Kiện đòi ngân hàng trả lại giấy tờ nhà
Tại đơn khởi kiện, nguyên đơn là bà Hồ Xuân Viên trình bày: Tháng 7/2011 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Bến Thành (gọi tắt là Ngân hàng) và công ty cổ phần xuất nhập khẩu Minh Đạt (gọi tắt là công ty Minh Đạt) có ký kết Hợp đồng tín dụng về việc cho công ty vay số tiền 38 tỷ đồng để bổ sung vốn sản xuất kinh doanh; thời hạn vay 12 tháng.
Để đảm bảo cho khoản vay, bà Hồ Xuân Viên đã ký 2 hợp đồng thế chấp tài sản bên thứ ba là căn nhà trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) và nhà đất ở phường Thảo Điền (quận 2). Ngân hàng giữ toàn bộ giấy tờ bản chính của các căn nhà được dùng thế chấp nêu trên.
Hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và công ty Minh Đạt được hai bên tất toán vào tháng 2/2012. Sau đó ngân hàng và công ty Minh Đạt tiếp tục ký tiếp hợp đồng tín dụng mới để cho công ty vay 80 tỷ đồng. Lần này phía Ngân hàng vẫn tiếp tục dùng 2 tài sản trên của bà Xuân Viên để đảm bảo hợp đồng tín dụng mới nhưng không ký lại hợp đồng thế chấp mới và cũng không có sự đồng ý của bà.
Do đó khách hàng cho rằng hành vi của ngân hàng là vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình, từ đó nguyên đơn yêu cầu TAND tuyên hợp đồng thế chấp tài sản bên thứ 3 đã năm 2011 hết hiệu lực. Đồng thời, buộc ngân hàng trả lại bà toàn bộ giấy tờ bản chính của hai căn nhà.
Phía ngân hàng xác nhận việc vay nợ ban đầu giữa Ngân hàng và công ty Minh Đạt đúng như nguyên đơn trình bày. Tuy nhiên theo ngân hàng: quá trình vay công ty Minh Đạt đã trả và số dư nợ còn lại khoảng 10 tỷ đồng. Đại diện ngân hàng giải thích: tháng 2/2012, Ngân hàng và Minh Đạt ký hợp đồng tín dụng mới là một biện pháp nghiệp vụ thông thường. Việc này nhằm xác định và điều chỉnh một hạn mức tín dụng mới để công ty có thể tiếp tục nhận nợ vay năm 2012. Cũng theo bị đơn, thời điểm ký hợp động tín dụng mới, nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng cũ vẫn chưa hết hạn.
Theo ngân hàng : trong hợp đồng mới cũng nói rõ công ty Minh Đạt chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, điều này được ghi rõ trong hợp đồng: “Dư nợ trong hợp đồng tín dụng cũ sẽ được chuyển qua hợp đồng tín dụng mới”.
Vì vậy, bị đơn cho rằng hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ 3 năm 2011 chỉ chấm dứt hiệu lực khi công ty Minh Đạt hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ trả nợ (gồm: nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn…). Tuy nhiên hiện nay, công ty Minh Đạt vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng trên. Từ những cơ sở trên, phía ngân hàng không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Vì sao tòa không chấp nhận giải thích của ngân hàng?
Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 6/2017, TAND quận 3 nhận định: xét thấy với các nội dung các bên thỏa thuận, có cơ sở xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng mới thì hai bên đã thanh lý hợp đồng tín dụng cũ. Hình thức thanh lý là mang toàn bộ dư nợ của Hợp đồng tín dụng cũ thành một phần dư nợ của Hợp đồng tín dụng mới.
Đối với trình bày của bị đơn rằng ký lại hợp đồng chỉ là một biện pháp nghiệp vụ của Ngân hàng để điều chỉnh mức tín dụng chứ không phải tất toàn thanh lý hợp đồng cũ, HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng: Trong hợp đồng đầu tiên các bên thỏa thuận:
“Khi một trong hai bên có sự thay đổi nội dung điều khoản nào của Hợp đồng này thì gửi đề xuất tới bên kia bằng văn bản. Nếu bên kia chấp nhận, hai bên sẽ lý phụ lục Hợp đồng để bổ sung thay đổi điều khoản đó”.
Theo viện dẫn này, khi điều chỉnh hạn mức tín dụng hai bên chỉ lập phụ lục Hợp đồng mà không ký hợp đồng mới. Tuy nhiên, trong trường hợp này phía Ngân hàng và công ty lại ký mới hợp đồng.
Ngoài ra TAND quận 3 nhận định: theo như trình bày của Ngân hàng thì cùng một số tiền vay mà người vay phải ghi nợ tại hai hợp đồng tín dụng khác nhau với mức lãi suất và thời hạn vay khác nhau là thiếu cơ sở để chấp nhận. Do đó, HĐXX cho rằng giải thích của phía ngân hàng là không có cơ sở để chấp nhận.
Tòa cấp sơ thẩm xác định, tại thời điểm ký kết Hợp đồng tín dụng mới thì Hợp đồng tín dụng cũ đã được thanh lý hoàn toàn là phù hợp. Từ đó kết luận, 2 hợp đồng thế chấp nêu trên đều đảm bảo 1 phần nghĩa vụ trả nợ của công ty Minh Đạt đối với khoản vay tại Hợp đồng tín dụng cũ. Tuy nhiên, Hợp đồng tín dụng này đến nay đã mất hiệu lực, dư nợ của Hợp đồng tín dụng này đến nay không còn vì đã được bên vay và bên cho vay thỏa thuận mang sang thành dư nợ của Hợp đồng tín dụng mới.
Từ những căn cứ nêu trên TAND quận 3 tuyên: Buộc Ngân hàng phải làm các thủ tục để xóa thế chấp và hoàn trả lại cho nguyên đơn là bà Hồ Xuân Viên toàn bộ giấy tờ bản chính của hai căn nhà.
Được biết, Ngân hàng đã kháng cáo, TAND đã mở phiên xử phúc thẩm nhưng sau đó đã quyết định hoãn phiên tòa để phía Ngân hàng có thời gian thu thập thêm chứng cứ.