Dù vụ việc đã xảy ra hơn 7 năm, nhưng mỗi khi nhắc đến, ông Đặng Đình Sử, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Lào Cai, vẫn không khỏi bùi ngùi.
“Vụ án này như một vết cứa trong lòng tôi và các chấp hành viên. Chúng tôi làm đúng luật, nhưng cảm giác day dứt vì những điều chưa trọn vẹn về tình người vẫn luôn ám ảnh,” ông Sử tâm sự, ánh mắt trầm tư như đang sống lại những ngày tháng đầy khó khăn ấy.
Năm 2018, Chi cục THADS thành phố Lào Cai tổ chức cưỡng chế thi hành án về việc tranh chấp thừa kế tài sản tại phường Bình Minh, thành phố Lào Cai.
Theo nội dung vụ việc, cụ M (trú tại phường Bình Minh) có một người con trai là ông C, và ông C có hai người con là anh B và chị H. Trong gia đình, chị H là người trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng cụ M suốt nhiều năm, từ khi cụ còn khỏe mạnh cho đến lúc ốm đau và thờ cúng sau khi cụ qua đời.
![]() |
Chi cục THADS thành phố Lào Cai tổ chức cưỡng chế thi hành án (ảnh minh họa) |
Ngược lại, ông C đã bỏ đi biệt tích nhiều năm, còn anh B dù có tên trong hộ khẩu của cụ M nhưng không sống cùng bà, cũng không chăm lo cho bà. Khi cụ M qua đời, ông C và anh B bất ngờ trở về, kiện chị H ra tòa đòi quyền thừa kế tài sản.
Theo bản án của tòa án, anh B, với tư cách là người có tên trong hộ khẩu của bà M, được chia một nửa tài sản. Ông C, là hàng thừa kế thứ nhất, cũng được hưởng quyền thừa kế. Trong khi đó, chị H người đã dành cả thanh xuân để chăm sóc bà nội lại không được hưởng bất kỳ phần tài sản nào.
Mặc dù trước khi qua đời, cụ M đã làm di chúc trao quyền thừa kế cho chị H. Tuy nhiên, do sai sót trong quá trình lập nên di chúc không có hiệu lực và không được tòa án chấp thuận.
Kết quả bản án khiến chị H rơi vào tuyệt vọng, chị không chấp nhận việc những người từng quay lưng với bà nội nay lại được hưởng tài sản, trong khi cô bị gạt ra ngoài. Mâu thuẫn giữa chị H với anh trai và bố càng trở nên căng thẳng, nhiều lần xảy ra xô xát.
“Tiếp nhận vụ việc, các cán bộ thi hành án và chính quyền địa phương vô cùng khó xử. Về lý, chúng tôi bắt buộc phải thực thi pháp luật, tuân thủ bản án đã có hiệu lực. Nhưng về tình, ai cũng đồng cảm với hoàn cảnh của chị H. Không ai muốn thi hành án trong hoàn cảnh này, nhưng pháp luật là điều bắt buộc phải thực hiện”, ông Sử chia sẻ.
![]() |
Ảnh minh họa |
Sự việc kéo dài trong nhiều tháng, các chấp hành viên đã rất nhiều lần tổ chức vận động, tuyên truyền để chị H hiểu và tự nguyện thi hành án nhưng không đạt được kết quả. Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, chấp hành viên không còn cách nào khác phải ban hành thông báo cưỡng chế thi hành án.
Ban Chỉ đạo thi hành án thành phố Lào Cai cũng đã nhiều lần tổ chức họp, tìm phương án để tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn không thể đưa ra được phương án nào khác, mọi cố gắng, động viên, thuyết phục chị H đều không đạt kết quả và phải tiến hành tổ chức cưỡng chế.
Ban chỉ đạo thi hành án đã phải huy động rất nhiều lực lượng tham gia hỗ trợ cưỡng chế. Trong quá trình tổ chức cưỡng chế, chị H cùng chồng đã cố thủ trong nhà, khóa cửa và đe dọa sẽ phóng hỏa tự thiêu nếu lực lượng chức năng phá cửa cưỡng chế.
Trước phản ứng quyết liệt của chị H, các cán bộ thi hành án vẫn kiên trì vận động, giải thích, khuyên can chị H và gia đình, nhằm tránh những hành động dại dột có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều cuộc đối thoại, nhiều giờ thuyết phục đã diễn ra, với sự tham gia của cả cán bộ thi hành án và chính quyền địa phương với hy vọng chị H hiểu và chấp nhận thực tế pháp lý.
“Chúng tôi đã cố gắng hết sức để chị H cảm nhận được sự đồng cảm của mình, dù biết rằng điều đó không thể bù đắp được nỗi đau của chị,” ông Sử chia sẻ, ánh mắt ông lộ rõ sự day dứt.
Sau rất nhiều nỗ lực, chị H và gia đình cuối cùng cũng hợp tác, chấp thuận bàn giao tài sản cho lực lượng chức năng để bàn giao lại cho người được thi hành án trong tiếng khóc nghẹn ngào.
Vụ án khép lại thành công về mặt pháp lý, đảm bảo bản án được thực thi đúng quy định. Nhưng với các cán bộ tham gia, niềm vui hoàn thành nhiệm vụ không trọn vẹn, những cảm xúc day dứt và trăn trở về sự công bằng vẫn còn lưu lại mãi.