(PLO) - Giao nhận, bảo quản và xử lý vật chứng, tài sản đã được các văn bản pháp luật quy định và hướng dẫn thi hành khá hệ thống, từ Bộ luật Hình sự, Luật THADS 2008. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2012 Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý các tài sản, vật chứng phạm pháp vẫn còn rất nhiều tranh cãi phức tạp quanh nó.
Nhiều luồng ý kiến trái chiều
“Nóng” nhất gần đây đang là vụ 2,4 tấn ngà voi vừa được xét xử sơ thẩm tại TP.HCM ngày 12/12 trong vụ án “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”. Bản án đã tuyên sung công quỹ 2,4 tấn ngà voi nêu trên. Tuy nhiên, đằng sau bản án tuyên lại phát sinh thêm nhiều rắc rối, tranh cãi quanh số tang vật này.
Đó là Sở Tài chính TP.HCM, đơn vị tiếp nhận khối tang vật trên hiện vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi: Sẽ làm gì với số tang vật nêu trên sau khi sung công quỹ. Bán đấu giá hay đưa vào viện Bảo tàng để trưng bày. Trước đó, không phải ở Việt Nam chưa từng có án về buôn lậu ngà voi, thế nhưng, ngay cả ở những bản án trước, án tuyên ra, người xử lý vẫn “kêu khó” và các xử lý vẫn chưa làm hài lòng nhiều nhà chuyên môn.
|
Cơ quan chức năng đang tiêu hủy tang vật |
Trao đổi với báo chí, tiến sĩ Hoàng Minh Đức, viện phó Viện Sinh thái học miền Nam cho rằng, nếu việc sung công quỹ đối với khối tài sản này để phục vụ cho mục đích giáo dục, nghiên cứu, bảo tồn bảo tàng thì không sao, nhưng nếu có việc đấu giá lấy tiền để sung công quỹ thì chẳng khác nào dán tem nhãn cho hàng hóa bị cấm: “Việc này chẳng khác nào hợp lý hóa và kích thích cho việc buôn bán trên thị trường, đồng thời hợp lý hóa việc buôn bán ngà voi”.
Ông Đức còn chia sẻ thêm trường hợp “xử lý tang vật” khác. Đó là việc các đầu nậu gỗ, muốn có được số gỗ quý trong rừng Quốc gia một cách hợp thức, đã cho cưa trộm số gỗ trên, sau đó bị bắt, lập biên biên bản và tịch thu. Đến khi số gỗ được sung công và bán đấu giá thì đến mua, thế là hợp thức hóa.
Ngoài ra, một cán bộ thuộc cũng quản lý Công sản Bộ Tài chính còn tiết lộ, số ngà voi tịch thu nói trên không dồn về một mối và được một cơ quan đứng ra xử lý mà nằm rải rác trong kho của các đơn vị: Hải quan, công an, thi hành án… Và chính vì điều này, càng làm rối rắm thêm vấn đề: Ai quản lý, ai đứng ra xử lý tang vật, xử lý như thế nào?
Trên thực tế, tranh cãi quanh việc xử lý tang vật đã được đưa ra xét xử không phải là ít. Một ví dụ, cách đây nhiều năm, tại Thừa Thiên – Huế có vụ phạm pháp với tang vật là 19kg lõi dây đồng điện, đã được TAND Thừa Thiên – Huế tuyên tiêu hủy. Hội đồng tiêu hủy tiến hành tiêu hủy vật chứng dưới sự giám sát của Kiểm sát viên VKSND huyện Phú Vang. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành tiêu hủy, đại diện VKSND đã không nhất trí cho tiêu hủy các vật chứng nói trên. Với lý do 19kg lõi đồng dây điện, mặc dù được Tòa án quyết định tiêu hủy do không còn giá trị sử dụng, nhưng xét về giá trị phế liệu vẫn còn giá trị, đề nghị sung công quỹ Nhà nước chứ không tổ chức tiêu hủy.
