Trang bị kiến thức về đa dạng giới để người trẻ sống có trách nhiệm

(PLVN) - Trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, đa dạng và hòa nhập (GEDI) đã trở thành một trong những trọng tâm của nhiều tổ chức giáo dục trên toàn thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Tọa đàm “Vẻ đẹp của sự đa dạng” được Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. (Ảnh: Lê Hương)

Vẻ đẹp của sự đa dạng

Tại buổi tọa đàm “Vẻ đẹp của sự đa dạng” được Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vừa tổ chức vào ngày 29/10, các diễn giả đã chia sẻ những câu chuyện về định kiến giới, bình đẳng giới mở ra những góc nhìn mới cho sinh viên.

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA nhận định, quan niệm về giới của các cá nhân sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ bản năng, quá khứ lịch sử,... vì vậy, việc cung cấp cho sinh viên có kiến thức về đa dạng giới, xu hướng tính dục rất quan trọng. Điều này sẽ giúp các em chọn người yêu, bạn đời trong tương lai không bị bó buộc bởi các khuôn mẫu, định kiến về giới. Đây sẽ là nền tảng để đem lại cuộc sống hạnh phúc trong hôn nhân, tình yêu cho người trẻ khi trưởng thành.

PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng bộ môn PR - Quảng cáo, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông cho biết, phân biệt giới, định kiến về giới, bất bình đẳng giới đã tồn tại ở Việt Nam từ rất lâu. Trong môi trường giáo dục, vấn đề này vẫn còn tồn tại sâu sắc trong cộng đồng giảng viên, sinh viên, đem đến những tổn thương, nỗi buồn cho nhiều người. Các chương trình trang bị kiến thức về bình đẳng giới được nhà trường, các khoa, ngành tổ chức liên tục trong hàng chục năm, đem đến nhiều thay đổi tích cực.

Trên thực tế, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Nhất là trong các gia đình ít nhiều vẫn còn tồn tại các hiện tượng bất bình đẳng giới. Ví dụ như chưa ghi nhận đúng vai trò của nữ giới, sự phân công lao động trong gia đình chưa hợp lý, vẫn còn sự phân biệt và sự bạo hành vẫn xảy ra đối với nữ giới. Nguyên nhân là do còn tồn tại những thành kiến, định kiến về vai trò, vị trí của nam và nữ trong gia đình và xã hội.

Xây dựng một lớp người trẻ có trách nhiệm

Chị Đỗ Hoàng Hiệp, cán bộ nghiên cứu tại Công ty truyền thông xã hội TUVA Communication cho biết, mạng xã hội đang dần chiếm vị trí quan trọng, tác động không nhỏ đến cuộc sống mỗi người, nhất là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, hiện nay, các kênh truyền thông của những nhà tổ chức, trung tâm hoạt động xã hội chưa được phổ biến rộng rãi, thu hút đông đảo người theo dõi, tham gia ủng hộ. Ngược lại, những người làm truyền thông giỏi không đủ sức để truyền tải các kiến thức chuyên sâu về bình đẳng giới.

Thực tế, theo số liệu thống kê, chỉ riêng đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164,0% tổng dân số. Thế hệ là lực lượng đông đảo sử dụng mạng xã hội và có ảnh hưởng mạnh mẽ trên “không gian ảo”.

Ngày nay, mạng xã hội, các kênh thông tin đang chi phối mạnh mẽ đến xu hướng sống của mọi người ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Truyền thông giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Không chỉ nâng cao kiến thức về giới cho người trẻ, truyền thông có khả năng thay đổi định kiến giới vốn đã hằn sâu vào tâm thức của những người lớn tuổi.

Giới trẻ hiện nay là thế hệ sẽ chịu trách nhiệm giải quyết các thách thức toàn cầu. Do đó, việc giáo dục về bình đẳng giới, đa dạng giới, xu hướng tính dục,... cần được bắt đầu từ sớm, trải dài từ bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cho đến đại học.

Đọc thêm