Nhiều vô lý trong chuyện “mượn đất”
Theo bản án phúc thẩm ngày 6/5/2020 của TAND tỉnh Điện Biên (vụ án “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất cho mượn là di sản thừa kế”, bà Hải khởi kiện đòi vợ chồng ông Đại (em chồng cũ) hai thửa đất gồm: thửa đất số 13 (rộng khoảng 393,9m2) và thửa đất số 09 (khoảng 4.089m2, đều ở tờ bản đồ số 01) và hơn 128 triệu đồng do ông Đại được Nhà nước bồi thường khi lấy đất làm đường.
Bà Hải cho rằng hai thửa đất trên là do ông Nguyễn Lệ Lộc và bà Nguyễn Thị Dung (bố mẹ bà Hải) khai hoang từ năm 1986 về đến năm 1998 thì cho vợ chồng bà Hải mượn đất để sản xuất. Đến năm 2001, vợ chồng bà Hải tiếp tục cho ông Đại canh tác và trông coi hộ.
Tuy nhiên, khi bà Hải ly hôn với ông Lê Văn Lưu (anh trai ông Đại) năm 2009 thì gia đình bà mới biết trong số đất trên, ông Đại đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) 400m2 đất ở (do được ông Lưu viết giấy chuyển nhượng từ năm 2007) và đang quản lý khoảng 4.000m2 đất vườn.
Phủ nhận việc mình mượn đất như lời khai nguyên đơn, ông Đại khẳng định vào năm 2007, vợ chồng ông đã nhận chuyển nhượng từ vợ chồng anh trai 400m2 đất ở (theo tờ khai của ông Lưu năm 1997) cùng diện tích đất liền kề và đất ao thầu với giá 70 triệu đồng (khi nhận tiền, bà Hải chỉ lấy 50 triệu đồng).
Sau khi thực hiện các thủ tục theo quy định, vợ chồng ông Đại đã được UBND huyện Mường Ảng cấp GCNQSDĐ đối với 400m đất ở (theo hạn mức). Diện tích đất rộng gần 4.000m2 còn lại vẫn được gia đình ông Đại sử dụng trồng cây lâu năm và làm nhà.
Theo ông Đại, vào năm 2013, trong quá trình Tòa giải quyết vụ án chia tài sản giữa bà Hải - ông Lưu, bà Hải cũng thừa nhận đã chuyển toàn bộ diện tích đất trên cho gia đình ông Đại vào năm 2007. Tuy không ký giấy bán nhưng bà Hải là người nhận tiền. Bản án phúc thẩm sau đó đã công nhận thỏa thuận của các bên, trong đó có việc “…đất thổ canh, thổ cư ông Đại đang quản lý và sử dụng, bà Hải và anh em trong gia đình không được quyền tranh chấp”.
Hiện nay, Giấy CNQSDĐ của gia đình ông Đại được Nhà nước cấp vào năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý, thể hiện nguồn gốc “được tặng cho” chứ không phải “mượn đất”. Còn GCNQSDĐ của vợ chồng bà Hải thể hiện 300m2 đất “khai hoang từ năm 1990”.
Thực tế, hai phần đất này vốn nằm cùng thửa đất hiện đang tranh chấp nên ông Đại cho rằng, nếu bà Hải cho rằng “đất mượn của bố mẹ” là điều rất vô lý, mâu thuẫn với 2 GCNQSDĐ đã cấp.
Hồ sơ đất đai thể hiện ai là chủ đất?
Năm 2010, Nhà nước thực hiện thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng công khai nhưng vợ chồng ông Lộc không tiến hành kê khai để nhận bồi thường với tư cách là chủ sử dụng đất. Trong khi đó, ông Đại đã kê khai và được cơ quan chức năng xét duyệt, thẩm tra và trả tiền đền bù theo đúng quy định. Vì vậy, nếu nói lúc này ông Lộc “nhầm tưởng” là vợ chồng con gái vẫn mượn đất nên không đứng ra kê khai, nhận bồi thường là vô lý vì thực tế, bà Hải, ông Lưu đã ly hôn trước đó một năm.
Theo một số luật sư, để chứng minh yêu cầu đòi đất là di sản của bố mẹ thì bà Hải phải có nghĩa vụ chứng minh đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Lộc, bà Dung, chứng minh có việc ông Đại đã “mượn đất” của bố mẹ mình và chứng minh mình là đại diện hợp pháp cho những người thừa kế của ông Lộc, bà Dung.
Tuy nhiên, trong vụ kiện này thì cả 3 nội dung trên đều không có chứng cứ rõ ràng, hợp lệ.
Theo Luật sư Lê Quốc Hiền (người bảo vệ quyền lợi cho bị đơn) thì bà Hải không có quyền khởi kiện vì không có giấy ủy quyền của bố mẹ. Đến khi bố, mẹ mất, bà Hải mới khởi kiện nhưng cũng không có giấy ủy quyền hợp lệ của những đồng thừa kế khác. Biên bản họp nội bộ gia đình thì không phải là văn bản thỏa thuận phân chia di sản (đất đai) hợp lệ vì không có công chứng theo quy định và cũng không thể hiện rõ di sản cụ thể như thế nào.
