Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, điều tra về tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì trước kia tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1996 là 12%, năm 2009 là 43%, nhưng theo một điều tra mới nhất của thành phố Hồ Chí Minh tiến hành năm 2014-2015, cho thấy tỷ lệ này ở khu vực nội thành của thành phố Hồ Chí Minh là trên 50%, còn tại Hà Nội, số liệu điều tra mới đây nhất cho thấy tỷ lệ trẻ em béo phì ở khu vực nội thành là 40,7%.
Hậu quả của trẻ em thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm. Tiêu biểu như nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2, tim mạch, tăng huyết áp…
Tại hội thảo, các chuyên gia trong ngành dinh dưỡng chỉ rõ, nguyên nhân căn bản của thừa cân, béo phì là do tình trạng mất cân bằng về năng lượng giữa lượng calo đưa vào cơ thể và lượng calo được sử dụng. Xu hướng gia tăng trẻ em thừa cân, béo phì trong cộng đồng hiện nay chủ yếu là do gia tăng tiêu thụ các thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga… Đây là những loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng chất béo cao cùng với lối sống ít hoạt động thể lực, lười vận động.
Do đó, giải pháp can thiệp hiệu quả và khả thi trong phòng chống béo phì trẻ em là đưa ra các mô hình khuyến khích chế độ ăn lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, thiết kế những trò chơi vận động và trang bị các dụng cụ thể dục thể thao cho các trường học. Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn các đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh điều chỉnh cấu trúc bữa ăn, tránh lạm dụng đường và các chất béo.
Được biết, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 sẽ triển khai các giải pháp can thiệp đặc thù cho các vùng miền và các nhóm đối tượng cụ thể, trong đó chú trọng đến vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em để góp phần nâng cao tầm vóc của người Việt Nam, đồng thời kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì để hạn chế sự gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Mục tiêu đến năm 2020 của Chiến lược sẽ cải thiện được bữa ăn của người dân ở tất cả các vùng, miền đủ về số lượng và cân đối về chất lượng.