Trắng tay vì bị cán bộ kiểm lâm cưỡng chế bất thường

(PLO) -Rẫy sắn (còn gọi là mỳ - PV) của hộ nhà anh Thào Seo Sinh (SN 1985, ngụ thôn 9, xã Cư Króa, huyện M’đrắk, tỉnh Đắk Lắk) đang xanh tốt thì bất ngờ bị một số cán bộ kiểm lâm huyện M’đrắk tìm đến nhổ cả gốc. Bức xúc, anh Sinh đã làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng với mong muốn sự việc được làm sáng tỏ. 
Phần diện tích rẫy sắn nhà anh Sinh bị phá còn những hộ khác gần đó còn nguyên vẹn

Bị nhổ 2 ha cây mỳ 

Theo trình bày của anh Sinh: Gia đình anh có nhận sang nhượng một lô đất rẫy với diện tích 2ha tại khu Bãi Bò (thuộc địa phận thôn 9, xã Cư Króa, huyện Mđrắk). Lô đất này trước đây trồng keo. Sau khi mua, anh Sinh đã phá bỏ keo, mua dây thép gai, đào lỗ chôn cọc rào xung quanh vườn rồi đem máy cày vào cày xới đất để trồng mỳ.

Vào ngày 05/8/2016, khi cây mỳ nhà anh Sinh đã trồng được khoảng 4 tháng thì một số cán bộ thuộc Trạm kiểm lâm số 2 và Trạm kiểm lâm số 3 (huyện Mđrắk) bất ngờ đến nhổ toàn bộ cây mỳ nói trên. 

Nhận được tin báo từ người dân, anh Sinh liền chạy ra rẫy thì thấy ông Nguyễn Hồng Sơn – Trạm Trưởng trạm Kiểm lâm số 2 cùng một số cán bộ kiểm lâm khác đang nhổ mỳ của mình. Thấy tài sản của gia đình mình bị phá hoại, anh Sinh liền chạy vào can ngăn nhưng bị đẩy ra. 

Lúc này, anh Sinh lôi điện thoại ra để quay lại thì cán bộ Sơn đã có hành động dùng chân đá vào máy di động của anh Sinh. Sau khi nhổ phá hết cây mỳ, các cán bộ kiểm lâm còn dùng kìm cộng lực cắt hết dây thép gai xung quanh rẫy rồi mới ra về.

Anh Sinh bức xúc chia sẻ

Bức xúc trước hành vi trên, anh Sinh đã làm đơn trình báo lên Cơ quan CSĐT Công an huyện Mđrắk và Viện KSND huyện M’đrắk. Ngày 24/11/2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Mđrắk đã ra thông báo số 01 - Thông báo kết quả giải quyết tố giác về tội phạm với nội dung: 

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mđrắk đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 01 ngày 24/11/2016 đối với tố giác tội phạm nêu trên với lý do: Đây là trường hợp thực hiện công vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền nên không có sự việc phạm tội.

Không đồng tình với kết quả thông báo trên, anh Sinh tiếp tục gửi đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp tỉnh với mong muốn được giải quyết thỏa đáng.

Thiệt hại tiền trăm triệu

Được biết, nguồn gốc lô đất nói trên do gia đình anh Sinh mua lại với giá 47 triệu đồng của hộ ông Phan Ngọc Hòa (vào tháng 9/2015). Trước đó, mảnh đất được ông Hòa mua lại của ông Cha Dũng (cùng ngụ huyện Sông Hinh, tỉnh Phú yên). Tất cả các giấy tờ mua bán được các hộ chuyển nhượng bằng tay.

Để có tiền mua lô đất và đầu tư trồng sắn, anh Sinh đã làm đơn vay vốn của Quỹ tín dụng dành cho người nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện M’đrắk. Hành động của các cán bộ kiểm lâm nói trên đã khiến anh Sinh rơi vào cảnh trắng tay. Giờ đây, anh Sinh rất lo lắng bởi các khoản nợ chồng chất.

Anh Sinh tâm sự: “Tính riêng tiền cày xới đất, mua dây thép gai, cọc bê tông và tiền thuê người làm hàng rào đã hơn 20 triệu đồng. Tiền công trồng trọt và chăm bón cho đến khi thành phẩm lúc bấy giờ là hơn 70 triệu đồng. Vậy tổng thiệt hại tài sản bị phá hủy của gia đình tôi lên tới hàng trăm triệu đồng sẽ được xử lý thế nào? ai sẽ trả cho tôi? Tôi xin tha thiết kính đề nghị các cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh rõ bản chất sự việc, trả lại công bằng cho gia đình tôi”.

