Đầu tiên phải nhắc đến là Dự án Khu đô thị và nhà ở xã hội tại xã Hưng Hòa được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lúc đó là ông Hồ Đức Phớc ký phê duyệt tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 4626 ngày 7/10/2010. Dự án với diện tích được quy hoạch trên diện tích 1.563.398,0 m2, do Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Việt Lào làm chủ đầu tư.
Với các hạng mục: Khu biệt thự, nhà ở xã hội, tổ hợp chung cư cao cấp; khu đất công trình dịch vụ khách sạn, thương mại; Khu công cộng gồm quảng trường trung tâm, trường học, y tế; Khu công viên cây xanh và mặt nước và Khu xử lý nước thải. Tại mục 9 điều 1 có nêu rõ: Sau 18 tháng kể từ ngày được phê duyệt nếu chủ đầu tư không triển khai xây dựng thì UBND tỉnh sẽ hủy bỏ quy hoạch (hoặc thu hồi đất) của Cty để giao cho chủ đầu tư khác sử dụng.
Hay như ngày 25/10/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký Quyết định số 2128 về việc Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị hỗn hợp sinh thái ven sông Lam tại xã Hưng Hòa và xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Chủ đầu tư là Cty TNHH Hà Thành – Thanh Hóa, khu đô thị nằm trên diện tích lập quy hoạch là 103,3707ha.
Được đánh giá là một trong những khu đô thị điểm nhấn quan trọng phía Đông TP Vinh theo quy hoạch đến năm 2020, khu đô thị được xây dựng với các hạng mục khu đất chung cư cao tầng, biệt thự; khu dịch vụ thương mại, khách sạn nhà hàng; khu công viên quảng trường, trường học, y tế, văn hóa; khu sinh thái cây xanh, thể dục thể thao…
Tại mục 3 Điều 2 của Quyết định này cũng nêu rõ: Sau thời gian 12 tháng kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt (hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nếu chủ đầu tư không triển khai xây dựng hoặc xây dựng không đúng tiến độ cam kết thì UBND tỉnh sẽ hủy bỏ quy hoạch (hoặc thu hồi đất) của công ty để giao cho chủ đầu tư khác sử dụng. Tuy nhiên, đến nay đã 8 năm trôi qua, khu đất được quy hoạch xây dựng các dự án nói trên vẫn đang là những bãi đất trống được người dân sử dụng làm hồ nuôi tôm cá tạm bợ chứ không dám đầu tư để chăn nuôi.
Theo ông Lê Văn Thương – Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa, ngoài hai dự án lớn nói trên chưa triển khai thì trên địa bàn còn nhiều dự án khác cũng “án binh bất động” trong một thời gian dài như: Dự án Trường cao đẳng Hàng hải trên diện tích được quy hoạch 24ha; Dự án Cảng Nghệ Tĩnh trên diện tích 5ha (đã tiến hành đền bù); Dự án Nhà máy đóng tàu của Cty CP đầu tư Tiến Nhật trên diện tích 3ha; Dự án Khu du lịch của Công ty Thương mại Nam Bình trên diện tích 4ha; Dự án Nhà tái định cư của Cty Vinaconex trên diện tích 2ha; Dự án đóng tàu của Cty TNHH Lam Hồng với diện tích 4ha (đã đền bù)…
Theo ông Thương thì việc chậm triển khai các dự án lớn, nhỏ trên địa bàn đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, cũng như sự phát triển chung của địa phương. Trong đó, các diện tích hồ nuôi tôm, nuôi cá nằm trong quy hoạch người dân chưa được đền bù vẫn tiếp tục nuôi nhưng không dám đầu tư xây dựng mà chỉ dùng nuôi tạm vì không biết bị thu lúc nào. Cũng như diện tích đất nông nghiệp rơi vào quy hoạch không thể đầu tư lớn để làm các hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ.
Cũng theo ông Thương, diện tích nằm trong quy hoạch của các dự án bị thu hồi trên địa bàn xã chiếm 70% diện tích đất nông nghiệp và bằng 50% diện tích đất của toàn xã. “Mong muốn của địa phương là nếu nhà đầu tư nào có năng lực thì về triển khai sớm, thu hồi đất đền bù cho dân để người dân chuyển đổi nghề nghiệp. Nếu không triển khai được thì trả đất cho dân yên tâm đầu tư sản xuất không kéo dài tình trạng này khiến dân làm kinh tế kiểu “tạm bợ” không hiệu quả. Người dân cũng kiến nghị nhiều lần trong các cuộc họp, xã cũng kiến nghị TP và các cấp nhưng vẫn chưa thấy dự án nào triển khai…”, ông Thương nói.
Chung cảnh ngộ, tại xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc) có 25ha diện tích nằm trong khu quy hoạch của Khu đô thị hỗn hợp sinh thái ven sông Lam, đã tiến hành thu hồi đền bù cho dân nhưng không triển khai. Ông Đặng Văn Phương – Chủ tịch UBND xã Nghi Thái chia sẻ: “Dự án “treo” đã lâu, diện tích đất thu hồi rồi nhưng không triển khai, người dân tiếc đất lại ra canh tác sản xuất. Vừa qua, có đoàn kiểm tra của các sở tiến hành làm việc, về phía Cty hứa sẽ triển khai một số hạng mục vào quý 2/2018 nhưng đến nay quý 4 vẫn chưa có động tĩnh gì. Xã cũng nhiều lần kiến nghị, huyện cũng có ý kiến nhiều nhưng vẫn chưa thấy có gì khởi sắc…”.
Một loạt các dự án lớn được đầu tư là điểm nhấn và cũng tạo một bộ mặt mới cho địa phương được người dân và chính quyền mong đợi, nhưng tất cả chỉ là “bánh vẽ” trên giấy. Thậm chí, các dự án “treo” này còn gây bức xúc, khó khăn cho người dân nằm trong vùng quy hoạch. Phải chăng cần xem lại tính khả thi của các dự án, cũng như năng lực các nhà đầu tư để các dự án không bị “treo” mà không biết đến bao giờ… ?