Hơn nữa, trong vụ án này, không có tài liệu địa chính nào thể hiện đất đã từng đứng tên vợ chồng ông Lộc. Văn bản trả lời Tòa của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ảng cũng thể hiện rõ điều này.
Đã không xuất trình giấy tờ địa chính nào thể hiện đất đứng tên ông Lộc, nguyên đơn cũng không có văn bản, giấy tờ gì thể hiện việc vợ chồng ông Đại “mượn đất”.
Dù nguyên đơn không có các tài liệu chứng minh đất đứng tên ông Lộc, bà Dung và chứng minh quan hệ mượn đất nhưng tại bản án phúc thẩm, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Điện Biên vẫn chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn khi cho rằng, “vào năm 2001, gia đình ông Đại có mượn đất của ông Lộc, bà Dung thông qua ông Lưu, bà Hải để ở và canh tác khoảng 5.000m2 tại phố 4, thị trấn Mường Ảng là có thật”.
Hiện ông Đại đã có đơn đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Trao đổi với PV, ông Trần Như Đồng - Tổ trưởng Tổ dân phố 4, Thị trấn Mường Ảng (từ năm 2010 đến nay) cho biết, “nguồn gốc đất trên là do anh Lưu khai phá từ năm 1990.
Còn ông Tạ Văn Khoa, Khối trưởng Tổ dân phố 4, (từ năm 1995 – 2010) khẳng định “Đất đang tranh chấp là của anh Lưu, chị Hải khai hoang và đã bán cho anh Đại, chị Hảo. Đất này không phải của ông Lộc, bà Dung”.
Ông Phạm Văn Triệu – nguyên lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Tuần Giáo (nay là huyện Mường Ảng) khẳng định: Không có bất kỳ giấy tờ nào thể hiện đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ông Lộc, bà Dung. Đất này được vợ chồng anh Lưu, chị Hải sử dụng từ năm 1990 – 2001. Tiếp đó, vợ chồng anh Đại sử dụng từ năm 2001 và chính thức nhận chuyển nhượng vào năm 2007. Sau đó, gai đình anh Đại sử dụng ổn định, phù hợp với quy hoạch sử dụng thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ”.
Vì sao VKSND tỉnh bất ngờ rút kháng nghị của cấp dưới?
Trong vụ án này, VKSND huyện Mường Ảng đã từng có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm cho rằng, bà Hải khai tổng diện tích gần 4.000m2 mà vợ chồng ông Đại sử dụng là của ông Lộc, bà Dung khai hoang nhưng trong các hồ sơ địa chính quản lý của thị trấn Mường Ảng và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ảng không thể hiện người đứng tên đăng ký, quản lý đối với các thửa đất này là ông Lộc, bà Dung (ông Lộc, bà Dung không đăng ký kê khai, không có bất kỳ loại giấy tờ nào theo quy định tại Điều 50 Luật Đất đai (LĐĐ) 2003 (Điều 100 LĐĐ 2013).
Đồng thời, VKSND huyện Mường Ảng cũng cho rằng có cơ sở, chứng cứ để khẳng định có việc mua bán toàn bộ khu đất giữa vợ chồng ông Lưu, bà Hải với vợ chồng ông Đại. Trong suốt quá trình đến sinh sống từ năm 2001 và nhận chuyển nhượng của ông Lưu và bà Hải theo giấy chuyển nhượng viết tay ngày 22/7/2007, gia đình ông Đại sử dụng ổn định, liên tục, lâu dài không có tranh chấp, thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định, đã được đăng ký tại hồ sơ địa chính lập thời điểm 2005 và 2012 và được UBND huyện Mường Ảng cấp GCNQSDĐ.
Như vậy, ông Đại đã thực hiện xác lập quyền sở hữu và thực hiện quyền, nghĩa vụ sử dụng đất đối với diện tích đất tranh chấp theo Bộ luật Dân sự và Điều 50 LĐĐ. Bản án sơ thẩm chỉ căn cứ vào đơn khởi kiện và trình bày của nguyên đơn để xác định nguồn gốc và quyền sở hữu, quản lý mà không căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng để phân tích, đánh giá đầy đủ, khác quan các tình tiết. Quyết định buộc vợ chồng ông Đại phải trả cho bà Hải quản lý, sử dụng đất là vi phạm nghiêm trọng… nên đã làm ảnh hưởng tới quyền lợi của vợ chồng ông Đại.
Tuy nhiên, không hiểu sao, đến phiên tòa phúc thẩm thì đại diện VKSND tỉnh Điện Biên đã bất ngờ rút kháng nghị của cấp dưới và đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của ông Đại.