Trị liệu tâm lý bằng văn hóa bản địa

(PLVN) -  Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, trị liệu tâm lý cũng cần phải tính đến yếu tố văn hóa để đạt được hiệu quả và mục tiêu cuối cùng là chữa lành cho những tổn thương tinh thần của người bệnh.
Trị liệu tâm lý bằng văn hoá bản địa phổ biến hơn trên thế giới.

Văn hóa ảnh hưởng đến trị liệu tâm lý

Một bệnh viện ở thành phố Helena, bang Montana (Hoa Kỳ) đã áp dụng các yếu tố văn hoá bản địa trong phương pháp trị liệu tâm lý đối với người bệnh là người Mỹ bản địa (người da đỏ) hoặc một số cộng đồng dân tộc đến từ những nền văn hoá khác văn hoá Mỹ.

Chương trình trị liệu này bao gồm nhiều điểm khác biệt so với các chương trình trị liệu tâm lý phổ biến tại xứ sở cờ hoa, ví như việc cung cấp các loại thực phẩm phù hợp với văn hoá ẩm thực của người bệnh. Bữa ăn tiêu chuẩn cho người bệnh của các nền văn hoá trên thế giới đều có sự khác nhau, ví như trong văn hoá Mỹ thường là bánh gà và bánh quy, văn hoá Mexico ưa chuộng trứng sốt salsa và đu đủ xắt nhỏ, còn trong văn hoá Nhật Bản lại phổ biến mì soba và trà xanh.

Ngoài ra, chương trình còn tạo không gian cho phép người bệnh thực hiện các nghi lễ truyền thống và sử dụng một số loại thuốc, thảo dược phù hợp với văn hoá bản địa của người bệnh mà vẫn đảm bảo an toàn sức khoẻ. Chưa kể, các nhà trị liệu còn cân nhắc cả những yếu tố chấn thương tâm lý trong lịch sử đối với những nhóm dân tộc thiểu số, người bản địa như một yếu tố ảnh hưởng đến những tổn thương tâm lý của người bệnh ở thời điểm hiện tại.

Nhiều nhà tâm lý học Mỹ cho rằng, văn hoá là một yếu tố tác động lớn đến quá trình trị liệu tâm lý. Đáng nói, hầu hết các phương pháp trị liệu tâm lý tại Mỹ đều có nguồn gốc từ văn hoá phương Tây, do vậy có thể không phù hợp với tất cả các cộng đồng đến từ các nền văn hoá khác.

Giáo sư tâm thần học Abigail Powers của Trường Đại học Y Emory (Mỹ) cho biết, trong thời gian dài gắn bó với công việc trị liệu, bà nhận thấy một thực tế rằng, các nhóm dân tộc thiểu số, cộng đồng bản địa tham gia trị liệu ít thường xuyên hơn, tỷ lệ bỏ cao hơn và kết quả từ trị liệu cũng kém hiệu quả hơn so với các nhóm bệnh nhân khác. Dù vậy, phương pháp trị liệu tâm lý bằng văn hoá bản địa vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ giới chuyên môn Mỹ, nên chưa trở thành một trong những xu hướng trị liệu tâm lý chính.

Trong suốt ba thập kỷ qua, một trong những nhà tâm lý học tâm huyết nhất với phương pháp trị liệu bằng văn hoá bản địa chính là Giáo sư Joseph P. Gone của Đại học Harvard (Mỹ). Ông phát hiện rằng, việc thấu hiểu kiến thức bản địa, hay những tác động của chấn thương tâm lý trong lịch sử và sức mạnh của văn hoá truyền thống có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao sức khoẻ tâm thần cho các cộng đồng người Mỹ bản địa. Ông đã thực hiện rất nhiều phiên trị liệu, cũng như những khoá giảng dạy để phổ biến phương pháp này, với điểm nhấn là sự dung hòa các kỹ thuật tâm lý hiện đại với thực hành văn hóa bản địa.

Trong một hội thảo tại Harvard vào cuối năm 2022, Giáo sư Gone chia sẻ rằng, trong những năm đầu sự nghiệp, ông đã gặp một người đàn ông ở Khu bảo tồn Belknap (bang Montana, Mỹ) – một khu vực dành riêng cho thổ dân châu Mỹ - và cuộc gặp gỡ này đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của ông về phương pháp điều trị sức khỏe tâm thần hiệu quả cho các cộng đồng bản địa.

Người đàn ông tên là Traveling Thunder luôn tâm niệm rằng, tình trạng trầm cảm và lạm dụng rượu của người da đỏ có nguồn gốc từ nhiều năm tiếp xúc với người châu Âu đến định cư tại châu Mỹ. Trong quá trình ấy, nhiều phong tục bản địa đã bị phá hủy. Traveling Thunder có cách đánh giá rất “khắt khe” về các nhà tâm lý học của Dịch vụ Y tế Bản địa đến vùng này để giúp điều trị các vấn đề về sức khoẻ tâm thần của cộng đồng người da đỏ. “Anh ấy xác định các dịch vụ sức khoẻ tâm thần gần như một hình thức truyền giáo, một loại nỗ lực để “tẩy não” những người bản địa”, Giáo sư Gone cho hay.

