TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An sẽ “liên thông” vùng đi lại?

(PLVN) -  Chiều 28/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Tổ công tác đặc biệt tại TP HCM họp với các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên về giải pháp phối hợp kiểm soát dịch bệnh, bàn phương án đi lại của người dân khi TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An từng bước mở cửa sau 30/9.
Phó Thủ tướng kiểm tra điểm lấy mẫu xét nghiệm tại Dĩ An (Bình Dương) sáng 28/9.

Tiếp tục giữ cơ chế kiểm soát đi lại giữa khu vực với các tỉnh

Lãnh đạo 4 địa phương gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An cho biết đã từng bước kiểm soát dịch bệnh và mở lại hoạt động sản xuất nhờ sự giúp đỡ của các tỉnh thành, chi viện của Trung ương cũng như nỗ lực của từng địa phương.

Khi TP HCM và các tỉnh từng bước mở lại an toàn, các địa phương sẽ tính đến việc đón một lượng công nhân trở lại làm việc nên cần sự phối hợp và tạo điều kiện lẫn nhau.

Riêng với người dân các tỉnh đang ở TP HCM, chính quyền vận động bà con tiếp tục ở lại TP và cam kết đảm bảo an sinh, tiêm vaccine và nỗ lực để sớm khôi phục sản xuất, đưa cuộc sống bình thường trở lại.

Ý kiến chuyên gia cho rằng tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên vaccine cho khu vực này để đời sống được quay lại bình thường.

Theo ý kiến của các chuyên gia, từ khi dịch bệnh bùng phát, các tỉnh đều hợp tác với TP HCM rất chặt chẽ vì lực lượng lao động của TP này phần lớn ở các tỉnh. Thời gian qua, một số người dân có nhu cầu về quê nhưng được động viên ở lại TP. Những trường hợp cá biệt hoặc thực sự cần thiết được tạo điều kiện cho về và được lo chu đáo.

Đặc biệt, ý kiến tại cuộc họp phản ánh thực tế một số ít người dân tự phát đi về khiến các địa phương rất vất vả và làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Bởi nhiều tỉnh hiện có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, hệ thống y tế không đủ mạnh, lực lượng mỏng nên nếu dịch bùng phát rất nguy hiểm.

Vì vậy, các tỉnh mong muốn TP HCM từng bước kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng bên trong nhưng bên ngoài vẫn nên kiểm soát chặt chẽ, do khu vực này còn rất nguy hiểm.

Đại diện các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên thống nhất kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo sau 30/9 tiếp tục giữ cơ chế kiểm soát người ra vào, đi lại giữa khu vực TP HCM và Đồng Nai, Bình Dương, Long An với các tỉnh còn lại như hiện nay; không để người dân từ 4 tỉnh thành này tự phát đi về các địa phương.

Riêng trong khu vực 4 tỉnh, thành gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thì khi dần trở lại sản xuất sẽ tạo điều kiện để người dân có thể đi trong khu vực.

Nhắc đến chủ trương ưu tiên và dồn vaccine cho một số tỉnh phía Nam, các ý kiến lưu ý ở nhiều nước dù được tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có thể lây lan, nên việc đi lại giữa các tỉnh vẫn cần được kiểm soát, người dân khi về các tỉnh vẫn cần cách ly nghiêm ngặt.

Các ý kiến cho rằng việc ưu tiên vaccine cho TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An cùng các tỉnh xung quanh trong khu vực nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động giao lưu, qua lại. Chuyên gia nhấn mạnh khi có đủ vaccine và tiêm hết mũi 1 rồi mới có thể tạo điều kiện cho bà con đi lại.

Nới lỏng dựa trên nguy cơ từng khu phố, tổ dân phố

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện phòng, chống COVID-19 (Tổ Công tác) đã làm việc với Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP HCM về công tác phòng, chống dịch; góp ý dự thảo Chỉ thị điều chỉnh các biện pháp thích ứng, kiểm soát dịchCOVID-19 và phục hồi kinh tế từ ngày 1/10.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết đến nay tình hình dịch bệnh được cải thiện qua từng ngày qua khi chỉ số ca nhiễm mới, ca chuyển nặng, số ca tử vong đều giảm đáng kể. Trong 5 ngày trước đó, TP đã thực hiện đợt xét nghiệm diện rộng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng với tinh thần thần tốc, đồng loạt. Trung bình, mỗi ngày TP lấy mẫu xét nghiệm khoảng 2 triệu mẫu. Đến nay, 100% số dân ở vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ), nguy cơ cao (vùng cam) đã được xét nghiệm theo đúng hướng dẫn là 2 ngày/lần, 100% hộ dân ở vùng nguy cơ (vùng vàng), an toàn (vùng xanh) lấy mẫu đại diện 3 lần/ngày. Dự kiến TP hoàn thành đợt xét nghiệm diện rộng trước 30/9.

Hiện TP tập trung tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người trên 50 tuổi, những người tham gia các hoạt động kinh tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các quận, huyện, Thủ Đức đang khẩn trương hoàn thiện danh sách và chi trả tiền hỗ trợ đợt 3; cấp phát lương thực, thực phẩm… cho người dân.

Ông Mãi cũng thông tin về một số nội dung chính của dự thảo Chỉ thị điều chỉnh các biện pháp thích ứng, kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế từ ngày 1/10.

