“Đại dịch” lan tràn xã Thái Học
Vấn nạn tự ý bán đất công ở xã Thái Học, không chỉ phổ biến ở thôn Vạc, mà còn tràn lan khắp các thôn Phủ, Sồi Tó, Phú Khê…
Phải chăng chính những cán bộ xã Thái Học là những người đầu tiên đưa ra khái niệm “đất xen kẹt”, để tự ý lấy đất công bán cho dân làm nhà? Trong hợp đồng không số lập ngày 29/5/2006, Chủ tịch xã Đỗ Văn Mỳ, Kế toán Vũ Đức Phong (sau này là Phó Chủ tịch xã) và cán bộ địa chính lập hợp đồng “giao khoán sử dụng lâu dài 225m2 đất xen kẹt tại khu dân cư lương thực thôn Phủ” cho một hộ dân để lấy số tiền hơn 56 triệu đồng.
Gần bốn tháng sau khi có hành vi vi phạm quy định về quản lý đất đai này, ngày 23/9/2006, Chủ tịch xã Mỳ cùng Phó Chủ tịch xã Phạm Đình Mạch (nay là Chủ tịch xã – NV) đã ra tận thực địa lập biên bản giao đất cho người mua. Diện tích đất này, người mua nay đã làm nhà kiên cố.
Sai phạm trắng trợn hơn nữa, tại trụ sở xã ngày 20/8/2006, vẫn là Chủ tịch xã Đỗ Văn Mỳ, Kế toán Vũ Đức Phong và cán bộ địa chính xã lạm quyền Chủ tịch UBND huyện, lập Hợp đồng số 12/2006/HĐKT “chuyển đổi mục đích sử dụng lâu dài diện tích đất 70m2 tại thôn Sồi Tó” cho một hộ dân, lấy số tiền 135 triệu đồng. Các đối tượng bán đất sai quy định còn hứa hẹn với người mua là “khi nào xã có kế hoạch và được cấp trên đồng ý thì sẽ làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho bên mua”.
Hết sân kho, nhà trẻ, “đất xen kẹt”, các đối tượng quay sang trạm bơm. Theo Hợp đồng không số do Chủ tịch xã Phạm Đình Mạch ký ngày 19/12/2011, các đối tượng lấy “toàn bộ diện tích khuôn viên nhà máy bơm mặt đường 194 thôn Phủ” cho thuê, và “được làm nhà” trong 30 năm, lấy số tiền 45 triệu đồng.
Với những diện tích đất có vẻ “khó ăn” hơn như diện tích 264m2 đất lúa hai vụ tại thửa số 387, thuộc tờ bản đồ số 07, Chủ tịch xã Phạm Đình Mạch và Phó Bí thư xã Phạm Ngọc Mạnh làm Tờ trình (số 34/TTr-UBND ngày 10/10/2011), đề nghị UBND huyện phê duyệt chuyển mục đích làm nhà ở; bất chấp việc diện tích này không nằm trong quy hoạch khu dân cư.
Nạn coi thường pháp luật đất đai tại xã Thái Học nghiêm trọng đến mức như lời cụ Nguyễn Văn Đán, SN 1940 (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thái Học giai đoạn 1985 - 1992, Đảng viên Chi bộ thôn Vạc) cho hay: Kể cả sau khi Chi bộ làng Vạc báo cáo sự việc lên Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh, Trưởng thôn Vạc vẫn tiếp tục bán đất thu hàng trăm triệu đồng.
Cụ Nhữ Đình Vây (SN 1942, Chi bộ thôn Vạc) cho biết sau ngày nhận được những “gáo nước lạnh” khi chống tham nhũng, sức chiến đấu chùng hẳn xuống, lặng im, xót xa.
Một diện tích công ích xã nhận “giao khoán” từ xã đã bị biến thành quán bia. |
Xót xa hơn khi những “trò hề xử lý” của địa phương diễn ra ngay trước mắt. Như cuộc họp “kết luận những sai phạm của Trưởng phó thôn Vạc” ngày 11/12/2014 tại trụ sở UBND xã Thái Học, 100% thành phần tham gia đều là những người trong đường dây bán “chui” đất công: Chủ tịch xã Phạm Đình Mạch, Phó Chủ tịch xã Vũ Đức Phong và Vũ Hồng Tâm, Trưởng thôn Vạc Nguyễn Văn Thắng, Phó thôn Lê Văn Bình và Đỗ Văn Động, ông Nhữ Đình Thắng (cũng chính là người có mặt trong lần “xẻ thịt” nhà trẻ lảng Vạc trước đó - NV).