Luật sư Nguyễn Thái Thịnh chia sẻ quan điểm

“Tôi chỉ là dân thường, không biết rõ nguồn gốc đất đai, thấy người ta bán mà mình đang có nhu cầu nên tôi mua lại. Nếu chỗ đất đó đúng là thuộc Ban quản lý dự án rừng phòng hộ núi Vọng Phu huyện Mđắk, tôi sẵn sàng trả lại nhưng phía cơ quan kiểm lâm phải thực hiện sao cho đúng, hợp lý và hợp tình. Tôi không chấp nhận cách làm đơn phương và chỉ áp dụng cưỡng chế đối với một hộ là gia đình tôi như vậy…”.

Theo tìm hiểu, hộ gia đình anh Sinh vốn thuộc diện hộ nghèo ở xã Cư Króa. Không có nghề nghiệp ổn định, ngoài mảnh đất mới mua kể trên, gia đình anh Sinh chỉ canh tác vài sào đất quanh nhà trồng sắn để nuôi 4 đứa con nhỏ ăn học.

 Trong lúc đói nghèo đeo bám, anh Sinh mong muốn vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư vào sản xuất, tăng thêm thu nhập cho gia đình, nhưng không ngờ lại xảy ra cơ sự như vậy. Anh Sinh than thở trong lo âu: “không đến bao giờ gia đình tôi mới trả hết nợ nần, thoát khỏi cái đói, cái nghèo đây?”.

Dấu hiện vi phạm?

Theo anh Sinh, ngày xảy ra sự việc, các cán bộ kiểm lâm mặc trang phục ngành, mang theo cả vũ khí như bình xịt hơi cay, dao trên người. Tuy nhiên, trước khi đến cưỡng chế, phía cơ quan kiểm lâm không có bất kỳ một giấy tờ hay thông báo nào có liên quan gửi đến cho gia đình anh được biết. Mặt khác, chỉ có lô sắn nhà anh Sinh bị nhổ, còn sắn của các hộ liền kề đều không bị làm sao. 

Từ khi sự việc xảy ra cho đến nay là đã hơn 5 tháng nhưng tình hình vẫn chưa có gì thay đổi. Nhìn số cây trồng trên rẫy nhà mình hoang tàn vì bị phá hủy toàn bộ, còn rẫy sắn của những hộ khác xung quanh vẫn xanh tốt anh Sinh vừa xót xa, vừa không hiểu cách làm của các cán bộ kiểm lâm là như thế nào?

Theo ý kiến của Luật sư Nguyễn Thái Thịnh (Văn phòng luật sư Trần Luật tại Đắk Lắk): Hành động của các cán bộ kiểm lâm thuộc Trạm kiểm lâm số 2 và số 3 (huyện Mđ’rắk) là sai. 

Luật sư Thịnh phân tích: “Việc anh Sinh trồng sắn trên diện tích đất đó hoàn toàn công khai. Trong quá trình anh Sinh trồng trọt, phía cơ quan chức năng không có sự nhắc nhở hay thông báo nào ngăn cấm.

Mặt khác, theo luật định, để tiến hành cưỡng chế tài sản của công dân, phía cơ quan chức năng phải có giấy thông báo cho người dân được biết, cho người dân thời gian chuẩn bị di dời tài sản. Thậm chí, phải lập đoàn đến tận nhà vận động di dời nếu không được thì mới tiến hành lập đoàn cưỡng chế. Cụ thể thời gian cưỡng chế phải thông báo trước cho người dân biết và có chính quyền địa phương tới chứng kiến”.

“Ngoài ra, tương tự như hộ gia đình anh Sinh, xung quanh đó có rất nhiều hộ gia đình khác cũng đang trồng sắn, vậy mà các cán bộ kiểm lâm chỉ đến nhổ phá của riêng hộ anh Sinh là rất vô lý. Hành động này của các cán bộ kiểm lâm đã vi phạm vào tội “Hủy hoại tài sản công dân”, theo điều 143/BLHS quy định” – Luật sư cho biết thêm.

Đồng quan điểm với Luật sư Thịnh, Luật sư Nguyễn Văn Năm (Văn phòng luật sư Đức Duy (tỉnh Đắk Lắk) khẳng định: “Dù diện tích đất đó thuộc dự án rừng phòng hộ hay không, nhưng nếu muốn đến cưỡng chế, cơ quan chịu trách nhiệm thực thi quyền cưỡng chế phải thực hiện đúng quy trình, việc đơn phương thực hiện như vậy là sai.

Nhân đạo hơn, cơ quan tiến hành cưỡng chế có thể tạo điều cho dân, đợi sau khi người dân thu hoạch xong xuôi rồi cưỡng chế, vì cây sắn là loại cây trồng ngắn ngày. Việc đơn phương cưỡng chế và chỉ cưỡng chế của một hộ trong khi những hộ khác tương tự thì lại để im sẽ gây bức xúc trong lòng dân”.

Cũng theo Luật sư Năm, trong trường hợp anh Sinh đưa ra được các hóa đơn, giấy tờ chứng minh giá trị số tài sản của mình đã bị hủy hoại thì những cán bộ kiểm lâm đã thực hiện hành vi cưỡng chế sai quy định đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường cho anh Sinh. 

Đọc thêm