Trì hoãn kiện toàn BQT Nhà chung cư 71 Nguyễn Chí Thanh: UBND quận Đống Đa bị khiếu nại

(PLO) - Để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, vận hành nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chế Quản lý, sử dụng nhà chung cư (kèm Thông tư số 02/2016/TT-BXD). Theo đó, UBND cấp Quận có trách nhiệm ra quyết định công nhận Ban quản trị (BQT) nhà chung cư. 
Trì hoãn kiện toàn BQT Nhà chung cư 71 Nguyễn Chí Thanh: UBND quận Đống Đa bị khiếu nại

Tuy nhiên, do sự tắc trách của cán bộ chuyên môn, UBND Quận Đống Đa (TP.Hà Nội) không những đang bị khiếu nại mà còn có nguy cơ bị khởi kiện ra tòa.

Có trách nhiệm kiểm tra nhưng không phản hồi cho dân?

Cụ thể, như báo Câu chuyện Pháp luật đã phản ánh, ngày 16/11/2016,  UBND quận Đống Đa có Quyết định số 5205/QĐ-UBND công nhận và thông báo hoạt động của BQT Nhà chung cư 71 Nguyễn Chí Thanh (nằm trên địa bàn phường Láng Hạ).

Theo Quyết định 5205, BQT gồm 5 thành viên: Ông Hà Đức Ngọc (trưởng ban); Bà Phạm Thị Lợi (phó ban); Ông Trương Anh Tuấn (phó ban – đại diện chủ đầu tư); Bà Nguyễn Thị Sinh (thành viên); Ông Ngô Doãn Vịnh (thành viên). Nhiệm kì hoạt động ba năm.

Chưa có hợp đồng vẫn ngang nhiên thu tiền

Tại buổi làm việc với PV, ông Hùng (Phòng QLĐT) đã khẳng định “cho đến nay quyết định 5205 của UBND Quận Đống Đa vẫn có hiệu lực”, BQT nhà chung cư theo quyết định này vẫn có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Do đó, việc Xí nghiệp Quản lý nhà ở và VP cho thuê (Cty Cổ phần xây dựng Công nghiệp) thu phí, thu tiền của cư dân khi chưa có thỏa thuận với BQT là “sai luật”.

Hành vi “sai luật” đang ngang nhiên diễn ra nhưng các cơ quan chức năng dường như “bó tay” không có cách nào xử lý?

Tuy nhiên, vì lý do cá nhân, sức khỏe không cho phép, ngày 13/1/2017, bà Sinh có đơn xin thôi BQT;ngày 1/3/2017, ông Vịnh cũng có đơn xin nghỉ. Để phục vụ cho hoạt động của BQT, sau khi miễn nhiệm 2 thành viên nêu trên phải tiến hành việc kiện toàn BQT.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 26 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cưthì đối với trường hợp này, BQTsẽ đề xuất người thay thế và gửi xin ý kiến của các đại diện chủ sở hữu căn hộ; nếu được tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao hoặc có số lượng ít hơn theo quyết định của hội nghị nhà chung cư đồng ý thì người được đề xuất được công nhận là thành viên BQT nhà chung cư; trường hợp không có đủ số người đồng ý theo quy định tại Điểm này thì phải họp hội nghị nhà chung cư bất thường của tòa nhà để bầu người thay thế.

Trên thực tế, ngày 7/4/2017, BQT đã tiến hành họp với các trưởng tầng để đề xuất người thay thế, sau đó đã gửi xin ý kiến của các đại diện chủ sử hữu căn hộ. Kết quả có 164/khoảng 240 (hơn 65%) chủ sử hữu đồng ý với phương án nhân sự thay thế. 2 thành viên BQT mới là ông Nguyễn Thanh Lượng và bà Nguyễn Thị Giang Phòng. 

Ngày 21/4/2017, BQT đã có văn bản gửi UBND Quận Đống Đa, UBND phường Láng Hạ về việc thay thế thành viên BQT (cán bộ phường ký nhận ngày 26/4). “Gần 1 tháng sau đó, BQT không nhận được bất cứ hướng dẫn hay ý kiến nào của cả quận lẫn phường về vấn đề này nên. Chúng tôi nghĩ việc kiện toàn đã hoàn tất nên hoạt động bình thường”, ông Hà Đức Ngọc cho hay.

Nói với dân 1 kiểu, trả lời nhà báo kiểu khác?

Đến đầu tháng 6/2017, trước 1 số ý kiến cho rằng, việc kiện toàn BQT “chưa được công nhận”, ông Ngọc mới lên UBND phường hỏi thì được ông Nguyễn Hải Đăng cho biết: “Nhà nước chưa công nhận” (chỉ việc kiện toàn thành viên BQT-PV) và chỉ dẫn ông Ngọc về nộp hồ sơ.

Ngày 3/6/2017, ông Ngọc gửi hồ sơ công nhận thành viên BQT lên UBNQ Quận, Phòng Quản lý Đô thị Quận Đống Đa, UBND phường Láng Hạ nhưng không có “hồi âm”. 

“Ngày 8/6, khi tôi ra phường họp “trao đổi về tình hình nhà chung cư”, thì ông Quách Minh Hùng (phòng QLĐT Quận Đống Đa) nói “phải họp hội nghị nhà chung cư” để kiện toàn chứ cũng không giải thích vì sao hồ sơ do ông Ngọc gửi lại không được công nhận”, ông Lượng cho hay.