“Cuộc họp” giữa những người gây ra sai phạm này cuối cùng chỉ đi đến một trong những kết luận mập mờ là trong số hơn 3 tỷ đồng Trưởng thôn Thắng đã thu sau khi bán hàng vạn m2 đất, thống nhất trả lại hơn 300 triệu và chưa tính “giảm trừ một số nội dung chi thực tế”.
Bà Nhữ Thị Nhàn (SN 1972, Chi bộ thôn Vạc) thở dài: “Thực sự đến giờ chúng tôi vẫn không thể hiểu nổi”.
Bí thư Chi bộ thôn Vạc Nguyễn Quang Đoàn nói: “Số tiền sai phạm ấy, đến nay ông Thắng vẫn chưa hoàn trả hết. Trong cuộc họp giữa Thường trực Huyện ủy Bình Giang với các Bí thư Chi bộ hồi tháng 11/2019 vừa qua, tôi đã đặt câu hỏi giữa cuộc họp là khi nào sự việc này mới được giải quyết dứt điểm. Lãnh đạo Huyện ủy cho biết sẽ trả lời sau”.
Khi huyện “bắt tay” với xã làm sai quy định Luật Đất đai
Sai phạm tày trời đã bị “hóa giải” như thế, nên các đối tượng sai phạm ngày càng hoành hành. Vấn nạn “xẻ thịt” đất công tại xã Thái Học như cái ung nhọt ngày càng nhức nhối, như mầm bệnh ung thư ngày càng lớn, ăn mòn niềm tin của nhân dân vào việc thực thi pháp luật tại địa phương.
Một công trình chuyển mục đích sai quy định. |
“Rút kinh nghiệm” từ câu chuyện làng Vạc, lần này UBND xã Thái Học (lúc này Chủ tịch xã là ông Phạm Đình Mạch – NV) đã làm tờ trình gửi UBND huyện Bình Giang. Tuy nhiên hồ sơ thể hiện nhiều sai sót sơ đẳng, gian dối. Đơn xin chuyển đổi đất của hàng chục hộ gia đình không ghi ngày tháng, chỉ ghi năm 2017. Dù diện tích hơn 5ha trên có đủ các loại đất ao thùng, ruộng lúa… nhưng các hộ lại ghi là “đất trồng lúa năng suất thấp, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, xa gia đình”.
Chủ tịch xã Phạm Đình Mạch vẫn “vô tư” xác nhận vào các đơn này, rồi UBND xã làm Tờ trình số 15/TTr-UBND đề nghị chuyển mục đích sử dụng 52,7 ngàn m2 đất công điền gửi UBND huyện Bình Giang. Tờ trình tiếp tục sai sót ở chỗ chỉ đề nghị chuyển đổi mục đích đất chung chung chứ không đề nghị chuyển đổi cho 10 hộ dân.
Hồ sơ “lởm khởm” như trên, nhưng ngày 12/7/2017, đại diện lãnh đạo Phòng NN&PTNT, Phòng TN&MT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Tài chính - Kế hoạch, Văn phòng HĐND–UBND… cùng 10 hộ có đơn vẫn “tiến hành thẩm định” và lập biên bản “đồng ý cho những hộ này được thực hiện dự án”.
Đến ngày 7/8/2017, thay mặt Hội đồng thẩm định, ông Trần Văn Chuyên, Trưởng phòng NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, có tờ trình đề nghị chuyển mục đích hơn 5,2 ha này trình UBND huyện.
Tới ngày 6/10/2017, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang Vũ Quang Đáng đã ký Quyết định 1610/QĐ-UBND chuyển mục đích với diện tích đất trên.
Cả Trưởng phòng NN&PTNT Trần Văn Chuyên và Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang Vũ Quang Đáng khi ký các tờ trình, quyết định đều đã “quên” rằng theo điểm a khoản 2 Điều 59 Luật Đất đai 2013, khi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp từ 0,5 ha trở lên, thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh.
Sau khi nhận được “bảo bối” của huyện, UBND xã Thái Học lại “ngựa quen đường cũ”, ký 10 hợp đồng “giao khoán” 5,2 ha đất ấy trong thời hạn… 25 năm với các hộ.
Theo kết luận thanh tra, hành vi của Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch huyện là trái quy định pháp luật, cần có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp. Thế nhưng đến nay Huyện ủy Bình Giang chỉ mới xử lý kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo về mặt Đảng với ông Phạm Đình Mạch, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.
Về mặt hành chính và đoàn thể, ông Mạch chưa bị bất cứ hình thức xử lý gì, dù sự việc đã có dấu hiệu của tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo Điều 229 Bộ luật Hình sự 2015. Và ông Mạch vẫn cho rằng “trong việc này, xét kỷ luật Cảnh cáo về mặt Đảng với tôi là hơi nặng”.
