên khai báo để giải quyết.
Đến khoảng 8h30 ngày 16/1, công an thấy anh Nhung có những biểu hiện khác thường như nôn ói, tiểu ra quần, ngất xỉu nên đưa đến bệnh viện Sài Gòn cấp cứu. Sau đó bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến bệnh viện 115 để điều trị. Đến khoảng 22h50 cùng ngày, anh Nhung tử vong.
Phía công an TP HCM trả lời với bà Ái về nguyên nhân cái chết của anh Nhung là do bị chấn thương sọ não do vật tày gây ra. Ngoài ra, trên lưng nạn nhân có 9 vết thương, gãy 2 xương sườn, gãy xương quai hàm dưới bên trái. Tuy nhiên, bà Ái cho rằng chỉ được phép nghe công an đọc chứ không được nhận biên bản liên quan.
Bà Ái nói: “Có rất nhiều điều đáng ngờ. Tại sao khi bắt, trên người Nhung có giấy tờ tùy thân, có điện thoại nhưng công an không liên lạc với gia đình hoặc nhà trường hoặc nơi tạm trú của Nhung. Thứ hai, sau khi Nhung chết, gần 2 ngày sau mới khởi động điện thoại. Khi mở máy lên, công an cho rằng đã khám nghiệm tử thi. Nhưng khi gia đình tôi tiếp cận thi thể Nhung thì vẫn còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu mổ xẻ”. Bà Ái yêu cầu phải khám nghiệm tử thi lại để làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết của con mình.
Bị đánh trước khi đưa về trụ sở công an?
Theo một người đàn ông bán hàng nước tại vỉa hè gần hiện trường, khi bỏ chạy sau khi có hành vi đánh người, anh Nhung chạy vào một trường học và nhảy từ lầu 1 xuống nhà kho của trường, leo qua mái nhà một người dân rồi nhảy xuống đất đi bộ. Lúc đó có người thấy anh Nhung từ mái nhà leo xuống, nghi ngờ là kẻ trộm nên dò hỏi. Nghe hỏi, anh Nhung liền bỏ chạy khỏi hẻm ra đường Nguyễn Thái Học. Phía sau, một số người dân đuổi theo và hô “cướp”.
Anh Nhung chạy được một đoạn thì bị hai bảo vệ tại một siêu thị nhỏ ngáng chân, xông đến giằng co, bắt giữ. Người bán hàng nước cho biết khi ông nghe ồn ào, chạy đến thì thấy anh Nhung đã nằm bất tỉnh trên vỉa hè và xung quanh có nhiều người. Người này đỡ anh Nhung dậy và hỏi thông tin thì thấy anh Nhung có biểu hiện lớ ngớ, không trả lời. Ngay lúc đó, công an đến và dẫn anh Nhung đi.
Theo lời bà Ái, ngày 21/1, bà được mời làm việc và nhận thông tin đã bắt được 2 người đánh chết anh Nhung. Bà Ái nói: “Nghe tin, tôi rất mừng, dù gì cái chết của con tôi cũng được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, đến ngày 23/1, tôi lại nhận tin công an đã thả hai người bảo vệ. Camera đường phố chỉ ghi được cảnh hai bảo vệ này ôm Nhung lại chứ không hề đánh nên không đủ chứng cứ nói họ đánh”.
“Con tôi bị té chết hay bị ai đánh chết, tôi chưa dám khẳng định vì đến nay vẫn chưa có kết luận nào hoặc giấy tờ liên quan. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng làm rõ nhưng vấn đề sau: Con tôi có đánh nhau hay không và đánh với ai? Con tôi bị tạm giữ tại sao không thông báo với gia đình tôi?
|
Địa điểm nơi anh Nhung bị bắt giữ |
Phía công an trả lời là con tôi bất hợp tác và không chịu mở điện thoại nhưng tại sao con tôi chết được 2 ngày thì công an mới mở điện thoại và không chủ động liên lạc với gia đình chúng tôi? Con tôi chết vì nguyên nhân nào? Những vết thương trên người do ai, vật gì gây ra?”, bà Ái nói.
Theo tìm hiểu, mẹ con bà Ái sống nương nhờ vào nhau từ khi anh Nhung còn nhỏ, khi bố anh Nhung đã bỏ đi. Bà Ái làm thuê nuôi con ăn học. Do hoàn cảnh khó khăn, bà Ái xin ở nhờ một ngôi chùa tại TP HCM để chờ đợi kết quả điều tra và chuẩn bị đưa thi thể con về quê an táng.