Với mong muốn BQT nhanh chóng đi vào hoạt động, thực hiện “hướng dẫn miệng” của ông Hùng, ngày 16/6, BQT đã tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường. Tại hội nghị này (có mặt ông Hùng) cũng đã thống nhất việc kiện toàn BQT. 

Ngày 19/6, ông Ngọc mang hồ sơ nộp cho phường và quận. Những tưởng mọi việc đến nay đã “suôn sẻ”, nguyện vọng chính đáng của cư dân sẽ được chính quyền ủng hộ. Thế nhưng, trong khi người dân mong mỏi từng ngày thì những người có trách nhiệm lại có vẻ tìm cách kéo dài, trì hoãn.

Điều đáng nói, theo khoản 2 Điều 22 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thì:“Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị của BQT nhà chung cư, UBND cấp quận có trách nhiệm kiểm tra và ban hành Quyết định công nhận BQT nhà chung cư...”. Nghĩa là đến cuối tháng 6/2017 đã phải có quyết định kiện toàn BQT.

Giải thích về lý do chậm trễ, tại buổi làm việc với PV ngày 23/8, ông Hùng lý giải: “Theo biên bản hội nghị chung cư hôm đấy (16/6) thì có 42 người tham dự và 82 giấy ủy quyền, cộng vào là 129 (?) trên tổng số 200 hộ. Nhưng 82 giấy ủy quyền thì bác Ngọc không cung cấp được. Tôi đã yêu cầu bác Ngọc cung cấp giấy ủy quyền để làm cơ sở chứng minh đủ cơ sở pháp lý nhưng chưa thấy cung cấp”.

Tuy nhiên, điều mà ông Hùng nói lại hoàn toàn trái ngược với thông tin từ phía người dân. Cụ thể, theo ông Ngọc, mãi đến cuộc họp tại phường ngày 11/8, ông mới được biết về việc “thiếu giấy ủy quyền”. 

Không những thế trong quá trình trao đổi bằng tin nhắn giữa ông Ngọc và số điện thoại 0968.525.698 (được cho là của ông Hùng) thì lý do quận chưa có quyết định kiện toàn do “chưa có công văn của phường lên” (tin nhắn ngày 3/7), “phường có ý kiến đề nghị tạm dừng việc ra quyết định” (tin nhắn ngày 10/7).

Tuy nhiên, như đã nói trong số báo trước, tại buổi làm việc với PV, phía UBND phường Láng Hạ đã bác bỏ thông tin phường “đề nghị tạm dừng ra quyết định” nói trên. Mặt khác, theo thông tin mà ông Đăng cung cấp cho ông Ngọc thì ngày 4/7, UBND phường đã có văn bản xác nhận và đề nghị công nhận thành viên BQT gửi lên quận.

Sự thật thì chỉ có một. Ai là người làm sai sẽ phải trách nhiệm. Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp quận. Nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội (kèm theo 522/QĐ-UBND).

Câu hỏi đặt ra là, pháp luật đã có quy định rất rõ về thời hạn giải quyết thủ tục công nhận BQT nhưng vì sao cán bộ chuyên trách lại không hướng dẫn cụ thể cho dân, cũng không trả lời chính thức bằng văn bản? có điều gì khuất tất, mập mờ ở đây hay không?

Cũng cần nói thêm rằng, theo thẩm quyền và chức năng, lãnh đạo quận Đống Đa khó mà biết tường tận sự việc. Trách nhiệm là của cơ quan tham mưu, cán bộ phụ trách. Tuy nhiên, với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu thì e rằng, lãnh đạo quận cũng khó tránh khỏi việc có liên quan.

Bằng chứng là BQT đã có đơn khiếu nại gửi UBND Quận Đống Đa, nhưng đến nay đã quá 10 ngày (theo quy định của Luật Khiếu nại) nhưng quận này vẫn chưa có văn bản thụ lý hay không thụ lý đơn thư? Nếu không giải quyết dứt điểm vụ việc thì việc UBND quận trở thành bị đơn là hoàn toàn có thể xảy ra.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin. 

Trong khi khiếu nại của BQT chưa được giải quyết thìngày 14/8/2017, Phòng QLĐT Quận Đống Đa bất ngờ có văn bản số 383/QLĐT đề nghị: BQT Nhà chung cư 71 Nguyễn Chí Thanh “có trách nhiệm thông báo, tổ chức hội nghị nhà chung cư để cư dân xem xét, quyết định việc kiện toàn BQT nhà chung cư”; UBND phường Láng Hạ “có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với phòng quản lý đô thị thông báo, hướng dẫn BQT nhà chung cư 71 Nguyễn Chí Thanh tổ chức hội nghị nhà chung cư” trước ngày 25/8.

Điều đáng nói, ông Trương Anh Tuấn (phó BQT-đại diện chủ đầu tư) đã thống nhất rút đơn kiến nghị nhưng không hiểu sao vẫn được phòng QLĐT dùng làm 1 trong những căn cứ ra văn bản 383 nói trên. 

Mặt khác lá đơn tập thể của cư dân (do ông Hùng cung cấp cho PV) có tập hợp 92 chữ ký của chủ sở hữu. Con số này không đảm bảo “trên 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ” nhưng cũng lại được dùng làm căn cứ để ra văn bản 383 (?!).

Đọc thêm