Cụ thể, TP dự kiến áp dụng các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với mức độ nguy cơ trên địa bàn toàn TP, đồng thời dựa trên đánh giá nguy cơ đến phường, xã, quận, huyện… và từng khu phố, tổ dân phố để có biện pháp nới lỏng hay siết chặt giãn cách phù hợp hơn.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng không nên coi TP HCM như một tỉnh, thành phố bình thường, vì vậy, cần đánh giá nguy cơ ở cấp độ quận/huyện và đến tận cấp độ phường/xã, tổ dân phố để áp dụng các biện pháp nới lỏng, mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh tương ứng, chứ không áp dụng chung trên toàn TP.

Việc kiểm soát di chuyển của người dân TP sẽ thực hiện thông qua quét mã QR cá nhân. TP tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát ra, vào TP; xét nghiệm định kỳ, thường xuyên tại tất cả các vùng nguy cơ…

TP sẽ tiếp tục duy trì mô hình điều trị 3 tầng, củng cố lại mạng lưới y tế cơ sở; lập khu điều trị riêng biệt F0 tại các bệnh viện tuyến quận, huyện; chuẩn bị lực lượng tiếp cận, tập huấn, chuyển giao tại các trung tâm hồi sức cấp cứu; huy động lực lượng y tế tư nhân… “Khi mở cửa ra, trụ cột y tế phải được chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, mô hình tổ chức, phương thức hoạt động…”, ông Mãi cho hay.

Lãnh đạo TP cũng đưa ra một số đề xuất đặc thù để từng bước mở lại các hoạt động kinh tế, đồng thời có thêm thời gian nhằm đạt được đầy đủ các tiêu chí theo Hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với COVID-19 của Bộ Y tế sắp được ban hành.

Ưu tiên phục hồi hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp lớn

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu Chỉ thị phải quán triệt phương châm tăng cường kiểm soát dịch bệnh, điều chỉnh tích cực, từng bước khôi phục vững chắc hoạt động sản xuất kinh doanh, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới.

TP cần sớm đánh giá lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sau đợt xét nghiệm diện rộng vừa qua theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ đó, xác định năng lực xét nghiệm, mức độ lây nhiễm ở các vùng nguy cơ.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế dành cho phần lớn các tỉnh thành có quy mô trung bình trên 1 triệu dân, vì vậy, những đề xuất mang tính chất đặc thù của TPHCM cần phải tính toán, phân tích đầy đủ tình hình của đô thị hơn 10 triệu dân, tỷ lệ bao phủ vaccine, năng lực xét nghiệm, điều trị, ý thức của người dân trong thực hiện giãn cách, các biện pháp 5K... Bên cạnh đó, do dịch đã ngấm rất sâu và nặng, nên dù TP mở lại các hoạt động thì vẫn phải thiết lập vành đai an toàn xung quanh khu vực này, kiểm soát chặt người ra vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác.

Chiều qua (28/9), tại cuộc họp báo do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19

TP HCM, ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo cho biết UBND quận Gò Vấp và Phú Nhuận mới đây có báo cáo đánh giá đạt bộ tiêu chí 3979 của Bộ Y tế về kiểm soát dịch. Như vậy, TP HCM đã có 7 địa bàn kiểm soát được dịch, gồm huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, quận 7, Gò Vấp, Phú Nhuận và TP Thủ Đức.

Trong lộ trình mở lại, TP cần tính toán ưu tiên phục hồi hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp lớn, khu công nghệ cao, một số ngành dịch vụ quan trọng… Các doanh nghiệp, kể cả hộ kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm và cần được trao quyền chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh khi hoạt động, trong đó có công tác tổ chức xét nghiệm.

Những vùng xanh, phường xanh có thể xem xét mở lại các hoạt động kinh doanh, sản xuất nếu cả người mua, người bán, người giao dịch đều ở trên cùng địa bàn đã tiêm vaccine. Người làm việc trong những cơ sở sản xuất, kinh doanh cần được xét nghiệm định kỳ theo quy định của Bộ Y tế.

Thời gian tới, TP tiếp tục củng cố năng lực xét nghiệm, xét nghiệm định kỳ, thường xuyên, nhất là những đối tượng có nguy cơ. Việc quy định người dân tự xét nghiệm phải bảo đảm đủ nguồn sinh phẩm xét nghiệm.

Việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh phải xuống đến từng tổ dân phố, khu phố, thậm chí đến hộ gia đình. Hệ thống y tế cơ sở cần được củng cố để theo sát, quản lý sức khỏe từng người dân, từng hộ gia đình. Bất kỳ ai có triệu chứng nguy cơ lây nhiễm phải có nhân viên y tế tiếp cận ngay khi nhận được thông tin, thực hiện xét nghiệm cũng như các biện pháp thăm khám cần thiết, không để chuyển nặng, tử vong.

“TP cần tuân theo các hướng dẫn, mục tiêu, giải pháp lớn, đồng thời phát huy sáng tạo trong từng tình huống, điều kiện cụ thể, tinh thần chủ động của doanh nghiệp, người dân, để từng bước mở lại các hoạt động một cách chắc chắn, an toàn, kiểm soát dịch bệnh bền vững”, Phó Thủ tướng nói.

Đọc thêm