Tranh chấp tài sản trong gia đình bà Tư Hường: Hàng ngàn người đối diện nguy cơ mất việc làm

(PLVN) - Những ngày qua, việc khởi tố vụ án tranh chấp tài sản gia đình nhà bà Tư Hường (Trần Thị Hường) đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Phía sau câu chuyện này, một câu chuyện khác được mở ra đó là hàng ngàn cán bộ công nhân viên của Tập đoàn Hoàn Cầu đối diện nguy cơ mất việc làm, hàng loạt công ty có nguy cơ đóng cửa.
Lễ khai trương một chi nhánh ngân hàng Nam Á.

Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Chấn (chồng bà Tư Hường), ngày 25/7/2018, con trai ông đã câu kết với nhiều người (ông Phan Đình Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàn Cầu; và bà Nguyễn Thị Liệu, ban lãnh đạo Công ty CP chứng khoán Bảo Minh) đột nhập bất hợp pháp vào nơi cư trú của ông tại số 141, Võ Văn Tần, mở két sắt của gia đình lấy đi nhiều tài liệu có giá trị. Cụ thể, ngày 25/7/2018, bà Liệu bị cho là cùng nhiều người khác đã vào nhà ông Chấn mở tủ lấy đi nhiều tài liệu giấy tờ… 

Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, hành vi của bà Liệu và những người khác (nếu có) là trộm cắp tài sản chứ không phải lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Việc lạm dụng chiếm đoạt chỉ xảy ra khi ông Chấn giao tài sản ngay thẳng cho ai đó nhưng sau đó người này mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của ông Chấn.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, chỉ với những tình tiết như nêu trên thì chưa đủ căn cứ để khép tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Luật sư Tư nói: “Theo tôi, đây là một vụ việc tranh chấp tài sản gia đình, tranh chấp giữa cha và con. Các con gái ông Chấn cũng đã có đơn tố lại cha và các thành viên khác trong gia đình nên đây là tranh chấp dân sự thuần túy, có thể gọi là tranh chấp tài sản thừa kế sau khi bà Tư Hường qua đời”. 

Từ đó, luật sư Tư cho rằng, việc khởi tố tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo đơn tố cáo với bà Liệu cũng như ông Nguyễn Quốc Toàn là chưa phù hợp.

Trước sự việc này, Nam A Bank khẳng định đây là những tranh chấp dân sự về cổ phiếu Nam Á Bank, hoàn toàn không liên quan đến hoạt động Nam A Bank - một doanh nghiệp đại chúng hoạt động công khai, minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật.

Liên quan đến việc tranh chấp tài sản này, nhiều nhân viên tại Tập đoàn Hoàn Cầu mong mỏi cơ quan chức năng sớm hòa giải hoặc rút quyết định khởi tố để không ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Một người chia sẻ: “Đây là việc gia đình nên mong các cơ quan giúp đỡ, tạo điều kiện, không đẩy vụ việc thành vấn đề hình sự để gia đình có thể ngồi lại với nhau cùng giải quyết vấn đề, bởi mấu chốt của vụ việc chỉ là tranh chấp tài sản nội bộ trong gia đình”.

“Tôi không muốn sự việc cứ kéo dài như thế này nữa và sức khỏe của bản thân cũng không tốt nên trong thời gian tới, tôi sẽ tập trung xử lý việc gia đình, hi vọng mọi việc sớm sáng tỏ và kết thúc để ba được an hưởng tuổi già sau một đời vất vả”, ông Toàn nói.

Trước khi diễn ra vụ việc này, Nam Á Bank là một trong những “đứa con tinh thần”, là điều tâm huyết nhất của mẹ ông Toàn là bà Tư Hường. Lúc sinh thời, ước nguyện lớn nhất của bà là thấy Nam Á Bank ngày một lớn mạnh. Những năm cuối đời (khoảng từ 2012 - 2017), bà Tư Hường xác định giao toàn quyền việc quản lý tài sản, kinh doanh của gia đình cho ông Toàn, vào thời điểm này Hoàn Cầu và Nam Á Bank rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhưng ông Toàn đã chèo lái đưa tập đoàn và Nam Á Bank vượt qua và phát triển như hiện nay.

Tuy nhiên, thời điểm này, tâm lý cán bộ công nhân viên Hoàn Cầu không ổn định sau khi có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan điều tra. Trong trường hợp tranh chấp kéo dài sẽ dẫn đến hoạt động các công ty bị đình trệ, các dự án không phát triển được, nguy cơ thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng cửa công ty, giảm lao động là rất lớn. Vì vậy, hàng nghìn người có nguy cơ mất việc làm.

Đọc thêm