Một ông bố khác thì kể câu chuyện khi đón con ở trường về đã thông báo với con chuyện Khá “Bảnh” bị bắt vì hành vi tổ chức đánh bạc. Cậu con trai sau khi nghe bố nói thế lặng đi suốt cả quãng đường về nhà, sau mãi mới mở miệng: “Thế ạ, con hơi tiếc. Khá “Bảnh” múa đẹp lắm”.
Một bà mẹ sau khi ngăn cấm mãi không được đã hỏi thẳng con gái mình – nữ sinh của một trường cấp 2 ở Hà Nội – rằng tại sao lại thần tượng Khá “Bảnh” thì câu trả lời nhận được khá bất ngờ: “Hâm mộ vì Khá “Bảnh” tuy thô tục nhưng không giả dối”.
Thái độ của những đứa trẻ và đặc biệt là câu trả lời của cô bé nữ sinh đã gợi cho người lớn chúng ta những suy tư. Vẫn biết rằng về nhân thân, nhân vật Khá “Bảnh” có một bề dày “thành tích” bất hảo, ra tù vào tội, gây rối trật tự xã hội. Những nội dung mà Khá “Bảnh” thể hiện trên mạng xã hội chỉ phần nào phản ánh được con người thật của anh ta, còn lại đa số là làm màu để câu view, câu like. Và trẻ con, vì chưa trưởng thành về mặt nhận thức xã hội đã ngay lập tức bị cái sự làm màu ấy làm cho hoa mắt.
Nhưng bên cạnh đó cũng có một sự thật hiển nhiên rằng, đã là con người luôn có tính bản thiện, luôn thích sự chân thật, ghét giả dối. Những đứa trẻ cũng vậy. Với tâm hồn còn non nớt, “nhân chi sơ tính bản thiện”, chúng nhận thức được rằng giả dối là điều xấu, là việc làm xấu.
Thế nhưng, hàng ngày không ít đứa trẻ lại đã và đang bị quá nhiều điều giả dối bao vây. Từ chuyện cha mẹ ở nhà nói lừa dối nhau ngoại tình, rồi cha mẹ lừa dối đồng nghiệp, cấp trên, chạy chức, chạy quyền, chạy điểm, chạy trường, cha mẹ ngang nhiên chở con lao vút qua đèn đỏ, thả cả bao rác to tướng xuống đường… cho tới ngoài xã hội là tràn ngập các thông tin thực phẩm bẩn bị các nhà cung cấp lừa dối đưa vào trường học, giáo viên dâm ô học sinh, giáo viên cầm đầu đường dây chạy điểm đại học, kẻ quấy rối tình dục trẻ con trong thang máy lại trơ trẽn công bố mình chỉ nựng yêu…
Trong khi đó, ở trên mạng xã hội, anh chàng Khá “Bảnh” lại ra vẻ ta đây mình nghĩa hiệp giang hồ, sống thật với bản thân, bạn bè. Dù biết rằng đó chỉ là câu view, câu like, nhưng với những đứa trẻ vẫn còn non kinh nghiệm sống thì thử hỏi làm sao chúng không tưởng thật mà tôn sùng, mà thần tượng.
Từ câu chuyện của những đứa trẻ với nhân vật Khá “Bảnh” mới thấy, dù rằng không phải ai trong cuộc đời mình cũng cần có một thần tượng để noi theo, nhưng mỗi người từ trẻ đến già vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh mình, bởi môi trường sống xung quanh mình.
Và nếu như những con người, môi trường đó sống gây cho anh ta/cô ta sự thất vọng thì việc đi tìm và ngưỡng vọng những cái bên ngoài là điều tất nhiên, dù chưa biết đó là hay hay dở.
Thế nên, một đứa trẻ “nhân chi sơ tính bản thiện” tâm hồn và tính cách như tờ giấy trắng, nếu có muốn hướng thiện sống tốt cũng không thể, nếu như hàng ngày xung quanh chúng là giả dối ngập tràn từ gia đình cho tới nhà trường, xã hội. Và theo lẽ thường, chúng sẽ tự đi tìm những cái mà chúng cho là tốt, là hay để học theo.
Nhưng vì là trẻ con nên chúng không thể phân biệt đó là tốt thật, hay thật, hay chỉ tốt ảo, hay ảo. Và nếu cứ như thế này thì chuyện trẻ con hâm mộ Khá “Bảnh” âu cũng là điều dễ hiểu và sau này sẽ là một loạt các “giang hồ mạng”, “giang hồ mồm” khác vẫn tiếp tục sẽ được lũ trẻ tung hô với triệu like, triệu follow…