Sử dụng các yếu tố văn hoá truyền thống để cải thiện hiệu quả trị liệu.

Từ các cuộc trò chuyện với Traveling Thunder và những người da đỏ khác, Gone hiểu rằng thiếu kinh phí không phải vấn đề duy nhất khiến các dịch vụ sức khỏe tâm thần ở các khu bảo tồn của người Mỹ bản địa không hiệu quả. Giải pháp để cải thiện là cần có phương pháp điều trị có thể giải quyết các tổn thương tâm lý trong lịch sử của cộng đồng này, đồng thời phải cân nhắc các yếu tố văn hoá truyền thống của họ như một động lực quan trọng để khiến người bệnh cởi mở, thoải mái tham gia vào quá trình trị liệu để cải thiện sức khoẻ tâm thần.

Giáo sư Gone đã thực hiện nhiều chương trình trị liệu tâm lý bằng văn hoá bản địa với cộng đồng người da đỏ, một trong số đó là các phiên trị liệu cộng đồng để khắc phục bệnh nghiện rượu của những người này. Các phương pháp điều trị bản địa cho thấy hiệu quả đầu tiên chính là những người tham gia đã không bỏ trị liệu giữa chừng – một điều quan trọng trong trị liệu tâm lý là không để ngắt quãng, đặc biệt với những căn bệnh tâm lý như nghiện rượu rất dễ tái phát dù đã từng cai nghiện thành công.

Vượt qua tư duy trị liệu thông thường

Thông thường, các nhà tâm lý học có nhiệm vụ đánh giá các triệu chứng tâm lý, đưa ra chẩn đoán và kế hoạch điều trị thích hợp dựa trên những tiêu chuẩn kỹ thuật, loại thuốc cụ thể hay phương pháp hỏi đáp. Theo đó, tài liệu tham chiếu phổ biến nhất là Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ năm (DSM-5) của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA).

Tuy nhiên, mỗi cá nhân, cộng đồng có thể trải qua nỗi đau khổ theo những cách khác nhau, không nhất thiết các triệu chứng của họ sẽ giống y nguyên với những hệ thống chẩn đoán trong tâm lý học phương Tây. Như nhà tâm lý học Robinder Bedit từng khẳng định “các hoạt động tư vấn và trị liệu tâm lý chuyên nghiệp đã được phát triển ở thế giới phương Tây để giải quyết các vấn đề phổ biến ở các nước phương Tây theo cách phù hợp với cách hiểu của phương Tây”.

Giáo sư Abigail Powers của Đại học Y Emory đồng tình, việc đưa ra chẩn đoán chính xác, giải thích cho người bệnh hiểu và thuyết phục họ thực hiện các giải pháp là những phần thiết yếu của quá trình trị liệu, cải thiện sức khoẻ tâm thần. Đáng nói, việc người bệnh không phối hợp sẽ là một yếu tố dẫn đến thất bại của phần lớn các cuộc trị liệu tâm lý.

Trong hình thức điều trị thông thường, mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhà trị liệu ít quan trọng hơn; còn trong phương pháp chữa lành bằng văn hoá truyền thống ở các cộng đồng bản địa, mối quan hệ được tùy chỉnh theo từng cá nhân giữa nhà trị liệu và bệnh nhân là rất quan trọng. Sự hiểu biết, tôn trọng văn hoá bản địa của các nhà trị liệu sẽ khiến người bệnh tin tưởng và cởi mở với họ hơn.

Tôn trọng các nền văn hoá bản địa trong trị liệu tâm lý.

Mục tiêu chính của bác sĩ tâm thần, nhà trị liệu tâm lý là giúp chữa lành và giảm bớt đau khổ cho những người đang phải vật lộn với những vấn đề về sức khỏe tâm thần để họ có một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa.

Trên thực tế, mặc dù các liệu pháp tâm lý có hiệu quả rộng rãi ở Hoa Kỳ, nhưng các cá nhân thuộc chủng tộc và dân tộc thiểu số tham gia trị liệu ít thường xuyên hơn, tỷ lệ bỏ giữa chừng cũng cao hơn và kết quả trị liệu kém tích cực hơn so với những người da trắng.

“Trị liệu tâm lý bằng văn hoá bao gồm việc đảm bảo quá trình chữa lành phù hợp với nền tảng văn hoá của cá nhân và cộng đồng đang tham gia trị liệu. Các nhà trị liệu sẽ cần phải vượt ra ngoài tư duy chữa bệnh theo các liệu pháp tâm lý từ phương Tây, không nên áp đặt các chương trình trị liệu không phù hợp đối với cộng đồng người da màu. Thay vì thế, họ nên đặt quá trình trị liệu trong không gian và nền văn hoá bản địa để đạt hiệu quả cao hơn”, Giáo sư Abigail Powers phân tích.

Đáng nói, không chỉ ở Mỹ, phương pháp trị liệu tâm lý bằng văn hoá bản địa đang ngày càng phổ biến hơn trên thế giới. Văn hoá được nhìn nhận là nền tảng tinh thần của các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc, bởi vậy quá trình chữa lành những tổn thương tâm lý không thể thiếu yếu tố quan trọng này.

Đọc thêm