Tại phiên họp, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận về giải pháp triển khai nội dung Công văn số 211-CV/ĐU ngày 19/5/2025 của Đảng uỷ Chính phủ và Kế hoạch số 225-KH/UBKTTW ngày 4/4/2025 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; dự thảo Quyết định ban hành Quy chế làm việc Ban Chỉ đạo của Bộ Tư pháp về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06; báo cáo về kết quả triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đã gợi mở một số vấn đề, định hướng rõ trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 của Bộ Tưpháp trong thời gian tới.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn triển khai thời gian qua, Bộ trưởng phân công Thứ trưởng Mai Lương Khôi chủ trì, phối hợp với ông Nguyễn Quang Thái – Phó Bí thư chuyên trách Đảng uỷ Bộ và Cục Công nghệ thông tin để trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch số 225-KH/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Quyết định số 204-QĐ/TW ngày 29/11/2024 của Ban Bí thư TW Đảng. Cục Công nghệ thông tin được giao làm đầu mối tổng hợp thông tin, chuẩn bị nội dung, báo cáo Đảng uỷ Bộ Tư pháp để kịp thời chỉ đạo.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, trên tinh thần bám sát thực tiễn triển khai và khắc phục bất cập từ các giai đoạn trước, Bộ trưởng yêu cầu tiến hành rà soát các chương trình, dự án cũ và mới về ứng dụng CNTT đã và đang triển khai. Trên cơ sở đó, cập nhật, sửa đổi Quyết định số 2595/QĐ-BTP ngày 31/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng của Bộ, ngành Tư pháp năm 2025.
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh kết luận phiên họp. |
Với 13 dịch vụ công và 6 cơ sở dữ liệu, Bộ trưởng đề nghị Cục CNTT chuyển cho thủ trưởng các đơn vị để triển khai rà soát và xây dựng kế hoạch thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh phải được báo cáo, làm việc trực tiếp với Cục CNTT, Cục Kế hoạch – Tài chính và Thứ trưởng phụ trách để xử lý kịp thời. Các đơn vị chủ động kết nối cơ sở dữ liệu hiện có, sau đó tiến hành cập nhật, hoàn thiện từng bước; đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai theo mốc tiến độ cụ thể.
Bộ trưởng yêu cầu đánh giá lại toàn bộ 31 dự án CNTT đang được triển khai, nêu rõ từng chủ đầu tư, cơ quan phối hợp, nội dung công việc, nguồn kinh phí, tiến độ thực hiện… Trên cơ sở đó, xác định rõ phần nào có thể hợp nhất, phần nào cần sửa đổi, từ đó tập trung nguồn lực để tạo ra những sản phẩm thực sự hiệu quả, vận hành tốt.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu khẩn trương đề xuất những dự án mới, dựa trên tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 197/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Bộ trưởng đề nghị phối hợp với Cục Kế hoạch – Tài chính nghiên cứu vận dụng cơ chế mới của Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng sạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 197; Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng cũng gợi mở, hạ tầng CNTT nên ưu tiên thuê dịch vụ thay vì đầu tư mới, nhằm tiết kiệm ngân sách, tránh dàn trải. Với các nội dung liên quan đến an toàn thông tin, đặc biệt là dữ liệu cầnbảo mật, Bộ trưởng yêu cầu lựa chọn các doanh nghiệp Nhà nước đủ năng lực, uy tín để triển khai.
Một trong những định hướng then chốt được Bộ trưởng nêu rõ là tập trung xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia dùng chung do Cục Công nghệ thông tin làm chủ đầu tư, được nêu rõ trong Nghị quyết 197. Đây sẽ là nền tảng hạ tầng số lõi, kết nối và tích hợp dữ liệu từ tất cả các lĩnh vực quản lý ngành, phục vụ điều hành, hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ công. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành hiện có cần được tăng tốc hoàn thiện, bảo đảm khai thác hiệu quả. Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải rà soát lại phần mềm đến cơ sở dữ liệu của đơn vị mình, gửi về Cục CNTT theo mẫu thống nhất, nêu rõ tên phần mềm, sản phẩm, công ty hỗ trợ và đơn vị phối hợp…
Bộ trưởng cũng lưu ý một số hướng ưu tiên triển khai. Trước hết, thực hiện quản trị nội bộ của Bộ Tư pháp liên quan đến xử lý không giấy tờ, cần khẩn trương hoàn tất hệ thống xử lý văn bản điện tử toàn trình. Tiếp đó, cần sớm nghiên cứu và áp dụng phần mềm chuyển giọng nói thành văn bản cho các cuộc họp lãnh đạo Bộ. Các hệ thống quản lý văn bản, số hóa lưu trữ hồ sơ pháp lý – đặc biệt là các hồ sơ trình dự án luật – cũng cần được rà soát, cập nhật để tạo thành một hệ thống quản lý dữ liệu pháp luật xuyên suốt.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị sớm gửi đề xuất chi tiết cho Cục CNTT. Trên cơ sở tổng hợp, Cục CNTT chủ trì tổ chức họp với các đơn vị liên quan, đối chiếu các nội dung trùng lặp hoặc chồng chéo, từ đó tích hợp và xây dựng thành một báo cáo tổng thể, làm cơ sở điều chỉnh, cập nhật và tái cấu trúc toàn bộ hệ sinh thái CNTT của Bộ trong giai đoạn tới.