Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều chợ lớn nhỏ trên địa bàn quận Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Xuân, Từ Liêm… đang bán la liệt các loại mận quả to bằng nắm tay, vỏ màu đỏ sẫm, ruột vàng đậm với giá 40.000 - 45.000 đồng/kg; mận cơm quả nhỏ màu xanh nhạt giá 30.000 - 33.000 đồng/kg. Và đào vỏ nhẵn màu đỏ vàng, không có lông có giá 35.000 – 40.000 đồng/kg. Cả 2 loại đào và mận này đều có vị ngọt sắc chứ không pha chút chua và chát như mận hậu và đào mỏ quạ của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc 2 loại đào và mận này, người bán quả quyết đó là giống đào, mận được trồng trên Sa Pa chứ không phải nhập từ Trung Quốc về.
“Đào và mận này là trồng ở Sa Pa, khoảng tháng 7 là lúc vào vụ. Sa Pa cũng trồng nhiều giống đào, mận gối vụ nhau nên yên tâm là đào, mận của ta”, một tiểu thương bán 2 loại đào và mận này tại chợ Nghĩa Tân nói.
Thực tế tại chợ chuyên kinh doanh hoa quả Long Biên, các ki ốt bày bán một lượng lớn mận, đào đựng trong những thùng carton in chữ Trung Quốc. Trong đó, mận được bán với giá từ 120.000 - 150.000 đồng/thùng 10kg; đào tùy thuộc vào kích cỡ, chất lượng có giá bán từ 100.000 - 120.000 đồng/thùng/10kg.
Đào xanh có mẫu mã giống đào mỏ quạ trồng tại Lào Cai, Sơn La được bán rẻ hơn với mức giá từ 90.000 - 100.000 đồng/thùng 10kg.
Khi được hỏi về xuất xứ mặt hàng này, các chủ kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên đều có chung câu trả lời đây là hàng Trung Quốc, đồng thời cho biết, đào, mận Việt Nam đều đã cuối mùa thu hoạch nên ít xuất hiện trên thị trường.
Trao đổi với PLVN, ông Vương Tiến Sỹ- Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm - thủy sản Lào Cai cho biết, mùa đào, mận ở Sa Pa đã thu hoạch từ hồi tháng 5 và kết thúc vụ vào đầu tháng 7. Do vậy, các sản phẩm hiện nay đang gắn mác “Sa Pa” là không đúng. Bởi lẽ, số lượng đào và mận tại Lào Cai rất ít, mẫu mã không được đẹp như những sản phẩm đang bán ở Hà Nội.
“Mận và đào của Lào Cai được trồng và phát triển tự nhiên nên năng suất rất thấp. Hiện chúng tôi chỉ có trên 100ha mận hậu và 300ha - 400ha đào. Trung bình sản lượng mận và đào chỉ khoảng 10-12 tấn/ha. Riêng sản lượng đào hiện nay chỉ khoảng 50 tấn, không đủ cung cấp trên địa bàn tỉnh huống gì các tỉnh khác”, ông Sỹ nói.
Ông Sỹ cũng cho biết, đào tại Sapa được bán với giá 15.000 đồng/kg, còn mận hậu 20.000-25.000 đồng/kg. Do vậy, nếu các tiểu thương bán với giá thấp hơn, cộng chi phí vận chuyển thì chỉ có lỗ. Mà nếu lỗ như vậy thì sẽ chẳng ai dại gì buôn bán dài ngày như vậy. "Cách đây hơn 2 tháng, có mận Bắc Hà và Tam Hoa nhưng giờ hết vụ rồi. Chính vì thế, đào và mận được bán tràn ngập ở Hà Nội chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc", ông Sỹ khẳng định.
So sánh về chất lượng, vị Chi cục trưởng này cho rằng, đào Trung Quốc dù có màu sắc đẹp nhưng ăn xốp và nhạt. Trong khi đó, đào Sa Pa quả nhỏ, nhiều lông nhưng thơm ngon hơn.
Theo nhiều chủ cửa hàng hoa quả, cách phân biệt "mận ta" và mận Trung Quốc không hề khó vì Việt Nam chỉ có giống mận hậu và mận cơm là ngon nhất, được bày bán phổ biến nhất.
“Mận hậu thì quả bé bằng quả bóng bàn, có màu đỏ đậm với lớp phấn trắng ngoài vỏ, thịt cũng có màu đỏ sẫm, ăn có vị ngọt, chát. Mận cơm quả bé bằng một nửa, có màu xanh, vàng và đỏ khi chín, ăn giòn và chua hơn mận hậu. Việt Nam cũng có giống mận đen, tuy nhiên vì vị chát đắng, quả bị sâu nhiều và vị không ngon ngọt nên không được thương lái thu mua nhiều”, chủ một cửa hàng hoa quả trên đường Xuân Thủy cho biết.
Cũng theo chủ cửa hàng này, mận Trung Quốc có giống thì quả to, đen sẫm, không có phấn, có giống thì quả to như mận hậu của Việt Nam nhưng màu thì lại như mận cơm nên đôi khi người mua hay bị nhầm thành mận Việt Nam.
Bên cạnh đó, cách nhận biết đào Việt Nam với đào Trung Quốc cũng rất dễ vì đào ta chỉ có giống đào mỏ quạ có vỏ màu xanh, nhiều lông, ăn giòn, ngọt, có vị hơi chua. Đào Trung Quốc nhập về Việt Nam hiện nay thì có màu vàng đỏ, vỏ nhẵn nhụi không có lông, ăn ngọt nhưng không giòn. Còn một loại đào quả rất to, màu vàng đỏ, có lông, ăn ngọt nhưng không giòn.