Về khắc phục hậu quả, ngày 13/9/2018, UBND xã Thái Học đã có báo cáo trong đó nêu: “Giữ nguyên hiện trạng, không làm biến dạng về đất đai cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền”. Thế nhưng theo quan sát của PV, hiện khu đất hơn 5 ha trên vẫn chưa có dấu hiệu “giữ nguyên hiện trạng”. Trên diện tích này, một số ngôi nhà chắc chắn vẫn mọc lên.
Những câu hỏi nhức nhối
Những ngày lặn lội ở làng Vạc, ở xã Thái Học thu thập thông tin tài liệu, nhóm PV chúng tôi nhức nhối đồng cảm với Đảng viên Chi bộ Làng Vạc nhiều câu hỏi: Vì sao luật pháp rất rõ ràng, nhưng các đối tượng lại ngang nhiên làm trái như thế? Vì sao sai phạm rất lớn, rất quy mô, có hệ thống, nhưng lại có dấu hiệu được bao che, hoặc xử lý rất nhẹ nhàng?
Câu trả lời đã đến từ nội dung bản Kết luận Thanh tra số 640/Kl-TTr, cho thấy ngay bản thân lãnh đạo huyện Bình Giang cũng tiếp tay sai phạm của xã, cũng lạm quyền Chủ tịch tỉnh chuyển mục đích đất công ích.
Hàng loạt công trình mọc lên trên những diện tích xã Thái Học cho thuê, chuyển mục đích sai quy định. |
Câu trả lời đã đến từ cách ứng xử rất lạ với báo chí của lãnh đạo huyện. Nhóm PV đã nhiều lần liên hệ, đặt lịch làm việc với huyện Bình Giang đề nghị cung cấp thông tin về sự việc. Tuy nhiên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Giang Nguyễn Trung Kiên sau khi nghe những câu hỏi, đã tạm hoãn trả lời và đến nay đã hơn hai tháng vẫn không có thông tin phản hồi.
Phải chăng vì đã mắc sai sót theo hệ thống, rất nhiều lần và chưa bị xử lý đúng theo pháp luật, nên đến nay Chủ tịch xã Phạm Đình Mạch vẫn lý giải theo kiểu bất chấp quy định luật pháp: “Các hộ có nguyện vọng kéo dài thời gian nên xã đề nghị các cấp xem xét (…). Nếu bình thường thì không dẫn tới cái sai, nhưng vì nguyện vọng người ta, chúng tôi đề nghị nên chúng tôi có áy náy lương tâm. Trong bản kiểm điểm, tôi nhận mức Khiển trách”.
Theo quy định, ở xã có cả một hệ thống cơ quan phát hiện, ngăn chặn sai phạm, vậy những cơ quan này đã ở đâu? Ông Lê Huy Chơi (nguyên Phó Chủ tịch HĐND, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã) lý giải: “Pháp luật rất nghiêm khắc, chi tiết, nếu thực hiện đúng thì rất hiệu quả. Vấn đề là người thực hiện chưa nghiêm. Vấn đề ở đây là con người”.
Vẫn lời ông Chơi: “Từ 2011, sau khi nhận được thông tin phản ánh về sai phạm đất đai, HĐND xã đã thực hiện giám sát, có kết luận gửi đến UBND xã nêu nội dung sai phạm quản lý đất công ích. Sau đó trong các phiên họp, HĐND đã nhắc nhở UBND xã, đôn đốc thực hiện giám sát, nhưng việc UBND xã thực hiện rất chậm, thậm chí giậm chân tại chỗ, không xử lý, thậm chí tái phạm.
Cùng với việc cấp trên chỉ đạo không quyết liệt, những sai phạm này không chỉ vi phạm pháp luật, gây thất thoát ngân sách Nhà nước, còn ảnh hưởng an ninh chính trị, kinh tế - xã hội, làm đánh mất lòng tin của nhân dân địa phương”.
Cụ Nhữ Đình Vây (Chi bộ thôn Vạc), cho biết: “Hiện chúng tôi chỉ còn mong chờ sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan Trung ương. Sự việc sai phạm ở làng Vạc và xã Thái Học là điển hình cho vấn nạn khi chống tham nhũng, Trung ương nóng, cơ sở nóng; nhưng địa phương thì lạnh ngắt.
Chúng tôi không phải đấu tranh cho quyền lợi cá nhân gì, mà trước hết vì sự trong sạch của Đảng; thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCHTW khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mong Trung ương đừng để đốm lửa nhiệt huyết của các Đảng viên làng Vạc bị các đối tượng tham nhũng ở địa phương dập tắt”.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy Hải Dương và các cơ quan chức năng nói gì về sự việc này?
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.