Từ đó, hai luồng quan điểm đã nảy sinh: Quan điểm thứ nhất, đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát là đề nghị sung công quỹ Nhà nước. Quan điểm thứ hai thì cho rằng, không thể sung công 19kg lõi đồng dây điện nói trên vì như thế sẽ trái với quyết định của Bản án. Vấn đề mấu chốt ở đây là Hội đồng tiêu hủy cần xác định hình thức tiêu hủy như thế nào cho phù hợp và đúng quy định pháp luật.
Khúc mắc quanh việc xử lý thế nào cho tang vật không chỉ là chuyện của các cơ quan tố tụng. Ngay cả với các nhà làm luật, cơ quan quản lý, thì đây cũng là một vấn đề khá “nóng”. Còn nhớ, chuyện tiêu hủy hay bán đấu giá xe đua, đã trở thành tranh luận khí thế của những người đứng đầu các bộ, ngành trong năm 2012: Vị thì cho rằng, tiêu hủy xe đua trái phép là hợp lý, vì mạnh tay và mang tính răn đe cao. Vị thì bảo, thế là lãng phí tài sản, thay vì vậy nên sung công, bán đấu giá, đem ngân sách về cho Nhà nước.
Kéo theo đó là những luồng ý kiến của các đại biểu Quốc hội và người dân mà ý kiến nào cũng có lỹ lẽ riêng rất đáng xem xét: Người thì đồng tình ý kiến tiêu hủy, vì xe để đua đều là xe độ, giá thành cao nhưng tính sử dụng thì không có, nên có bán giá bèo dân cũng chẳng ai mua về xài, chỉ có những kẻ đua xe trái phép tham gia mua, hợp thức hóa, thế là đi lại từ đầu như vòng tròn, đã vậy, việc tổ chức định giá, bán đấu giá lại nảy sinh những phức tạp chung quanh nó.... Luồng khác thì cho rằng, xe đua có những chiếc lên đến tiền tỷ , nếu cứ tiêu hủy hết thì lãng phí một số tài sản lớn .
Luật đã có, nhưng áp dụng chưa đúng!
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó Chủ Nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre cho biết: Qua những phản ánh nói trên, đã cho thấy xuất hiện hai vấn đề tranh cãi: Thứ nhất, tịch thu sung công quỹ Nhà nước thì trường hợp nào sẽ giao cơ quan chức năng quản lý và không được lưu hành, trường hợp nào sẽ đem ra bán đấu giá. Thứ hai, tịch thu tiêu hủy nhưng không tiêu hủy vẫn cho đấu giá.
Ngoài hai vấn đề trên còn phải được xác định thống nhất cơ quan chuyên trách nào quản lý tài sản. Đối chiếu Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính, tang vật bị tịch thu được xử lý như sau: Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành và tài sản khác thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật;
Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu không thuộc trường hợp quy định (nộp vào Ngân sách nhà nước, cơ quan được quyết định giao, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành…) thì tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá…
Đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu nhưng không còn giá trị sử dụng hoặc không bán đấu giá được thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phải lập hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan. Phương thức, trình tự, thủ tục xử lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước".
Ở khía cạnh áp dụng luật trên thực tế, LS Lương nhận định: Theo Luật Thi hành án dân sự tại Điều 124: Xử lý vật chứng tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu, sung quỹ Nhà nước và Điều 125: Tiêu hủy vật chứng tài sản đã quy định rõ ràng chi tiết. Như vậy, dù là lĩnh vực hình sự hay hành chính đều có các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề là do áp dụng thực tế chưa đúng quy định. Cụ thể trường hợp ngà voi, thì cũng chẳng cần thiết phải tranh cãi nhiều, chỉ cần xác định ngà voi có phải nằm trong danh mục cấm hay được phép lưu hành. Nếu cấm lưu hành. thì chuyển vào bảo tàng, còn cho phép, thì bán đấu giá sung công quỹ. Về trường hợp 19kg lõi đồng dây điện, cái sai thuộc về TAND Thừa Thiên Huế tuyên tịch thu tiêu hủy thay vì tuyên tịch thu sung công, tuy không còn giá trị sử dụng nhưng vẫn bán đấu giá phế liệu được. Còn đối với tang vật là xe đua trái phép cần phải tịch thu sung công và bán đấu giá là bình thường, việc đăng ký phương tiện và lưu hành xe sẽ do quan hệ pháp luật khác điều chỉnh.